Một nghiên cứu ở Đài Loan đã cho thấy mối liên hệ giữa mức độ ô nhiễm không khí cao và ung thư miệng

Nghiên cứu mới cho thấy mức độ ô nhiễm không khí cao làm tăng nguy cơ ung thư miệng. Trước đây, các nhà khoa học đã chứng minh ô nhiễm không khí liên quan đến một loạt các vấn đề về sức khỏe như làm tăng nguy cơ mất trí nhớ, bệnh hen suyễn và thậm chí thay đổi cấu trúc của tim. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy không có mức độ ô nhiễm không khí nào là an toàn.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu Đài Loan nói rằng ở mức độ ô nhiễm không khí rất cao, nguy cơ phát triển ung thư miệng có vẻ như tăng lên.

Viết trrên Journal of Investigative Medicine, các nhà nghiên cứu Đài Loan mô tả cách họ phát hiện ra mối liên hệ này bằng cách xem xét dữ liệu ô nhiễm không khí thu thập được từ 66 trạm quan trắc chất lượng không khí trên khắp lãnh thổ. Họ kết hợp dữ liệu này với dữ liệu từ hồ sơ sức khỏe của hơn 480.000 người từ 40 tuổi trở lên. Tổng cộng có 1.617 trường hợp ung thư miệng ở những người tham gia.

Nhóm nghiên cứu tập trung vào các hạt trôi nổi trong không khí PM2.5, tức những hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 microgam (µm), và xác định mức độ tiếp xúc với loại ô nhiễm không khí này của người tham gia ở nơi họ sống. Sau đó, họ phân loại những người tham gia thành bốn nhóm, từ mức độ phơi nhiễm thấp nhất đến cao nhất.

Sau khi xem xét các yếu tố bao gồm tuổi tác, tiếp xúc với ozone, mức độ của các loại hạt khác, tình trạng hút thuốc và có nhai trầu hay không, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có mức độ tiếp xúc bụi PM2.5 cao nhất có nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng cao hơn.

So với nam giới tiếp xúc với mật độ PM2.5 trung bình hàng năm là 26,74 μg/m3 không khí, những người tiếp xúc với mật độ 40,37 μg / m3 hoặc cao hơn có tỷ lệ phát triển bệnh cao hơn 43%.

"Chúng ta không hiểu rõ các cơ chế gây ra điều này, do đó cần thêm các điều tra nghiên cứu khác", các nhà nghiên cứu viết.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó đã nói mật độ trung bình hàng năm của PM2.5 không nên quá 10 μg / m3.

Ô nhiễm ở trung tâm London gấp đôi mức độ khuyến cáo tối đa của Tổ chức Y tế Thế giới, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức ô nhiễm trong nghiên cứu của Đài Loan. Nguồn ảnh: The Guardian

Nhiều thành phố trên thế giới có mức độ ô nhiễm không khí rất cao. Theo số liệu từ WHO, mật độ trung bình hàng năm của PM2.5 ở Kabul là 86 μg / m3, trong khi ở Bắc Kinh là 85 μg / m3 và ở Delhi được ghi nhận là 122 μg / m3.

Tuy nhiên nghiên cứu này có những hạn chế, bao gồm việc nó không xem xét sự tiếp xúc trước đây của người tham gia đối với ô nhiễm không khí trong suốt cuộc đời của họ - có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức phơi nhiễm trong thời gian được tính vào trong nghiên cứu.

Giáo sư Frank Kelly, chủ tịch về khoa học sức khỏe môi trường tại King’s College London, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết sẽ rất có ích nếu khám phá được mối liên hệ giữa ung thư miệng và ô nhiễm không khí ở các nước khác.

“Ô nhiễm không khí trước đó đã được liên hệ với một số loại ung thư, bao gồm ung thư vú, gan, phổi và tuyến tụy. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nghiên cứu mới này ở Đài Loan đã chỉ ra mối liên hệ có thể có với ung thư miệng”, ông nói. "Tuy nhiên, do ở Anh mức độ ô nhiễm không khí và tỷ lệ hút thuốc thấp hơn nhiều và chúng tôi cũng không nhai trầu, nên nguy cơ phát triển ung thư miệng gia tăng có thể chỉ có ở Đài Loan".