Các trang trại này đem lại dữ liệu quan trọng cho các cuộc điều tra tội phạm mà không thể thu thập được từ các nghiên cứu phân hủy ở động vật trong điều kiện tương đương. Tuy nhiên, đây lại trở thành một chủ đề gây tranh cãi, bởi vì những người phản đối cho rằng các trang trại này thật ghê tởm.
Các nhà khoa học pháp y ở Vương quốc Anh đang hợp tác với quân đội để mở trang trại tử thi đầu tiên của Anh - địa điểm để các nhà khoa học nghiên cứu sự phân hủy của hài cốt người và sẽ dự kiến mở cửa trong năm nay. Đây không phải trang trại đầu tiên, mà mô hình tương tự, cho phép nghiên cứu hài cốt người để phục vụ nghiên cứu pháp y, đã tồn tại từ lâu ở Hoa Kỳ và một số quốc gia và bắt đầu xuất hiện ở các quốc gia khác.
Nguy cơ tụt hậu
Các trang trại này sẽ đem lại dữ liệu về sự phân hủy mô và xương trong các điều kiện được kiểm soát, cùng với những thay đổi hóa học trong đất, không khí và nước xung quanh. Các trang trại tử thi chôn hoặc để các xác chết được hiến tặng phân hủy trên mặt đất. Các nhà nghiên cứu cũng có thể tạo dựng một điều kiện đặc biệt để nghiên cứu quá trình phân hủy trong các trường hợp khác nhau, ví dụ như đặt các thi thể trong nước hoặc trong một chiếc xe. Những thông tin này rất có ích với điều tra viên hình sự và pháp y. Trang trại tử thi đầu tiên và nổi tiếng nhất thế giới được khai trương năm 1981 tại Knoxville, Tennessee; sau đó ít nhất sáu trang trại nữa đã được mở tại Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã thành lập các trang trại tử thi ở Úc và Hà Lan, Canada cũng sẽ mở một trang trại trong năm nay.
Thậm chí các nhà khoa học pháp y ở Anh cho rằng tới giờ mới xây dựng dự án trang trại tử thi ở Anh là đã bị chậm trễ. Người đứng đầu dự án này là Anna Williams, nhà nhân chủng học pháp y ở Đại học Huddersfield và là người ủng hộ việc xây dựng các trang trại nghiên cứu tử thi cho rằng không thể để pháp y và các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này của Anh bị bỏ lại phía sau. Vào cuối tháng Tư, một báo cáo của ủy ban khoa học và công nghệ trong Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, đã phản ánh thực trạng yếu kém của khoa học pháp y ở Anh và kêu gọi sự đầu tư cũng như cách tiếp cận chiến lược hơn cho ngành này.
Các nhà khoa học pháp y khác như Chris Rogers ở Đại học Wolverhampton, Anh, cũng cho rằng thúc đẩy xây dựng các trang trại này là cần thiết: “Tôi chắc chắn rằng chúng ta cần có một trang trại tử thi ở Anh. Chúng ta đang tụt lại phía sau so với thế giới”. Rogers cho biết các nghiên cứu của anh khó mà tiến triển được do ít cơ hội tiếp cận được với tử thi, gây ảnh hưởng đến việc áp dụng kết quả nghiên cứu và đưa chứng cứ ra tòa.
Sự ủng hộ của công chúng
Trong nhiều năm, các chuyên gia ở Anh đã cố gắng thúc đẩy xây dựng các trang trại tử thi nhưng đều thất bại: Richard Arnold, chủ một Công ty Dịch vụ tang lễ Omega Supplies ở Sutton-on-Sea, Lincolnshire, đã đưa ra một đề xuất vào mười năm trước nhưng thất bại vì không nhận được sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực khác. Những nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực y học thì lo ngại rằng sự chú ý của truyền thông trong việc thành lập trang trại tử thi có thể ngăn cản mọi người hiến tạng cho nghiên cứu và giảng dạy giải phẫu học. Tuy nhiên, Amy Rattenbury, một nhà khoa học pháp y ở Đại học Wrexham Glyndŵr, chuyên gia nghiên cứu phương pháp tìm kiếm hài cốt, cho biết thực tế ngược lại: “Nhiều người muốn hiến tặng đã gọi điện thoại và gửi e-mail cho tôi để hỏi rằng sau khi chết liệu họ có thể hiến tặng cơ thể mình hoặc người thân”.
