Từ một nông dân “chân đất”, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, ông Lê Phước Lộc (chủ cơ sở sản xuất kéo cắt tỉa Phước Lộc - tổ 2, ấp 5 Cái Bè, Tiền Giang) đã trở thành ông chủ với thu nhập ngót tỷ đồng mỗi năm.
17 năm đi làm thuê
Người dân Cái Bè quen gọi ông là Hai Đặng. Năm nay ông đã 50 tuổi. Ông cười khà khà khi ai đó bảo ông là nhà khoa học: “Tui bằng cấp không có, học xong phổ thông là nghỉ, đâu dám nhận là nhà khoa học. Chỉ là thấy bà con cần cái chi thì mình làm cái đó, bớt đi cái nhọc nhằn cho bà con mà thôi”. Hiện ông Hai Đặng làm chủ các sáng chế: Kéo cắt tỉa đa năng, cần bao quả và vòi phun nước tự động. Các sáng chế đều được đăng ký độc quyền.
Nhớ lại những tháng năm lập nghiệp, ông Hai Đặng kể: “Trước đây thì khó khăn lắm. Đi vay thì người ta bảo, mày nghèo thế, lấy đâu tiền mà trả cho tao. Tôi ngỏ ý vay 1 chỉ vàng mà người ta cũng không cho vay. Anh em thì nghèo muốn chết. Thế là tôi phải đi vay ngân hàng. Lúc đầu tôi đi vay 40 triệu đồng, tính lãi trong 5 năm sẽ phải trả 58 triệu đồng. Lúc đó chẳng ai giúp đỡ, nhiều khoản phải chi như tiền thuê nhà, tiền máy móc, nhà xưởng rồi đến lúc “trả nợ muốn chết”.
Sản phẩm đầu tay của ông là “cải tạo” thành công chiếc ôtô thành chiếc xe thùng loại nhỏ chạy ở đường hẹp phục vụ nông nghiệp. Nhờ vụ đó mà ông có tiền cưới vợ, mua bông tai, nhẫn cưới. Để khởi nghiệp, ông bán hết vàng cưới mua một chiếc máy trục lúa (máy làm đất lúa sau khi gặt). Không may, chiếc máy chạy rất yếu, không làm ăn gì được. Bực quá, ông đem luôn chiếc máy đi bán đồng nát. Thế là số vàng cưới cũng tan theo. Vợ ông lúc đó “cằn nhằn dữ lắm”.
Sau đó, hai vợ chồng vay tiền mua các nguyên liệu máy móc về để sáng chế chiếc máy suốt lúa lưu động. Cũng may mắn là lần thử thách ấy thành công. Suốt 17 năm trời, cứ đến mùa thu hoạch lúa là hai vợ chồng chở máy đi khắp miệt vườn Cái Bè, Đồng Tháp, An Giang suốt lúa mướn. Mỗi lần di chuyển kèm theo cả nồi niêu soong chảo, rong ruổi hết mùa lại về như vậy đó. Hai đứa con thì nhỏ xíu. Lúc đó, hết mùa lúa lại chuyển sang làm vườn, dù cho làm vườn thì “hết mùa là hết tiền”.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi có mấy người lặn lội từ Bắc Giang đến gặp ông đề xuất phương án phối hợp để mở rộng thị trường phía Bắc. Sản phẩm kéo đa năng của ông được một số người làm vườn Bắc Giang dùng thử thấy rất tiện ích. Ông bảo đó cũng là mong muốn của ông, khi có cơ chế phối hợp tốt thì giá thành một chiếc kéo sẽ chỉ khoảng 200 ngàn đồng, thay vì phải đội thêm các chi phí vận chuyển khác như hiện nay. Để chiếc kéo đa năng vươn xa được, ông cũng đã cần mẫn gửi từng chiếc một theo đơn đặt hàng lẻ của các cá nhân.
Để làm được điều đó, cái giá ông phải trả không rẻ, con đường ông đi gặp không ít chông gai. Nhiều khi tiền vận chuyển lớn hơn tiền sản phẩm, nhưng ông coi đó là cách để tiếp thị sản phẩm của mình.
Người làm vườn thu nhập ngót tỉ đồng
3 sáng chế của ông Hai Đặng đều gắn với các công việc của người làm vườn. Ông bảo, 3 sáng chế này ban đầu chỉ một vài người biết đến, rồi “tiếng lành đồn xa”, sản phẩm của ông đã có mặt khắp Đồng bằng sông Cửu Long. Ông nuôi hy vọng người làm vườn sẽ cực kỳ nhàn nhã mà vẫn có thu nhập cao chứ không phải chịu cảnh nghèo khó như ông ngày trước.
