Trong bối cảnh biến đổi khí hậu được dự báo ngày một có nhiều tác động đến tự nhiên và xã hội, việc bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới không chỉ đơn thuần giúp các quốc gia giữ được các loài quý hiếm mà còn tạo ra những lá chắn sinh học giúp con người tránh khỏi các dịch bệnh tương lai.

Khi sinh vật “bỏ nhà ra đi”

Có một thực tế mà có lẽ nhiều người chưa biết: trên toàn thế giới, có đến hơn một nửa số loài chim, lưỡng cư và thú sống trên cạn có vùng phân bố nằm xuyên biên giới các quốc gia. Khi nghe đến điều này, có thể bạn sẽ hình dung ra những cuộc “du lịch bụi” của các “cư dân” ở vương quốc rừng xanh nơi biên giới ấy. Tuy nhiên, nếu như con người có những tấm hộ chiếu và visa để đặt chân sang cửa khẩu của nước làng giếng, thì mọi thứ lại không đơn giản như vậy với động vật hoang dã. Ngoài các mối đe dọa như phá rừng và săn bắn, các loài này còn có thể bị ảnh hưởng do gặp khó khăn trong việc di cư bởi các cơ sở hạ tầng được xây dựng chắn ngang vùng biên giới, cũng như thiếu sự phối hợp của các hoạt động bảo tồn ở hai quốc gia.

Nhóm nghiên cứu đi thực địa ở Khu Bảo tồn Sao La, tỉnh Thừa Thiện Huế. Ảnh: NVCC
Nhóm nghiên cứu đi thực địa ở Khu Bảo tồn Sao La, tỉnh Thừa Thiện Huế. Ảnh: NVCC

Và những mối đe dọa này còn có thể trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. “Khi Trái đất ngày càng ấm lên, những loài sống ở các vùng này có nhiều khả năng sẽ phải di chuyển qua biên giới hoặc thậm chí là sang hẳn một nước khác để tìm những địa điểm có khí hậu mát mẻ hơn”, PGS.TS Lê Đức Minh (Đại học Khoa học Tự nhiên và Viện Tài nguyên Môi trường, ĐHQGHN) cho biết. Dù biến đổi khí hậu gần đây đã trở thành một trong những cụm từ nóng hổi và được bàn thảo sôi nổi tại các hội nghị hay các chủ đề nghiên cứu trên thế giới, thì những ảnh hưởng của hiện tượng này lên đa dạng sinh học ở vùng biên giới như thế nào đến nay vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. “Nếu như chúng ta không biết biến đổi khí hậu sẽ tác động như thế nào đến sự phân bố của các loài trong tương lai, cũng như không có các hoạt động hợp tác bảo tồn xuyên biên giới, chúng sẽ có nguy cơ tuyệt chủng cả ở cấp độ khu vực, quốc gia và thậm chí là toàn cầu”, PGS.TS Đức Minh bày tỏ mối lo ngại.

Những trăn trở ấy đã khiến cho nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Đức Minh phối hợp cùng với Đại học Rutgers (Hoa Kỳ), Đại học Hà Nam (Trung Quốc) và Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Hoa Kỳ thực hiện một dự án tập trung vào đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các loài động và thực vật thuộc nhóm nguy cấp và cực kỳ nguy cấp phân bố ở vùng Đông và Nam Á, trong đó đặc biệt chú ý đến vùng biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam. “Đây không chỉ là khu vực nằm trong điểm nóng về đa dạng sinh học Indo - Burma với nhiều loài nguy cấp, quý hiếm, mà các sinh vật ở khu vực này (phía Bắc) cũng dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu hơn và có khả năng sẽ dịch chuyển vùng phân bố nhiều hơn so với khu vực phía Nam”, PGS.TS Đức Minh giải thích.

