Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra cách để polymer hấp thụ nước nhả nước ở nhiệt độ thấp, giúp ta dễ dàng thu được nước và tái sử dụng vật liệu.
Lâu nay, các polymer hấp thụ nước đóng vai trò quan trọng trong việc thu nước từ không khí và làm giảm độ ẩm của nó. Tuy nhiên, làm sao để các polymer này nhả nước và có thể được tái sử dụng là vấn đề khiến các nhà khoa học trăn trở.
Theo cách thông thường, sẽ cần nhiệt độ khoảng 100°C để polymer nhả nước. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Thành phố Osaka tìm ra cách hiệu quả hơn. Họ đã phát triển một chất hút ẩm dạng lỏng chỉ cần nhiệt độ khoảng 35°C để nhả nước.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu sử dụng chất đồng trùng hợp ngẫu nhiên (copolymer, một đại phân tử chuỗi đơn được tạo ra khi nhiều đơn vị đồng nhất được nối với nhau bằng liên kết cộng hóa trị một cách ngẫu nhiên) hình thành từ polyethylene glycol (hấp thụ nước tốt) và polypropylene glycol (hấp thụ nước kém hơn một chút). Sự khác biệt về đặc tính ưa nước của hai chất này tạo ra một cơ chế truyền dẫn phá vỡ các cụm nước, giải phóng nước dễ dàng hơn.
Các phân tử nước trong hơi nước bị hút vào polymer ưa nước trong dung dịch đồng trùng hợp. Nguồn: Đại học Thành phố Osaka
Tiềm năng ứng dụng của công nghệ này không chỉ nằm ở việc cung cấp nước tại các vùng khô hạn và có nguồn năng lượng hạn chế, mà còn đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn nước trong thời điểm xảy ra thiên tai và tình trạng khẩn cấp.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí ACS ES&T Water.
Nguồn:
Anh Thơ