Nhờ sự chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đến năm 2028, sáu nền kinh tế hàng đầu của ASEAN có thể cắt giảm 28 triệu lao động trong khi vẫn tạo ra sản lượng tương đương hiện nay.
Chuyển đổi số có khả năng làm thay đổi mạnh mẽ kết cấu lực lượng lao động, nhưng những tác động đó chưa bao giờ được định lượng cụ thể. Mới đây, nhà cung cấp thiết bị mạng Cisco đã quyết định khắc phục tình trạng này bằng cách thuê công ty phân tích Oxford Economics làm một nghiên cứu.
Báo cáo “Công nghệ và Tương lai việc làm tại khu vực ASEAN” từ nghiên cứu trên đã dự đoán việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phần mềm, phần cứng cũng như robots sẽ làm thay đổi quan trọng bối cảnh việc làm tại sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN (ASEAN 6) vào năm 2028. Nông nghiệp là khu vực chịu tổn thất nặng nề nhất, dự kiến sẽ có 6,6 triệu nhân lực dư thừa vào năm 2028. Nhu cầu về lao động nghề nông có kỹ năng tốt và lao động cơ bản sẽ giảm mạnh do những công việc trên có thể được thay thế bằng công nghệ.
Việc tăng năng suất từ áp dụng công nghệ cũng sẽ dẫn đến giảm giá thành sản phẩm và thúc đẩy tăng trưởng, từ đó tạo ra nhu cầu lao động mới trong các lĩnh vực thương mại, sản xuất, xây dựng và vận tải. Chi phí tăng kỳ vọng trong ngành bán buôn-bán lẻ sẽ tạo ra một số việc làm mới có định hướng kỹ thuật cao hơn, do những vị trí như nhân viên đứng quầy hay kho bãi không còn cần thiết nữa.
Một khi thị trường lao động phát triển, các nhóm kỹ năng yêu cầu cũng sẽ thay đổi theo. Nghiên cứu trên cho biết 41% trong số 6,6 triệu lao động dư thừa được coi là "thiếu hụt sâu sắc" kỹ năng công nghệ thông tin; gần 30% trong số đó không có đủ "kỹ năng tương tác" cần thiết chẳng hạn như thương lượng, thuyết phục và chăm sóc khách hàng; hơn 25% lao động thiếu các “kỹ năng cơ bản” như khả năng học tập, khả năng đọc-viết chủ động.
Để giảm thiểu hệ quả trên, các nước ASEAN 6 cần thực hiện những thay đổi chính sách lớn trong hệ thống giáo dục của mình. Các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, nhà cung cấp công nghệ và các nhóm lao động cần phối hợp để trang bị cho người lao động những công cụ và kỹ năng cần thiết cho sự chuyển đổi sắp xảy ra.
Ông Kiran Karunakaran, cộng sự tại công ty tư vấn Delta Partners, nhận định việc áp dụng AI hiện đang được dẫn dắt bởi lòng tin tưởng và sự mạo hiểm. Các AI đơn giản được sử dụng một cách nhanh chóng do chúng có khả năng tạo ra doanh thu tăng trưởng và gây dựng lòng trung thành với khách hàng; ngay cả khi ứng dụng đó không hoàn toàn phù hợp thì chúng cũng không gây nên rủi ro thương mại trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, khi AI ngày càng trở nên tinh vi, nhiều khu vực sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo sâu rộng hơn, gây tác động mạnh đến các ngành công nghiệp mà tại đó trình độ kỹ năng cần thiết có thể được máy móc sao chép dễ dàng để tăng năng suất và giảm chi phí. Ở các quốc gia có khả năng chấp nhận công nghệ nhanh chóng, việc làm trong các trung tâm liên lạc khách hàng (Contact Centre) hoặc dịch vụ thuê ngoài (BPO) đang phải chịu nhiều nguy cơ.
"Philippines có lẽ là thị trường cảm nhận được tác động này nhiều nhất, tiếp theo là Thái Lan và, ở một mức độ nào đó, Indonesia," ông Kiran nhận xét.
Tốc độ chấp nhận AI của mỗi quốc gia cần phải được quản lý thông qua sự cân bằng giữa quy định, chính sách và hỗ trợ. Nếu không, toàn bộ nền công nghiệp có nguy cơ gãy đoạn và dẫn đến hậu quả xã hội khốc liệt.
“Công nghệ học máy được trang bị để chuyên giải quyết các vấn đề tối ưu hóa phức tạp. Trong trường hợp đó, lợi ích của chúng vượt xa các nguy cơ về chuyển dịch xã hội ”, ông giải thích, bởi vậy các chính phủ nên định hướng việc áp dụng AI vào một số ngành như phân phối năng lượng, hệ thống chăm sóc sức khỏe và sản xuất lương thực.
Singapore ước tính có 500.000 việc làm bị mất vào năm 2028 do sự chuyển đổi số. Mặc dù con số trên không cao nhưng lại chiếm gần 21% lực lượng lao động của quốc gia này. So với Singapore, sự chuyển dịch việc làm tại các quốc gia khác trong ASEAN 6 chủ yếu tạo ra bởi việc bắt kịp và áp dụng các công nghệ hiện có.
Tính đến năm 2028, Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ có lần lượt 7,5 triệu và 4,9 triệu việc làm bị thay thế, tương ứng với 13,8% và 11,9% lực lượng lao động của mỗi nước; phần lớn là việc làm cơ bản có năng suất thấp trong ngành nông nghiệp.
Ở Indonesia và Philippines, tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động bị thay đổi thấp hơn do hai quốc gia trên vẫn đang sử dụng lượng lớn lao động với giá rẻ mạt khiến cho việc áp dụng công nghệ chưa đen lại nhiều lợi ích tiết kiệm chi phí.
Campuchia, nơi ngành dệt may, quần áo và giày dép chiếm khoảng 90% giá trị sản xuất xuất khẩu, tự động hóa đe dọa hơn 600.000 việc làm.
Mức lương thấp và tính phi cấu trúc của các công việc hiện tại đang hạn chế mức độ tự động hóa và các bước nhảy công nghệ. “Nhưng dần dần, quá trình từ cơ bản đến AI tiên tiến chắc chắn sẽ tới, các nền kinh tế đang phát triển có rất ít thời gian để thích ứng” - ông Foo Suan Yong, chuyên gia cấp cao tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO), cho biết.
Tại các nước trên, thông thường lực lượng lao động chuyển dịch ngang từ công việc nông nghiệp giá trị thấp sang công việc sản xuất cũng có giá trị thấp. AI sẽ tạo nên bước đệm để một bộ phận lao động tiến lên công việc có giá trị cao hơn trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Tuy nhiên, kịch bản dự báo đưa ra chỉ có 40% công việc được tạo ra trong thập kỷ tới là ở lĩnh vực sản xuất, còn lại sẽ là ngành dịch vụ. Các nền kinh tế đang phát triển của khu vực ASEAN sẽ cần nhảy qua giai đoạn sản xuất và chuyển thẳng đến giai đoạn dịch vụ để có thể theo kịp những thay đổi nhanh chóng trong nhu cầu việc làm.