Các sinh vật được dự án lựa chọn để nghiên cứu chủ yếu là rùa, linh trưởng, trong đó có vượn Cao vít - một trong những loài nguy cấp và quý hiếm nhất, hiện chỉ còn khoảng dưới 150 cá thể sinh sống ở duy nhất một khu vực nhỏ ở Trung Quốc và Việt Nam. Một loài thực vật quý hiếm khác cũng được nhóm đưa vào nghiên cứu là Giổi na (Magnolia grandis) - một loài thực vật bị đe dọa nghiêm trọng hiện chỉ còn dưới 120 cây trưởng thành ở vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc.

Để tiến hành nghiên cứu, nhóm của PGS.TS Đức Minh đã sử dụng phương pháp mô hình hóa phân bố loài (SDMs) với phần mềm Maxent (Maximum Entropy) - “một phương pháp được sử dụng nhiều nhất hiện nay do khả năng dự đoán tương đối chính xác vùng phân bố của các loài mà chỉ cần dựa trên một số ít điểm phân bố thực tế. Đồng thời, phương pháp này cũng cho phép kết hợp và dự đoán được vùng phân bố của các loài theo các kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai”, PGS.TS Đức Minh cho biết.

Để có dữ liệu tiến hành mô hình hóa, bên cạnh các số liệu đã được tích lũy từ rất nhiều nghiên cứu trước đây cũng như số liệu từ các đồng nghiệp, nhóm của PGS.TS Đức Minh cũng thực hiện các chuyến khảo sát thực địa để bổ sung số liệu phân bố cho một số loài có ít dữ liệu hoặc ghi nhận các điểm phân bố mới. “Trong mô hình hóa, càng có nhiều điểm thì kết quả dự đoán các chính xác”, anh cho biết. Và các vùng phân bố hay ổ sinh thái của sinh vật sẽ gắn với các “biến” về môi trường như lượng mưa, nhiệt độ trung bình hoặc sự dao động nhiệt độ giữa các mùa. “Có tổng cộng 19 biến môi trường được lưu giữ trong một cơ sở dữ liệu chung toàn cầu (WorldClim) và đã được chuẩn hóa, do đó việc sử dụng không gặp nhiều khó khăn”, PGS.TS Đức Minh cho biết.

Và khi kết hợp mô hình với các điều kiện môi trường trong các kịch bản về biến đổi khí hậu, các nghiên cứu đã cho thấy kết quả không nằm ngoài dự đoán của họ. “Nhìn chung, tất cả những loài động, thực vật được mô hình hóa đều dịch chuyển hoặc thu nhỏ vùng phân bố”, PGS.TS Đức Minh cho biết. Kết quả của dự án mới đây đã được xuất bản trong một chuyên san đặc biệt về bảo tồn xuyên biên giới dưới tác động của biến đổi khí hậu trên tạp chí Frontiers of Biogeography (nhà xuất bản eScholarship của Đại học California). Trong đó, đối với các loài như vượn Cao vít hay Cầy vằn, môi trường sống thích hợp của chúng sẽ bị phân mảnh rất mạnh và thu hẹp lại đáng kể. Cụ thể, Cầy vằn được nhóm nghiên cứu dự đoán sẽ di chuyển lên độ cao khoảng 600 m hoặc hơn ở các vùng bao gồm dãy Hoàng Liên Sơn ở Việt Nam và Trung Quốc, dãy Trường Sơn ở Việt Nam và Lào, và các cao nguyên ở vùng Tây Nguyên nước ta. Bên cạnh đó, vùng phân bố của Cầy vằn còn bị thu hẹp lại khoảng 42%, ngay cả khi áp dụng kịch bản khí hậu lạc quan nhất. Điều này dẫn đến việc số khu bảo tồn có môi trường sống thích hợp cho chúng sẽ giảm từ 21 xuống còn 13 ở cả Việt Nam và Lào.

Hậu quả khó lường

“Không chỉ nằm trong vùng điểm nóng về đa dạng sinh học, Việt Nam, Lào và Trung Quốc còn có rất nhiều loài nguy cấp, quý hiếm mang tính đặc hữu, chỉ duy nhất có tại đây. Nếu chúng không được quan tâm bảo vệ và bị tuyệt chủng, thì đây không chỉ là mất đa dạng sinh học của khu vực này mà còn là ở phạm vi trên toàn thế giới”, PGS.TS Đức Minh nhấn mạnh.