Chiếc kéo đa năng của ông Hai Đặng là một sáng chế khá đơn giản, nhưng lại vô cùng hữu ích và cần thiết cho người làm vườn. Thông thường những trái ở quá cao, khó với đến để bẻ, nếu để trái rơi xuống đất thì rất dễ giập nát.
Ông nghĩ cách tạo ra chiếc kéo mà chỉ cần đưa lên, bấm tách một cái là quả bám ngay vào chiếc kéo và đưa xuống mặt đất nhẹ nhàng. Trong quá trình trồng cây ăn trái, cần bao bọc quả để bảo vệ trái cây khỏi sâu bệnh tấn công. Người làm vườn không phải leo trèo, chui rúc bao từng quả một mà chỉ cần một công cụ thô sơ, các loại quả đều có thể được bao lại, bảo vệ khỏi sự tấn công của các loại sâu bệnh. Rồi đến sáng chế vòi phun nước tự động phục vụ cho nhà vườn, tưới đều, nhẹ nhàng...
Không chút ngập ngừng, giấu giếm về thu nhập, nhà sáng chế miệt vườn thành thật chia sẻ: “Mỗi năm tôi bán khoảng 15-16 ngàn cây kéo, thu nhập hằng năm cũng khá cao. Tôi là nông dân, tôi sống khá giả được là nhờ các sáng chế này. Nếu chỉ làm vườn không thôi thì nghèo lắm, miếng ăn đắp đổi qua ngày, hết mùa cũng hết tiền. Còn làm sáng chế thì có thể bán sản phẩm, chuyển giao công nghệ phục vụ cho bà con và có lợi nhuận cho mình.
Mỗi năm trừ đi chi phí sản xuất, lợi nhuận của tôi là khoảng 700-800 triệu đồng. Tôi mong muốn mở rộng thị trường phục vụ người dân miền Bắc. Miền Bắc có nhiều cam quýt, vải thiều rất ngon, nhãn ngọt mà không có những công cụ này thì rất phí”.
Muốn được hỗ trợ mà khó quá!
Các cơ quan chức năng chưa có hỗ trợ tài chính cho nông dân. Muốn hỗ trợ phải có hóa đơn đỏ, nhà xưởng, máy móc… nên rất khó. Mà tôi thì hai bàn tay trắng đi lên, bữa nay làm được bao nhiêu tiền thì sắm một món, bữa sau làm được thêm thì lại sắm một món nữa thôi. Muốn được Nhà nước hỗ trợ thì phải có hóa đơn, chứng từ, mà mình nông dân thì có biết gì đâu, nên dù có muốn lắm cũng không được.
Ông là một người đam mê sáng chế, cái gì lạ là lại mày mò làm. Ban đầu chỉ là làm để tự dùng, sau đó lại làm thêm từng chiếc một. Chiếc kéo đầu tiên làm 3 cây, bạn bè thấy hay quá nên lấy về xài. Ông làm tiếp 10 cây nữa..., sau đó đem sản phẩm đi dự hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc thì được giải ba; rồi đi đăng ký độc quyền sáng chế, rồi dần dần đến lúc này.
Ông bảo, đã đam mê thì không được nản chí. Tôi hỏi, ông có định hướng cho các con mình theo nghiệp “sáng chế”? Ông bảo, điều này không thể định hướng được. Công việc làm sáng chế là đam mê, yêu thích của từng người, không thể đào tạo hay nói ai đó hãy yêu, hãy thích đi là họ có thể làm được.
Vì thế ông không định hướng các con mình phải theo nghiệp của mình, mà hy vọng hai cậu con trai sẽ lựa chọn được hướng đi đúng đắn cho bản thân mình. Tất nhiên, nếu các con đi theo được con đường của mình thì sẽ là điều ông thấy viên mãn nhất.
Tôi hỏi, giữa làm thầy và làm thợ, ông thích làm gì? Ông cười bảo: “5 người học văn hóa đổi lấy 1 người làm kỹ thuật là tôi cũng không đổi đâu. Đâu phải ai học ra cũng làm được; càng không phải thấy người khác làm, mình bắt chước theo mà được. Với con cái tôi cũng thế. Nếu chúng nó không thích thì khó mà bắt chúng sáng tạo được”. Vậy ông nghĩ thế nào về câu nói hàng nghìn kỹ sư không bằng mấy anh nông dân? Ông lại bảo: “Vì kỹ sư chỉ ngồi trong phòng nghiên cứu. Còn tôi đi làm, thấy khó quá, khổ quá thì phải nghĩ. Cái khó ló sáng chế. Nếu chỉ học lý thuyết thì rất khó để có những sáng chế hữu ích”.