Theo tạp chí Energy & Environmental Science, các nhà hóa học Anh đã có thể biến đổi nhựa phế thải thành hydro và các chất hữu ích khác. Phản ứng được các nhà khoa học phát triển được tiến hành dưới tác động của ánh sáng Mặt trời và kết quả là hydro có thể được sử dụng làm nhiên liệu.
Nhà nghiên cứu Moritz Künel ở Đại học Swansea (Anh) giải thích rằng các nhà khoa học muốn tận dụng cả loại phế liệu từ trước đến nay không thể tái chế, đồng thời không gây thất thoát năng lượng.
Các nhà hóa học đã phát triển một quá trình gọi là photoreforming cần thiết để đưa một chất xúc tác đặc biệt lên trên một vật thể nhựa và nhúng nó vào một dung dịch kiềm. Dưới tác động của ánh sáng, hydro được giải phóng khỏi dung dịch và nhựa bị oxy hóa thành các phân tử hữu cơ nhỏ.
Các tác giả của phương pháp mới đã thử nghiệm quy trình này trên 3 loại nhựa phổ biến: polylactide, polyethylene terephthalate và polyurethane. Lượng hydro thu được tương đương với các hệ thống xúc tác quang học hiện đại phải sử dụng nguyên liệu đắt tiền.
Một trong những ưu điểm chính của phương pháp mới là xử lý được cả nhựa dính bụi bẩn, trong khi các phương pháp tái chế nhựa hiện tại đòi hỏi độ tinh khiết cao của vật liệu khi nhựa chứa dư lượng thực phẩm hoặc dầu thì không thể hoạt động hiệu quả.
Các tác giả đã chứng minh lợi thế này bằng ví dụ một chai nhựa bẩn. Hiệu quả có thể so sánh với kết quả tái chế như đối với polymer tinh khiết. Hiện tại, các nhà hóa học đang làm việc để áp dụng phương pháp trên quy mô lớn và điều chỉnh để ứng dụng cho các loại chất thải khác.
Theo Motthegioi