Phát hiện này sẽ giúp các công ty dược phẩm bào chế những loại thuốc dễ uống hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của những người nhạy cảm với vị đắng.
Nhiều loại thuốc có vị đắng đến mức bệnh nhân muốn tránh. Để khắc phục điều này, các công ty dược phẩm đã cho thêm hương liệu và chất tạo ngọt để làm thay đổi vị của thuốc, khiến người dùng dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cùng cảm nhận vị giác và độ nhạy cảm với vị đắng hoặc cảm thấy dễ chịu như nhau với các chất điều chỉnh vị đắng.
Một nghiên cứu toàn cầu do Monell Chemical Senses Center(Mỹ) chủ trì đã kiểm tra độ đắng của năm loại thuốc và hiệu quả của hai chất điều chỉnh vị đắng ở 338 người gốc Âu và những người mới nhập cư vào Mỹ và Canada từ châu Á, Nam Á, châu Phi.
Kết quả, họ phát hiện, những người có nguồn gốc khác nhau có cảm nhận vị đắng khác nhau đối với 2/5 loại thuốc và hiệu quả của một số chất điều vị.
Tác giả chính, TS Ha Nguyen, cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên so sánh người tham gia có nguồn gốc khác nhau cùng nếm các loại thuốc đắng khác nhau.
Cụ thể, người tham gia nếm năm loại thuốc có vị đắng: tenofovir alafenamide (TAF, cho HIV), moxifloxacin (cho bệnh lao phổi), praziquantel (cho bệnh sán máng), amodiaquine (cho bệnh sốt rét) và propylthiouracil (PROP, cho bệnh cường giáp). Họ cũng được cho nếm một số dung dịch khác: TAF trộn với chất làm ngọt sucralose (ngọt, giảm vị đắng) hoặc 6-methylflavone (không vị, giảm vị đắng), dung dịch chỉ có sucralose và dung dịch chỉ có natri clorua (muối).
Người dân có gốc gác khác nhau cảm nhận về độ đắng của thuốc khác nhau.
Sau đó, họ đánh giá mức độ vị đắng trên thang điểm 100 và cung cấp mẫu nước bọt để phân tích kiểu gene.
Trong tất cả các nhóm đều có sự khác biệt lớn giữa các cá nhân về cảm nhận vị đắng: một loại thuốc có thể được đánh giá là đắng nhất hoặc nhạt như nước bởi những người khác nhau.
Mặc dù phản ứng với vị đắng giữa các cá nhân trong mỗi nhóm có khác biệt lớn, thế nhưng giữa các nhóm cũng có sự khác biệt trong cảm nhận vị đắng đối với 2/5 loại thuốc.
Trung bình, người gốc Á thấy thuốc PROP đắng hơn các nhóm khác. Còn người gốc Âu thấy thuốc amodiaquine đắng hơn nhóm gốc Phi.
Sự khác biệt về cảm nhận độ đắng với thuốc PROP trong các nhóm dân tộc khác nhau khẳng định kiến thức đã biết về sự phân bố các biến thể di truyền thụ thể TAS2R38 giữa các khu vực khác nhau trên toàn cầu.
Khi thêm chất tạo ngọt sucralose vào thuốc TAF để điều chỉnh độ đắng, các nhóm có nguồn gốc khác nhau cảm nhận độ đắng khác nhau. Cụ thể, dùng sucralose để điều chỉnh vị đắng có hiệu quả với người gốc Phi hơn người gốc Á.
Những phát hiện này sẽ giúp các công ty dược phẩm bào chế những loại thuốc dễ uống hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của những người nhạy cảm với vị đắng.
Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Chemical Senses.
Nguồn: