Óc tò mò ham hiểu biết mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển trí tuệ của trẻ cả trong giai đoạn đi học và cuộc sống trưởng thành về sau. Tuy nhiên, óc tò mò không phải là tố chất cố định như nhiều người vẫn tưởng mà có thể được hướng dẫn, bồi dưỡng và phát triển.

Giai đoạn trước khi đi học (từ 4-5 tuổi), trẻ đặt nhiều câu hỏi về thế giới xung quanh nhất.
Giai đoạn trước khi đi học (từ 4-5 tuổi), trẻ đặt nhiều câu hỏi về thế giới xung quanh nhất.

Lợi ích của óc tò mò

Óc tò mò được xem là một đặc điểm rất tự nhiên của con người. Đối với trẻ nhỏ, óc tò mò càng được thể hiện rõ với mong muốn được tìm hiểu “ngọn ngành” của mọi thứ xảy ra xung quanh. Nhất là trẻ ở giai đoạn từ 3 đến 8 tuổi, các bé có thể đặt ra hàng trăm câu hỏi mỗi ngày. Tuy vậy, theo các nghiên cứu tâm lý học, trong các giai đoạn phát triển nhận thức của con người, giai đoạn trước khi đi học (từ 4-5 tuổi), trẻ đặt nhiều câu hỏi về thế giới xung quanh nhất. Có nghiên cứu ở Anh nói trung bình trẻ trước khi đi học đặt 73 câu hỏi mỗi ngày, thể hiện sự tò mò, háo hức muốn tìm hiểu thế giới xung quanh. Theo thời gian, số câu hỏi cũng giảm đi. Nếu không được tiếp tục nuôi dưỡng, giáo dục đúng cách, trẻ sẽ dần ít quan tâm về thế giới xung quanh và giảm sự tò mò cùng mong muốn tìm hiểu, khám phá.

Trong khi đó, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy óc tò mò ham hiểu biết mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống và sự phát triển trí tuệ của trẻ cả trong giai đoạn đi học và cho cuộc sống trưởng thành về sau.

Theo các thống kê, những trẻ em có trí tò mò thường được đánh giá là biết lắng nghe và đối thoại tốt. Trong các cuộc gặp gỡ giao tiếp, trẻ có óc tò mò thường có xu hướng mong muốn chia sẻ các sở thích đa dạng. Chính vì vậy, trẻ thường dễ mang niềm vui và sự mới lạ vào mối quan hệ giao tiếp trong bạn bè.

Từ óc tò mò về thế giới tự nhiên, trẻ dễ dàng phát triển sang thế giới xã hội. Sự tò mò của trẻ về con người và thế giới xung quanh có thể làm cho cuộc sống xã hội của trẻ trở nên phong phú hơn. Nếu thể hiện sự quan tâm đến những gì ai đó nói và duy trì được nhiều sở thích, trẻ sẽ tự xây dựng cho mình các mối quan hệ tình bạn phong phú sau này.

Óc tò mò còn có thể giúp trẻ vượt qua sự lo lắng. Theo nhà nghiên cứu tâm lý học Todd Kashdan (Đại học George Mason), những người có mức độ tò mò cao, thích quan tâm đến thế giới xung quanh có xu hướng thích nghi với nhiều cách tiếp cận khác nhau, tránh nguy cơ xung đột trong các mối quan hệ. Cũng giống như các nhà thám hiểm tuy luôn phải đối mặt với những thách thức mới nhưng họ rất ít khi lo lắng. Thay vì cố gắng hết sức để giải thích và kiểm soát thế giới, các nhà thám hiểm có thể chấp nhận sự không chắc chắn, và coi cuộc sống của họ là một nhiệm vụ thú vị để khám phá, học hỏi và phát triển.

Ngoài ra, óc tò mò có thể giúp trẻ học hỏi được nhiều thứ mới xung quanh rất nhanh. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Neuron cho thấy trẻ dễ dàng học được nhiều chủ đề hơn khi trên não của trẻ xuất hiện sự hưng phấn từ sự tò mò mong muốn hiểu biết.

Nuôi dưỡng và phát triển óc tò mò thông qua giáo dục

Một điều thú vị là các nghiên cứu cho thấy óc tò mò ham hiểu biết là một phẩm chất có thể nuôi dưỡng và phát triển được thông qua giáo dục. Đó không phải là những tố chất cố định như nhiều người vẫn tưởng. Óc tò mò cũng giống như những năng lực nhận thức của con người có thể được hướng dẫn, bồi dưỡng và phát triển.

Vậy nên bắt đầu từ đâu? Các nhà giáo dục và tâm lý học khuyên là nên bắt đầu từ giáo dục gia đình, ngay từ khi trẻ đang ở giai đoạn phát triển ngôn ngữ và phát triển tư duy cụ thể (concrete thinking: nhận thức thế giới từ những điều mắt thấy, tai nghe, tay sờ…). Khi trẻ lớn lên trong gia đình được khuyến khích tìm hiểu về khoa học, về thế giới tự nhiên, đặc biệt khi các em được khuyến khích đặt câu hỏi, tư duy logic, được thử nghiệm, được hướng dẫn cụ thể, trẻ sẽ có được sự phát triển vượt trội về các năng lực tư duy bậc cao(high-order thinking: phân tích, tổng hợp, đánh giá) và tư duy phản biện (critical thinking) sâu sắc dựa vào các quan sát và đưa ra chứng cứ cụ thể. Các nghiên cứu cũng gợi ý rằng trẻ em học hỏi nhiều hơn khi được yêu cầu giải thích theo cách lý luận riêng tự trả lời các câu hỏi đặt ra theo suy nghĩ của bản thân trẻ.

Ngoài ra, học chương trình giáo dục tích hợp STEM thông qua các trải nghiệm khám phá cũng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ không chỉ là kiến thức khoa học mà còn kích thích phát triển tư duy logic, óc tò mò, sáng tạo và tư duy phản biện.

Các nghiên cứu cho thấy học sinh có thể giải quyết vấn đề tốt hơn khi chúng được dạy các nguyên tắc logic từ sớm, đi từ giả thuyết đến đề xuất giải pháp. Học khám phá khoa học thông qua các chương trình tích hợp STEM tạo ra các cơ hội cho trẻ được trải nghiệm và rèn luyện thường xuyên óc tò mò, tinh thần ham hiểu biết về thế giới tự nhiên và ứng dụng của công nghệ, kỹ thuật. Chính các khao khát mong muốn được trả lời các câu hỏi của bản thân sẽ là động lực giúp trẻ có được những bước tiến xa trong học tập và cả thành công trong các công việc sau này.

Nói tóm lại, óc tò mò ham hiểu biết có nhiều lợi ích cho trẻ nhưng cần được đặt trong một môi trường có tính giáo dục và được hướng dẫn cặn kẽ từ gia đình đến nhà trường.

Các chương trình giáo dục tích hợp, liên môn STEM là một trong những chất xúc tác cần thiết và quan trọng đối với trẻ, giúp nuôi dưỡng óc tò mò về thế giới tự nhiên và phát triển tư duy bậc cao.

Bài viết dựa trên một chương sách trong cuốn “Giáo dục STEM/STEAM: Từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo”, NXB Trẻ, 2019