Cuộc chiến giải cứu thành Vienna vào năm 1683 đã ngăn kế hoạch chiếm trọn châu Âu của Đế quốc Ottoman, giúp nền văn minh châu Âu phát triển rực rỡ chỉ hơn 1 thế kỷ sau đó.
Vào thế kỷ 15, Đế quốc Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên hùng mạnh với những cuộc chinh phục khắp châu Âu. Đến năm 1683, lãnh thổ của đế quốc này đã trải dài toàn bộ đông-nam châu Âu bờ bắc Địa Trung Hải, cả bờ biển bắc châu Phi cho đến Maroc phía nam Địa Trung Hải, lãnh thổ rộng đến 11,5 triệu km2.
Với tham vọng mở rộng lãnh thổ sang tận Trung Âu, buộc người Cơ Đốc giáo phải phục tùng, năm 1683, vua Ottoman là Sultan sai Tể tướng Mustafa đem 20 vạn quân đánh chiếm thành Vienna. Tể tướng Mustafa dự tính sau khi chiếm được Vienna sẽ hoàn tất cuộc chinh phạt Hungary và làm bàn đạp để de dọa Đức và Rome. Châu Âu đứng trước nguy cơ bị thâu tóm toàn bộ vào Đế quốc Ottoman.
Chiếm được Vienna còn giúp Đế quốc Ottoman kiểm soát được tuyến thương mại Danubian (Biển Đen đến Tây Âu) phía nam châu Âu và các tuyến đường thương mại (Địa Trung Hải đến Đức).
Về phía Vienna, bá tước Starhemberg chỉ huy người Áo phòng thủ chặt. Tướng George Rimple đã thiết kế một mạng lưới phòng thủ khéo léo quanh thành phố. Ở tuyến phòng thủ đầu tiên là các con hào. Các tuyến đường chính đều có cọc nhọn. Phía sau là một loạt chiến lũy hình tam giác yểm trợ cho các cánh quân phía trước có thể phòng thủ hoặc rút lui. Các đồn lũy này được yểm trợ từ các cỗ pháo bắn rất chính xác từ tường thành phía sau. Các tháp canh được bố trí quanh ngoài tường thành thay thế các chòi canh kiểu Trung cổ, binh linh trong tháp canh có thể quan sát quân địch tấn công theo ba hướng: cả trước mặt, bên trái lẫn bên phải. Các tháp canh này có sức mạnh như những pháo đài ngăn quân Ottoman tấn công.
Ngày 31/3/1683, Tể tướng Mustafa gửi thư yêu cầu thành Vienna đầu hàng. Không nhận được trả lời, Mustafa đưa 17 vạn quân cùng 4 vạn quân Crimean Tatar cùng tiến đánh. Quân Ottoman để lại một phần vây hãm Győr, sau đó 15 vạn quân còn lại tiến đến thành Vienna.
Tại thành Vienna, 8 vạn quân Áo rút về phía Linz, chỉ còn lại 15.000 người, bao gồm 8.700 tình nguyện viên với 370 khẩu pháo, do Bá tước Starhemberg giữ thành. Đồng thời người Áo cũng gửi người tìm viện binh từ liên minh.
Ngày 14/7/1683, quân Ottoman tấn công, quân Áo dù lực lượng ít hơn nhiều nhưng dựa vào các công trình vững chắc cùng đạn pháo để chặn quân Thổ. Quân Ottoman dù đông hơn nhưng chỉ có 19 khẩu pháo so với 370 khẩu pháo của đối phương. Để tránh làn đạn pháo, quân Ottonam đã bao vây toàn bộ thành Vienna rồi đào các đường hầm tiến vào trong.
Quân Áo ra sức cố thủ và đào các đường hầm để ngăn chặn quân Ottoman theo đường hầm tiến vào. Cuộc chiến ác liệt diễn ra suốt từ tháng 7 đến tháng 8, quân Ottoman đã đào các đường hầm tiến từng chút từng chút một dưới sự cầm cự kiên cường của quân Áo.
Đến ngày tháng 8/1683, quân Ottoman đã đào được những đường hầm tiến sát các chiến lũy hình tam giác ở bên ngoài và đặt mìn sát các bức tường chiến lũy này. May mắn cho người Áo là họ đã kịp phát hiện ngay trước khi mìn nổ. Tuy vậy, sau một tháng chống cự với lực lượng mỏng hơn nhiều, quân Áo hao hụt dần và không còn đủ sức cầm cự nữa.
Đúng lúc này, 8 vạn liên quân Ba Lan, Áo, Đức do vua Ba Lan là Jan III Sobieski chỉ huy đã đến kịp lúc. Liên quân đánh vào cánh trái của quân Ottoman và giành thắng lợi. Nhưng quân Ottoman còn rất đông, vẫn cố vây chặt thành, đặt mìn để phá các tường thành. Một số bức tường bị phá nhưng quân Áo trong thành vẫn dốc toàn lực chống cự.
Vua Jan III Sobieski chỉ huy liên quân đánh tiếp vào cánh phải quân Ottoman và chiếm được ngôi làng Gersthof. Ngôi làng này trở thành căn cứ quan trọng để kỵ binh thiện chiến của Ba Lan đóng quân.
Ngày 12/9/1683, vua Jan III Sobieki lại cho quân tiến sang cánh trái. Quân Ottoman kiên cường chống trả nhưng kỵ binh bay thiện chiến nổi tiếng bất khả chiến bại của Ba Lan đã đánh bại quân Ottoman.
Sau những thắng lợi liên tiếp, vua Jan III Sobieki chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng đánh đuổi quân Ottoman khỏi thành Vienna. Nhà vua cho 18.000 quân chia làm 4 cánh tấn công. Vua Sobieki trực tiếp chỉ huy đội kỵ binh bay của Ba Lan, gây kinh hoàng cho quân Ottoman, khiến đội quân này phải chấp nhận thua trận.
Chiến thắng trong trận đánh giải cứu thành Vienna khiến người tây Âu vui mừng. Còn về phía Ottoman, vua Sultan đổ tội cho Mustafa và buộc ông ta phải siết cổ bằng dây lụa. Chiến thắng này tạo tiền đề cho chiến thắng trong trận Lepanto ngay sau đó, chấm dứt hoàn toàn ý chí xâm lược Địa Trung Hải chiếm trọn châu Âu của Đế quốc Ottoman.
Sau chiến thắng này, thành phố Vienna tiếp tục phát triển và trở thành trung tâm văn hóa của châu Âu. Chỉ 150 năm sau, các nhà hát Opera của thành phố này vang lên các bản giao hưởng bất hủ của các thiên tài như Mozart, Beethoven, Schubert, Strauss…
Trần Hưng