Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã đưa ra ba phương án nhằm bảo tồn cụm di chỉ Vườn Chuối trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn bởi những dự án phát triển đô thị. Nếu không hành động kịp thời, chúng ta sẽ mất đi cụm di chỉ hiếm hoi có các tầng văn hóa nối tiếp từ Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn từ 3500 năm trước ngay giữa lòng Hà Nội.
Còn nguyên vẹn nhất trong số nhiều di chỉ tiền - sơ sử
Sáng 22/10, Viện Khảo cổ học đã công bố báo cáo kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức – một địa điểm được giới khảo cổ học đánh giá có vai trò đặc biệt cần thiết trong việc chứng minh cho quá trình cư trú lâu dài và nguồn gốc bản địa của người Việt cổ ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng.
Cụm di chỉ này có vị trí rất quan trọng trong việc nghiên cứu các giai đoạn văn hóa thời đại Kim khí phát triển liên tục từ Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn ở Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc Việt Nam nói chung, nhưng Vườn Chuối lại nằm trọn vẹn trong vị trí triển khai các dự án xây dựng khu đô thị và đường vành đai 3.5 của Thành phố. Trong khoảng 10 năm qua, các nhà chuyên môn và những người dân sống tại Lai Xá đã nhiều lần đề xuất mong muốn có một phương án bảo tồn Vườn Chuối, đồng thời trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đã tiến hành đào khai quật 8 lần.
Tháng 4/2019, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Nhân học (trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) tiến hành đào khẩn cấp để lên phương án bảo tồn, với 2 hố khai quật, mỗi hố 100m2, một hố mở ở đoạn giữa gò Vườn Chuối và một hố mở ở phía Nam gò. Các hố thăm dò được thiết kế mỗi hố 4m2, gồm 75 hố, mở ở 3 địa điểm: gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng.
Kết quả thu được qua đợt khai quật mới nhất này ghi nhận: Cụm di chỉ Vườn Chuối là một cụm di chỉ cư trú kết hợp mộ táng. Cùng kết quả từ các lần khai quật trước, các hố thăm dò, khai quật ở gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng lần này đã góp thêm nhiều tư liệu góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích Vườn Chuối. Những di tích, di vật thu được trong đợt thăm dò, khai quật vừa qua, cùng tư liệu từ các đợt khai quật trước là minh chứng rõ nét nhất cho sự cư trú, đời sống thường nhật của con người ở cụm di chỉ Vườn Chuối qua các giai đoạn lịch sử từ tiền Đông Sơn tới Đông Sơn. Khai quật phát lộ nhiều vết tích bếp, lò nấu đồng, hố chôn cột, hố đất đen, dải gốm đất nện, cụm gốm, vết tích ao hồ cổ và vết tích động thực vật. Các di vật ở cụm di chỉ Vườn Chuối cho thấy cư dân cổ Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn ở đây đã nắm vững và phát huy đến trình độ rất cao những nghề thủ công chế tác đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải… Nhìn chung hiện nay “ở thủ đô Hà Nội, những di tích Tiền – Sơ sử chỉ còn lại rất ít. Trong khi đó, Vườn Chuối là một cụm di chỉ vẫn còn hiện hữu một cách nguyên vẹn nhất, vẫn còn có thể nghiên cứu lâu dài”, theo đánh giá của PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học.
Mặc dù vậy, cụm di chỉ Vườn Chuối vẫn chưa được xếp hạng di tích, và đang đứng trước nguy cơ bị xâm lấn. Các gò đất của cụm di chỉ đang nằm trong phạm vi dự án Thăng Long 9 (Khu đô thị Kim Chung Di Trạch). Cảnh quan môi trường khu vực đã thay đổi hoàn toàn do quá trình san lấp tạo mặt bằng xây dựng khu đô thị. Riêng gò Vườn Chuối vẫn còn giữ được hình dạng ban đầu nhưng tình trạng san lấp mặt bằng cũng đã tiến sát đến chân gò. Gò Vườn Chuối còn bị con đường vành đai 3.5 của thành phố Hà Nội cắt qua một nửa gò. Quá trình thi công tuyến đường đã tiến sát chân gò và đang tạm thời dừng lại đợi kết luận của UBND thành phố Hà Nội về phương án bảo tồn di tích.
Không để di sản “đội nón ra đi”
Vì vậy, trong phát biểu tại buổi báo cáo khai quật, PGS.TS Bùi Văn Liêm, trưởng nhóm khai quật lần này tại Vườn Chuối đề xuất ba phương án bảo tồn cụm di chỉ Vườn Chuối. Phương án thứ nhất là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối (Vườn Chuối gần 12.000m2, Dền Rắn gần 3.200m2; Mỏ Phượng gần 500m2). Phương án hai là dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện, thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng công trình khác theo Luật Di sản Văn hóa. Và phương án ba, bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000m2 nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối. Ngoài ra, đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng, chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung – Di Trạch cần phải thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng theo Luật Di sản Văn hóa.
