IBM, General Electric, Ford … các tập đoàn hơn 100 tuổi của Mỹ có thể được xem là cổ kính bên cạnh những cái tên mới nổi như Google hay Facebook. Nhưng Nhật Bản thậm chí còn có một số công ty tồn tại cả thiên niên kỷ.
Đất nước Mặt trời mọc chính là quê hương của nhiều doanh nghiệp hoạt động liên tục lâu đời nhất thế giới, trong đó phải kể tới khách sạn suối nước nóng Nisiyama Onsen Keiunkan 1300 tuổi và Sudo Honke – nhà sản xuất rượu sake gia truyền đã tồn tại hơn 900 năm. Mặc dù không phải chỉ Đông Á mới có những công ty lâu năm, khi nhà sản xuất súng Beretta của Ý đã hoạt động từ năm 1526, hay Zildjian – chuyên làm chũm chọe (cymbal), một loại nhạc cụ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được thành lập vào năm 1623, nhưng các công ty cổ tùng như vậy thực sự là một đặc sản của nước Nhật. Theo thống kê, xứ sở này hiện đang có khoảng 50.000 doanh nghiệp trăm tuổi, trong đó ít nhất 3.886 đã tồn tại hơn 200 năm. Để so sánh, chỉ gần một phần tư số công ty được thành lập ở Mỹ vào năm 1994 là còn hoạt động đến năm 2004 (số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ).
Tuy nhiên trong thập kỷ qua, một số doanh nghiệp lâu đời nhất Nhật Bản cuối cùng cũng phải đóng cửa. Lấy ví dụ: công ty Minoya Kichibee 465 tuổi chuyên bán hải sản đã phải chính thức nộp đơn xin phá sản vào năm 2014, hay nhà sản xuất bánh kẹo Surugaya 533 tuổi cũng cùng chịu chung số phận. Năm 2007, sau 1429 năm kinh doanh, công ty xây dựng đền chùa Kongo Gumi đã cạn tiền và được một đại gia khác tiếp quản.
Đến đây, không ít người sẽ tự hỏi tại sao các công ty như Kongo Gumi lại tồn tại lâu đến vậy? Thứ nhất, đó là do họ thường tập trung vào những lĩnh vực không bao giờ thực sự lỗi thời. Như Kongo Gumi chắc chắn sẽ có tương lai khá đảm bảo tại một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo (dung hòa với Thần đạo Shinto) như Nhật Bản. Công ty đã xây dựng ngôi đền đầu tiên gần Osaka (hoàn thiện vào năm 593) và cải tạo 6 lần sau đó. William O’Hara, tác giả cuốn Centuries of Success (Thành công hàng thế kỷ) nhận xét: “Các công ty gia đình lâu năm nhất thường tham gia vào những ngành nghề cơ bản, từ nhu cầu thiết yếu của con người như ăn uống, lưu trú, vận tải, xây dựng, … và cả súng đạn.”
Một lý do nữa giúp các công ty này của Nhật Bản phát triển thịnh vượng nằm ở cách thức chuyển giao quyền điều hành qua nhiều thế hệ. Theo truyền thống, chủ doanh nghiệp Nhật thường để lại toàn bộ cơ nghiệp kinh doanh cho con trai trưởng – chẳng hạn Kongo Gumi có hẳn một cuộn gia phả dài gần 3,5 m để tra thông tin về những đời chủ sở hữu trước đây. Nhưng điều thật sự giúp các công ty kéo dài tuổi đời là nhờ sự linh hoạt trong việc tìm kiếm người kế thừa; khi không thật sự tin tưởng giao quyền cho con cháu (huyết thống), ông chủ có thể chọn một người con trai ngoài họ làm con nuôi, hoặc người kết hôn với con/cháu gái trong gia tộc để tiếp quản sự nghiệp. Theo phát hiện của một nghiên cứu năm 2011 tại Nhật, phần lớn người thừa kế do nhận nuôi thường điều hành doanh nghiệp tốt hơn thành phần máu mủ. Điều này góp phần giải thích một hiện tượng lạ lùng trong thống kê về gia đình ở Nhật Bản: không giống Mỹ nơi hầu hết con nuôi đều là trẻ em, phải đến 98% người được nhận nuôi ở Nhật là đàn ông trong độ tuổi 25 – 30.
