Nhiều người ăn chay trường hoặc thích đồ chay thường tín nhiệm đậu nành như một nguồn cung cấp protein không thịt chủ yếu. Tuy nhiên, hoạt động canh tác đậu nành lại đặt ra nhiều câu hỏi về ảnh hưởng đối với môi trường.
Trước tình hình đó, đậu tằm (fava bean) có thể sẽ trở thành lựa chọn thay thế tốt hơn. Đó là kết quả của một nghiên cứu mới tại Đan Mạch được công bố trên tạp chí Foods.
Đậu nành thường chỉ sinh trưởng tốt ở những nơi có khí hậu ấm áp, mặc dù một vài giống cũng khả năng chịu lạnh. Điều này đồng nghĩa với việc: để tới tay người tiêu dùng xứ lạnh, các sản phẩm từ đậu nành sẽ phải được vận chuyển bằng tàu, xe lửa, xe tải, ... quá trình chắc chắn sẽ gây phát thải nhà kính và nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Thứ nữa, nhiều cánh rừng rộng lớn ở Nam Mỹ (Paraguay, Brazil, ...) đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho đậu nành, làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ tàn phá hệ sinh thái.
Vì lý do đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã tìm đến những loại cây trồng khác cũng chứa nhiều protein như đậu lăng, rau dền, kiều mạch, quinoa và đậu tằm, ... và sinh trưởng tốt ở nơi có khí hậu mát mẻ hoặc lạnh như Đan Mạch. Trong đó, đậu tằm tỏ ra là thích hợp hơn cả để sản xuất loại bột protein cô đặc.
Các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật “cất phân đoạn ướt” (wet fractionaton). Đầu tiên, đậu tằm được xay mịn, cho thêm nước để tạo thành hỗn hợp dạng lỏng, tiếp đó loại bỏ những thành phần không có lợi hoặc khó tiêu hóa như sợi, tinh bột, ... rồi sấy khô thành bột. Loại bột thành phẩm này hầu như không mùi, không vị và chứa hàm lượng protein rất cao, sẵn sàng được cơ thể hấp thụ để thay thế cho nguồn protein từ động vật.
Nguồn:
Phương Hiền (theo Đại học Copenhagen)