Hôm 30/04, nhân dịp sinh nhật lần thứ 241 của Johann Carl Friedrich Gauss, ứng dụng Google Doodle đã đăng tải những hình ảnh để tưởng niệm thành tựu toán và khoa học của ông.

Google Doodle vinh danh Gauss nhân ngày sinh nhật lần thứ 241 của ông. Ảnh: Live Science

Google Doodle vinh danh Gauss nhân ngày sinh nhật lần thứ 241 của ông. Ảnh: Live Science

Sinh năm 1777 tại Đức, Gauss đã nổi tiếng là một thần đồng toán học khi còn bé, nhờ khả năng tính nhẩm cực nhanh, và sau này là một số đóng góp nền tảng cho lĩnh vực số học lẫn đại số. Chưa hết, ông còn sử dụng toán học để dự đoán sự xuất hiện trở lại của tiểu hành tinh Ceres trong hệ Mặt trời – đã biến mất ngay sau khi được phát hiện vào năm 1801, trước khi người ta vẽ lại quỹ đạo của nó.

Gauss đã đưa ra những tính toán kinh ngạc về quỹ đạo khả thi của Ceres khi mới 24 tuổi, chính thức gia nhập lĩnh vực thiên văn học mà sau này đã trở thành trọng tâm trong sự nghiệp của ông suốt 50 năm tiếp theo – công bố của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia Canada, được trình bày năm 1977 tại Hội nghị chuyên đề (tổ chức 2 năm một lần) nhân dịp sinh nhật của Gauss.

Năm 30 tuổi, Gauss được bổ nhiệm làm giáo sư thiên văn tại Đại học Göttingen (Đức). Và từ năm 1816, ông sống và làm việc tại đài quan sát thiên văn ở đây – theo thông tin trên website của nhà trường.

Những năm cuối đời, Gauss hứng thú với việc nghiên cứu điện từ trường của Trái Đất, và phát minh ra từ kế vào năm 1833. Cũng trong năm đó, ông đã phát minh ra máy điện báo đầu tiên, vài năm trước khi Samuel Morse đưa nó vào ứng dụng rộng rãi ở Mỹ – đại diện của Đại học Göttingen đã viết như vậy trong tiểu sử của Gauss.

Được biết, Gauss đã nghiên cứu và phát triển máy điện báo điện từ cùng một đồng nghiệp tại Đại học Göttingen – nhà vật lý Wilhelm Weber, và họ đã sử dụng nó để truyền tin giữa hai căn phòng. Một trong những thông điệp đầu tiên mà họ đã thử gửi đi là câu nói: “Hiểu biết quan trọng hơn đức tin, thực tế quan trọng hơn diện mạo”, và mất khoảng 4 phút 30 giây.

Khi Gauss qua đời năm 1855 vì đau tim, ông được người đương thời vô cùng thương tiếc và xưng tụng là “hoàng tử khoa học”. Năm 1856, ông được Vua George Đệ Ngũ xứ Hanover vinh danh bằng một mề đay có khắc chữ “Hoàng tử Toán học” bằng tiếng Latin (Mathematicorum Principi) – theo Đại học Göttingen.