Loài Thằn lằn cá sấu Việt Nam (Shinisaurus crocodilurus vietnamensis), chụp tại Vườn thú Cologne. Ảnh: Thomas Ziegler
Loài Thằn lằn cá sấu Việt Nam (Shinisaurus crocodilurus vietnamensis), chụp tại Vườn thú Cologne. Ảnh: Thomas Ziegler

Và nếu ai nghĩ rằng việc mất đi một loài sinh vật hoang dã nào đó không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của con người, thì có lẽ họ đã lầm. “Hiện nay, nhiều người không nhận thức rõ được tại sao cần phải bảo vệ động vật hoang dã, họ cho rằng bảo vệ động vật hoang dã chỉ như làm từ thiện, hoặc cao hơn chút là bảo vệ mắt xích của hệ sinh thái. Như thế là sai lầm. Vai trò của động vật hoang dã chính là lá chắn cho con người trước các dịch bệnh. Khi duy trì được số lượng và sự đa dạng của động vật hoang dã thì các virus, vi khuẩn sẽ yên tâm cư trú trên động vật hoang dã, nơi ở quen thuộc của chúng. Ngược lại nếu động vật hoang dã biến mất thì tất cả virus, vi khuẩn sẽ chuyển sang ký sinh và gây bệnh ở con người. Thế nên không phải ngẫu nhiên mà đa số bệnh lây từ động vật sang người thường xuất hiện ở các nước có thói quen săn bắt và ăn thịt sống của động vật hoang dã”, một tiến sỹ công tác tại Bộ môn Động vật học và Bảo tồn, Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) từng chia sẻ với KH&PT.

Vậy cần làm gì để có thể tránh được mối nguy này? Theo PGS.TS Đức Minh, các nghiên cứu mới đã cho thấy tầm quan trọng của việc phải có các biện pháp bảo tồn xuyên biên giới cũng như có hoạt động hợp tác phù hợp với các quốc gia láng giềng để tạo thuận lợi cho sự di cư của động và thực vật. “Chẳng hạn, đối với loài Thằn lằn cá sấu, tùy theo các kịch bản khí hậu mà môi trường sống của chúng sẽ bị dịch chuyển mạnh, trong đó quần thể nằm ở giáp ranh biên giới Việt Nam và Trung Quốc có thể sẽ hoàn toàn biến mất và di chuyển sang một vùng trú ẩn (refugia) mới, có thể ở dãy Yên Tử”, PGS.TS Đức Minh cho biết. “Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta phải tạo ra một ‘hàng lang sinh học’ ở khu vực này để chúng có thể dịch chuyển, hoặc phải phối hợp với các bên để đưa những cá thể ấy về vùng cư trú mới không bị ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu”, anh đưa ra một gợi ý.

Tất nhiên, đây không phải là một điều dễ dàng và có thể thực hiện trong ngày một ngày hai, nhất là khi hiện nay Viện Nam gần như chưa có hoạt động bảo tồn xuyên biên giới như vậy. Nhưng trong bối cảnh Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam vừa được phê duyệt, có lẽ đây sẽ là một gợi ý hữu ích mà các nhà quản lý có thể thực hiện trong giai đoạn tới. “Có thể, biến đổi khí hậu ở thời điểm hiện tại chưa thể hiện quá rõ ràng, nhưng trong tương lai, chẳng hạn như đến 2050 như tầm nhìn của chiến lược thì ảnh hưởng của nó đến các loài đã rất lớn rồi”, PGS.TS Lê Đức Minh nói.

Biên giới thường liên quan nhiều đến các vấn đề lịch sử và bối cảnh chính trị xã hội phức tạp ở nhiều quốc gia. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý hay hoạch định chính sách cũng cần hiểu rõ các bối cảnh này để có thể đạt được các mục tiêu bảo tồn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, chúng ta cần phải tăng cường các nghiên cứu/biện pháp bảo tồn xuyên biên giới để đạt được mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.

Bà Mary Blair - Giám đốc Nghiên cứu Tin học Đa dạng Sinh học ở Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Hoa Kỳ