Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện dấu vết của bùn, chứng tỏ nước từng xuất hiện trên sao Hỏa.
|
Khe nứt bùn chứng tỏ nước từng xuất hiện trên sao Hỏa. Ảnh:NASA/JPL-Caltech/MSSS.
|
Hình ảnh chụp bởi tàu thăm dò Curiosity Rover của NASA cho thấy các khe nứt bùn trên bề mặt sao Hỏa, Sun hôm 20/1 đưa tin. Cấu trúc kỳ lạ này nằm dưới núi Mount Sharp trên hành tinh Đỏ và được đặt tên là "Old Soaker".
Các nhà khoa học nhận định lớp bùn hình thành cách đây ba tỷ năm do hồ nước trên sao Hỏa khô cạn. Khi bùn khô, nhiều vết nứt xuất hiện. Chúng bị che phủ bởi các lớp trầm tích, đông đặc thành khối đá phân tầng.
Sau đó, gió thổi làm xói mòn lớp ngoài của Old Soaker, khiến cấu trúc nứt gãy xuất hiện trở lại. Theo các chuyên gia, vật liệu lấp đầy giữa các vết nứt có khả năng chống xói mòn tốt hơn lớp đá bùn xung quanh. Do đó, các khe nứt nhô lên thành dãy như hình dạng ngày nay.
Việc phát hiện khe nứt bùn có thể giúp chứng minh giả thuyết sự sống từng phát triển mạnh trên sao Hỏa. Bùn cho thấy sự tồn tại của nước, yếu tố cơ bản của sự sống. Ngoài ra, các vết nứt cũng cung cấp thông tin, chứng tỏ sao Hỏa có nhiều điểm tương đồng với Trái Đất hơn các nhận định trước đây.
Theo VNExpress