Vậy nếu truyền thống này đã giúp các công ty tồn tại 500 hoặc thậm chí 1500 năm thì tại sao hiện giờ chúng lại có xu hướng sụp đổ? Lý giải thuyết phục nhất có lẽ liên quan đến sự thay đổi trong cách đối xử của Chính phủ Nhật đối với những công ty đang gặp khó khăn – theo Ulrike Schaede, giáo sư chuyên về văn hóa kinh doanh Nhật Bản tại Đại học U.C San Diego. Trong quá khứ, các ngân hàng Nhật đã không ngần ngại cứu giúp cả những doanh nghiệp làm ăn bết bát nhất và gần như vô vọng. Kết quả là trong giai đoạn 1955 – 1990, chỉ có đúng 72 công ty Nhật phá sản nhờ được ngân hàng bảo đảm
Tuy nhiên đến năm 2000, Nghị viện Nhật đã chính thức thông qua Chương 11 trong Luật phá sản và hoàn thiện thêm nhiều điều khoản liên quan đến thanh lý doanh nghiệp trong một đạo luật khác có từ năm 1922, khiến các doanh nghiệp khó khăn không còn dễ nhận được sự trợ giúp (từ ngân hàng) trừ khi chứng minh được triển vọng thay đổi bằng những kế hoạch chắc chắn. Tuy nhiên, Schaede dự đoán các công ty như vậy vẫn có thể tồn tại thêm hàng chục năm nữa vì văn hóa không phải là thứ có thể dễ dàng thay đổi một sớm một chiều, nhất là đối với hệ thống ngân hàng nổi tiếng bảo thủ của Nhật Bản. “Nếu chủ nghĩa tư bản hướng tới nhập và xuất cảng tự do thì chỉ vế thứ hai là đúng tại Nhật” - Schaede bình luận.
Ngoài ra cũng cần lưu ý thêm một xu hướng nữa, đó là sự xói mòn chuẩn mực văn hóa của Nhật Bản trong mấy thập kỷ gần đây. Thế hệ Millennial (chỉ những người sinh trong giai đoạn 1980 – 2000) ở nước này dường như đã không còn thật sự quan tâm đến văn hóa truyền thống như ông bà, cha mẹ của họ. William Rapp, giáo sư ngành kinh doanh tại Viện Công nghệ New Jersey, nhận định: “Khi dân số già và chết đi, sẽ không còn đủ động lực để duy trì các công ty lâu đời nữa.” Bên cạnh đó, xã hội đang có phần cởi mở hơn của Nhật cũng bắt đầu đón nhận những luồng tư tưởng mới về hôn nhân, nhận con nuôi và quyền thừa kế, đồng nghĩa với việc một nam thanh niên chưa chắc sẽ được thừa kế công ty nếu anh ta kết hôn với con/cháu gái của chủ tịch.
Giới học giả và báo chí Nhật Bản đã thảo luận không ít về các doanh nghiệp gia đình cổ xưa ở đất nước này, nhằm đúc kết trí tuệ từ sự thành công của họ. “Từ câu chuyện của Kongo Gumi, chúng ta thấy rằng cần kết hợp hài hòa giữa các yếu tố bảo thủ và linh hoạt” - tuần báo Business Week viết. Trên thực tế, chuỗi vinh quang kéo dài cả thiên niên kỷ, phần nhiều có lẽ do thời cuộc hơn là tài năng kinh doanh. Cuối cùng, xin hãy nghe lời khuyên từ chính vị chủ tịch cuối cùng của Kongo Gumi khi được hỏi về chìa khóa dẫn đến sự trường tồn: “Đừng uống rượu quá nhiều!”