PGS.TS Bùi Văn Liêm cũng cho biết, các thành viên trong nhóm nghiên cứu của ông ủng hộ phương án đầu tiên là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ, khoanh vùng khu vực bảo tồn bằng các mốc giới, trong khu vực di tích không xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào mặc dù biết rằng nếu đi theo phương án này sẽ có sự xung đột gay gắt giữa di sản văn hóa với mục tiêu phát triển đô thị và hạ tầng giao thông của thành phố Hà Nội. Thế nhưng, nếu con đường được thi công theo phương án đã được phê duyệt như hiện tại thì một nửa diện tích phân bố, tương đương với 6.000m2 di chỉ Vườn Chuối sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Phần diện tích còn lại của di chỉ Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng là đất dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung – Di Trạch. Theo thiết kế, nửa phía Đông di chỉ Vườn Chuối là khu công viên cây xanh nhưng không có gì đảm bảo rằng khi đất hoàn toàn thuộc sở hữu của doanh nghiệp sẽ không có chuyện chuyển đổi mục đích xây dựng ở khu vực này.
Một khi bảo tồn nguyên trạng di tích, việc nghiên cứu sẽ được tiến hành dần dần khi có đủ các điều kiện nghiên cứu lý tưởng. Bởi vì theo PGS Bùi Văn Liêm, ngay tại thời điểm hiện nay ngành khảo cổ học Việt Nam vẫn còn đang thiếu một số các phương tiện máy móc hỗ trợ nghiên cứu. Bảo tồn để nghiên cứu lâu dài sẽ tránh được việc làm thất thoát thông tin khoa học còn lưu giữ ở trong lòng đất.
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Giám đốc Bảo tàng Nhân học, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) đồng tình với phương án một, nhưng cũng cho rằng cần phải tìm một phương án hài hòa để không ngăn cản quá trình phát triển của thủ đô mà vẫn có thể khai thác và giữ gìn các di sản quý giá, từ đó mới có được sự đồng thuận giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng. Bà cảnh báo về thực trạng xói mòn di sản hiện nay: “Mọi người thường nói rằng, Hà Nội đang có quá nhiều di tích, chỉ cần một nhát cuốc thôi là có thể tìm thấy được rất nhiều di tích khảo cổ học ở các giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay, cả thành phố Hà Nội, ngoài Hoàng Thành Thăng Long ra thì chúng ta gần như không có một địa điểm khảo cổ học Tiền – Sơ sử nào được bảo tồn và được khai thác một cách hữu hiệu. Chúng ta cứ nghĩ rằng mình có rất nhiều di sản, nhưng thật ra di sản nào cũng đang lần lượt ‘đội nón ra đi’.”.
Đề xuất về một phương án nhằm giải quyết cả vấn đề bảo tồn và vấn đề đô thị, TS. Phạm Quốc Quân (thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho biết: “Tôi cho rằng Vườn Chuối nên trở thành một Công viên Khảo cổ học. Một khu đô thị thì cần phải có không gian xanh, và công viên ấy không chỉ để bảo tồn Vườn Chuối, mà còn trồng những thảm cỏ, trồng những cây rễ nông – bởi những cây này sẽ không bám sâu, gây phá hủy tầng văn hóa.”
“Quan điểm của thôn Lai Xá nói riêng và của xã Kim Chung nói chung là bằng mọi giá phải bảo vệ và bảo tồn được khu di chỉ này”, ông Phí Văn Kim – Bí thư Chi bộ thôn Lai Xá, đại diện người dân Lai Xá cho biết. Ông nhấn mạnh: “Nếu giữ lại khu di chỉ, tất cả các ban ngành, đoàn thể phải cùng nhau vào cuộc, đưa ra kiến nghị đối với UBND Thành phố Hà Nội. Cần phải có sự can thiệp của UBND Thành phố, như thế mới có thể thống nhất với chỗ đầu tư để điều chỉnh quy hoạch. Một là điều chỉnh quy hoạch, hai là thay đổi hẳn quy hoạch, nơi đây mới có thể trở thành một công viên cây xanh. Đối với người dân địa phương chúng tôi, nơi đây sẽ là một nơi tưởng nhớ cội nguồn của ông cha ta, bởi đây là những người dân đã sống vào 2000 năm trước ở thôn Lai Xá.”
Với giá trị lịch sử văn hóa to lớn đã được chứng thực qua nhiều lần khai quật nghiên cứu từ trước đến nay, cụm di chỉ Vườn Chuối xứng đáng được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa và xếp hạng là di tích khảo cổ học của thành phố Hà Nội. Nếu không có một phương án bảo tồn kịp thời, hợp lý, một phần lịch sử của ông cha ta từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn sẽ chỉ còn tồn tại trên giấy mà thôi.