Nhiệt độ của hành tinh TOI-1431b mới phát hiện cao hơn điểm nóng chảy của phần lớn kim loại.
TOI-1431b là hành tinh mới được phát hiện nằm cách Trái đất khoảng 490 năm ánh sáng. Nó có khối lượng gấp 3 lần sao Mộc - hành tinh lớn nhất hệ Mặt trời. Nhóm các nhà thiên văn học quốc tế, dẫn đầu là nhà vật lý thiên văn Brett Addison từ Trung tâm Vật lý Thiên văn của Đại học Nam Queensland (Australia) đã phát hiện ra hành tinh này.
TOI-1431b được các nhà nghiên cứu gọi là MASCARA-5b, nằm rất gần sao chủ nên thời gian hoàn thành một vòng quỹ đạo chỉ là 2,5 ngày. Điều này cũng khiến nó trở thành một trong số những hành tinh nóng nhất từng được phát hiện.
“Những loại hành tinh đặc biệt nóng, được gọi là sao Mộc cực nóng. Chúng khá hiếm. Đây là một thế giới cực kỳ khắc nghiệt, nhiệt độ ban ngày khoảng 2.700 độ C và nhiệt độ ban đêm khoảng 2.300 độ C, không sinh vật sống nào có thể tồn tại trong khí quyển. Trên thực tế, nhiệt độ ban đêm của hành tinh này là mức nhiệt cao thứ hai từng được ghi nhận”, nhà khoa học Addison cho biết.
Hành tinh TOI-1431b được vệ tinh khảo sát các hành tinh ngoài hệ mặt trời (TESS) của NASA phát hiện đầu tiên. Sau đó, nhà vật lý thiên văn Addison thu thập dữ liệu bằng cách sử dụng kính thiên văn đặt tại quần đảo Canary để giúp xác nhận sự tồn tại của hành tinh này.
“Ví dụ thực tế về độ nóng của TOI-1431b là nó nóng hơn điểm tan chảy của đa số kim loại và hơn cả dung nham nóng chảy. Thực tế, nhiệt độ ban ngày của hành tinh này cao hơn 40% ngôi sao trong dải Ngân Hà. Nhiệt độ hành tinh này tiệm cận với mức nhiệt của khí xả ra từ động cơ tên lửa”, Addison nói.
Ngoài kích thước lớn và nhiệt độ nóng áp đảo, hành tinh TOI-1431b còn có quỹ đạo ngược dòng, tức là hành tinh này xoay ngược hướng với chiều xoay của ngôi sao trung tâm.
“Phát hiện mang đến một cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu bầu khí quyển của những hành tinh này để hiểu cách chúng hình thành và di cư”, nhà vật lý thiên văn Addison cho hay.
Theo 1thegioi