Ngày 28/9, Ấn Độ đã trở thành nước đầu tiên trong các nước đang phát triển phóng thành công một đài quan sát thiên văn lên vũ trụ.
Kính viễn vọng Astrosat do Ấn Độ chế tạo, được gọi là "kính viễn vọng Hubble thu nhỏ", cùng 6 vệ tinh của nước ngoài đã được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy PSLV-C30 vào lúc 10 giờ (giờ địa phương) ngày 28/9 từ sân bay vũ trụ Shriharikota, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ.
Gần 25 phút sau khi phóng, Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) công bố kính viễn vọng nặng 1,5 tấn cùng 6 vệ tinh của nước ngoài - gồm 2 vệ tinh của Indonesia và Canada và 4 vệ tinh của Mỹ, đã được tên lửa PSLV-C30 đưa thành công vào quỹ đạo ở độ cao cách Trái Đất 650 km.
Đài thiên văn này dự kiến hoạt động trong 5 năm, nghiên cứu các hố đen, phân tích sự hình thành và lụi tàn của các vì sao, các dải ngân hà.
Với việc phóng thành công đài thiên văn trên, Ấn Độ lần đầu tiên gia nhập nhóm các nước có đài quan sát thiên văn trên vũ trụ là Mỹ, Nga, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Theo Vietnamplus