Đầu thế kỷ 13, đế chế Nguyên - Mông là nỗi khiếp đảm của châu Âu. Họ dễ dàng đè bẹp đối phương để mở rộng lãnh thổ về phía tây. Nhưng khi đang thắng như chẻ tre, đại quân đến từ thảo nguyên bất ngờ quay ngựa rút lui. Các nhà khoa học vừa đưa ra lời giải cho bí ẩn này.
Vó ngựa Mông Cổ dừng ở cửa ngõ châu Âu
Đầu thế kỷ 13, đại quân Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn đã tràn sang châu Âu, tạo ra nỗi kinh hoàng cho vùng đất này. Sau khi danh tướng này chết vào năm 1227, con trai ông là Oa Khoát Đài lên kế vị, tiếp tục tham vọng bánh trướng châu Âu. Năm 1235, Oa Khoát Đài chinh phục nước Nga và đến năm 1240 thì tràn vào Đông Âu.
Mùa xuân năm 1241, quân Mông Cổ với ít nhất 130.000 lính và nửa triệu con ngựa đã tiến vào Hungary. Họ dễ dàng đánh bại liên quân Ba Lan - Hungary và thiết lập một chế độ cai trị ở miền đông Hungary.
Đến đầu năm 1242, sông Danube và các dòng sông khác ở khu vực phía đông Hungary đóng băng, giúp người Mông Cổ di chuyển thuận lợi vào phía tây nước này. Họ ở lại đây nhiều tháng rồi bất ngờ rút lui, vượt qua Bulgaria và Siberia để trở lại Nga. Đạo quân Mông Cổ đến như gió cuốn khiến các cư dân tại châu Âu khiếp đảm. Tuy nhiên, việc họ rút lui nhanh không kém cũng khiến nhiều người phải kinh ngạc.
Vì sao sự mở rộng đế chế Mông Cổ tại châu Âu vốn đang rất thuận lợi lại kết thúc đột ngột như vậy? Rất nhiều nhà sử học đã nghiên cứu vấn đề này, nhưng chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng.
Có hai giả thuyết được đánh giá là có sức thuyết phục nhất: Cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ người Mông Cổ sau cái chết của Oa Khoát Đài vào mùa xuân năm 1242 và việc các phòng tuyến của người Hungary và Croatia quá vững chắc khiến đại quân đến từ thảo nguyên không thể vượt qua.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports, nguyên nhân chính khiến người Mông Cổ phải rút quân là sự biến động khí hậu. Nói cách khác, họ đã bị đánh bại bởi thời tiết.
Thời tiết đã cứu châu Âu
Để đi đến kết luận kể trên, Ulf Büntgen - nhà nghiên cứu khí hậu ở Viện Nghiên cứu Thụy Sỹ WSL và sử gia Nicola Di Cosmo thuộc Đại học Princeton (Mỹ) - đã tra cứu vô số tài liệu, bằng chứng.
Đặc biệt, họ áp dụng cách tiếp cận mới bằng phương pháp phân tích cổ khí hậu và nghiên cứu vân gỗ. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu vân gỗ của các cây cổ thụ từ bắc Scandinavia, vùng núi Ural, Romania, dãy núi Alps của Áo và dãy núi Altai của Nga để đưa ra kết luận về yếu tố thời tiết.
Tiến sỹ Büntgen giải thích rằng, bằng cách phân tích vân gỗ tại các khu vực người Mông Cổ đóng quân ngày xưa - đặc biệt là phân tích chiều rộng, mật độ thay đổi của vân gỗ, họ có thể tái tạo các điều kiện khí hậu ở thời điểm đó.
Kết quả, ông Büntgen và đồng nghiệp nhận thấy nhiệt độ tăng trên mức trung bình tại Hungary trong khoảng từ năm 1238-1241 rồi đột ngột hạ vào khoảng năm 1242-1244. Trong năm 1242, các khu vực bao gồm miền nam Ba Lan, Cộng hòa Czech, miền tây Slovakia, tây bắc Hungary và phía đông Áo đặc biệt ẩm ướt.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng mùa xuân năm 1241 tại châu Âu rất ấm áp. Lương thực, thực phẩm, thức ăn cho quân lính và ngựa rất dồi dào. Tuy nhiên, đại quân Mông Cổ không thể lường được rằng mùa đông ở đây vô cùng khắc nghiệt.
Ban đầu, mùa đông tạo điều kiện cho quân Mông Cổ tấn công. Sông Danube đóng băng, giúp họ dễ dàng tiến về phía tây để tiếp tục cuộc chinh phục vĩ đại. Thế nhưng, khi mùa xuân năm 1242 đến, lượng lớn băng tuyết tan đã gây ra lũ lụt, biến mặt đất rắn thành những vùng đầm lầy. Chính điều này đã cản trở bước hành quân của người Mông Cổ, đồng thời khởi đầu cho nạn đói.
Nên biết, quân Mông Cổ phụ thuộc chủ yếu vào ngựa. Khi bắt đầu tiến quân, họ đã mạo hiểm đi vào khu vực khí hậu không phù hợp cho chiến mã và đại quân vô địch của thảo nguyên bắt đầu suy yếu.
“Mùa xuân năm 1242, phần lớn lãnh thổ Hungary bỗng trở thành đầm lầy, ao tù, nước đọng. Thêm vào đó, một mùa đông khắc nghiệt cộng với việc mùa xuân đến sớm khiến băng và tuyết tan nhanh, hậu quả là người Mông Cổ gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là đất đai cho chăn thả gia súc” - các tác giả của nghiên cứu cho biết.
Bên cạnh đó, sự tàn phá của chiến tranh cùng với tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến các vụ mùa giảm sản lượng, nạn đói khủng khiếp diễn ra ở Hungary khiến nguồn cung cấp thực phẩm cho binh lính càng thêm khan hiếm.
Giáo sư Aaron Putnam của Đại học Maine (Pháp) - người không tham gia vào cuộc nghiên cứu trên - nhận xét: “Việc sử dụng một yếu tố môi trường để giải thích lý do đằng sau sự kiện lịch sử luôn luôn rất khó khăn. Tuy nhiên, các tác giả đã làm một công việc tuyệt vời để đi đến giả thuyết quân Mông Cổ từ bỏ việc tiếp tục xâm lược châu Âu do tác động từ yếu tố môi trường”.