Trong cuộc chiến chống virus lây lan, đặc biệt là coronavirus, các hoạt chất khử trùng bề mặt có thể tạo một hàng rào phòng vệ mới - nghiên cứu bởi Đại học Arizona tiết lộ.

Kỹ thuật viên đang xịt lớp phủ kháng khuẩn thế hệ đầu tiên của Allied BioScience lên các thiết bị y tế.

Khử trùng các bề mặt có mật độ tiếp xúc cao là việc làm hết sức quan trọng để ngăn ngừa lây lan các mầm bệnh. Tuy nhiên, sau mỗi lần khử trùng, các bề mặt này vẫn có nguy cơ tái nhiễm trùng cao nếu chỉ sử dụng các chất tẩy rửa bề mặt thông thường. Vì vậy, các hoạt chất khử trùng vĩnh viễn (continously active disinfectant) đã được đưa vào sử dụng liên tục để chủ động tiêu diệt các vi sinh vật có hại và tạo cơ chế bảo vệ kéo dài.

Nhà nghiên cứu Luisa Ikner (Viện Khoa học Môi trường, ĐH Arizona) cho biết, trong thời điểm các loại bệnh về đường hô hấp như COVID-19 hoành hành, dịch phát ra từ cơ thể khi ho, hắt hơi có thể chứa các virus truyền nhiễm và bám vào nhiều bề mặt khác nhau. Tùy vào các yếu tố khác như nhiệt độ, độ ẩm và đặc tính bề mặt, khả năng truyền bệnh sau khi tiếp xúc bề mặt của các loại virus, chẳng hạn như SARS-CoV-2, sẽ kéo dài trong các khoảng thời gian khác nhau. Lúc này, việc duy nhất chúng ta có thể làm để ngăn chặn virus ngoài rửa và sát khuẩn tay chính là khử trùng các bề mặt có thể chứa virus. Bên cạnh đó, công nghệ vi sinh cũng sẽ đóng vai trò thiết lập hàng rào kiểm soát virus mới ở môi trường trong nhà.

Dưới sự tài trợ của Allied BioScience - công ty chuyên sản xuất các lớp phủ diệt khuẩn bề mặt, Giáo sư Charles Gerba và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả và tiềm năng của công nghệ khử trùng dài hạn. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm hiệu quả chống virus gây cảm cúm corona-229E ở người của một loại chất phủ bề mặt kháng khuẩn. Hai tuần sau khi sử dụng lớp phủ, hiệu quả diệt khuẩn vẫn được duy trì ở mức diệt 99,9% virut trong vòng 2 giờ đồng hồ.

Thông thường, quy trình khử trùng bề mặt tiêu chuẩn sẽ sử dụng các hóa chất dạng lỏng để làm mất khả năng lây truyền của nhiều loại virus. Ngược lại, các hoạt chất khử trùng bề mặt vĩnh viễn sẽ biến các bề mặt có mật độ tiếp xúc cao trở thành môi trường tiêu diệt virus ngay khi tiếp xúc với hiệu quả diệt khuẩn tăng dần qua thời gian. Công nghệ diệt khuẩn vĩnh viễn vốn đã có mặt hơn một thập kỉ qua, song chỉ được tập trung sử dụng để tiêu diệt các vi khuẩn trong môi trường bệnh viện, chẳng hạn như tụ cầu vàng kháng methicillin (Staphylococcus aureus hay MRSA).

Trong nghiên cứu lần này, nhóm nghiên cứu đã khảo sát hiệu quả của chất phủ bề mặt kháng khuẩn tại hai bệnh viện trong thành phố với kết quả cho thấy tỉ lệ lây nhiễm trùng tại bệnh viện đã giảm 36%. Theo một nghiên cứu khác về khả năng lây lan của virus qua bề mặt tại các văn phòng và công sở, chỉ riêng việc mở cánh cửa ra vào văn phòng đã làm vi khuẩn lây gián tiếp sang 51% bề mặt được tiếp xúc và 38% bàn tay của nhân viên làm việc trong văn phòng trong 4 giờ đồng hồ. Sau khi sử dụng khăn ướt khử trùng, tỉ lệ vi khuẩn giảm còn 5% trên các bề mặt và 11% trên bàn tay người. Sử dụng lớp phủ bề mặt chứa hoạt chất kháng khuẩn vĩnh viễn là phát hiện đáng chú ý giúp hạn chế nhiễm trùng bề mặt và lây nhiễm virus gián tiếp cũng như tăng hiệu quả bảo vệ khỏi vi khuẩn ở môi trường trong nhà và môi trường công cộng trong thời điểm người dân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2020-05-surface-disinfectants-additional-barrier-viruses.html