Mặc dù kế hoạch đề xuất không tiết lộ vị trí trang trại tử thi của Anh, nhưng nơi nghiên cứu khoa học nổi tiếng nhất của Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực này là Phòng thí nghiệm khoa học và công nghệ quốc phòng ở Porton Down, miền Nam nước Anh. Bên cạnh việc phân tích vũ khí hóa học, Phòng thí nghiệm cũng tổ chức nghiên cứu đào tạo chó nghiệp vụ tìm xác người - một trong những nhiệm vụ chính của trang trại tử thi mới mở. Porton Down đã đầu tư rất nhiều vào phòng thí nghiệm này trong những năm gần đây, một phần nhằm mở rộng nghiên cứu pháp y. Bộ Quốc phòng thì từ chối bình luận về việc liệu trang trại tử thi có được xây dựng tại Porton Down hay không.
Trang trại tử thi có thể cần sự chấp thuận thông qua của Cơ quan Quản lý mô người (Human Tissue Authority - HTA) thuộc chính phủ. Các tài liệu về cơ sở này được công bố theo Đạo luật Tự do thông tin cho thấy các quan chức đang tìm cách cấp phép hợp pháp cho cơ sở này, trước khi mở cửa trong năm nay.
Luật pháp của Anh cho phép công dân hiến tặng cơ thể cho nghiên cứu y học và khoa học. Tuy nhiên cần HTA cấp giấy phép và giám sát việc sử dụng hài cốt chỉ cho các mục đích cụ thể, được gọi là mục đích theo kế hoạch, và theo pháp luật cơ sở nghiên cứu tử thi không được coi là một trong các mục đích này. Williams đang cố gắng thuyết phục HTA thay đổi luật này.
Người phát ngôn của HTA cho biết: “Chúng tôi biết và đã thảo luận với các bên khác, những người quan tâm đến việc thiết lập một cơ sở như vậy ở Anh, để nhận lời khuyên và hướng dẫn”.
Mục đích nghiệt ngã
Tuy nhiên, Sue Black, một nhà nhân chủng học pháp y có tiếng tại Đại học Lancaster, Vương quốc Anh lại phản đối các trang trại tử thi. Black không trực tiếp trả lời khi nhận được các câu hỏi đề nghị bình luận về đề xuất này, nhưng trong cuốn sách “All That Remains” (2018), cô đã viết: “Tôi thấy cách làm này vừa ghê rợn vừa tàn nhẫn và tôi càng khó chịu khi được mời tham quan, như thể đó là một điểm thu hút khách du lịch”. Cô nghi ngờ giá trị nghiên cứu tại các trang trại tử thi, cho rằng các kết quả này bị ảnh hưởng bởi cỡ mẫu hẹp và có nhiều biến số có thể ảnh hưởng tới kết quả.
Nhưng nếu không có hài cốt người, Rogers cho biết sẽ phải sử dụng động vật để nghiên cứu quá trình phân hủy và những phát hiện này khó trở thành căn cứ chắc chắn trước tòa án. Ông nói rằng lợn, bò và dê được chôn để nghiên cứu cách vi khuẩn xâm nhập vào sụn và tạo ra các tinh thể, nghiên cứu quá trình giúp cải thiện khả năng ước lượng thời gian tử vong (khó ước lượng chính xác trong sau 24 giờ đầu tiên hoặc lâu hơn, nhưng có thể rất quan trọng trong việc giúp xác định danh tính nạn nhân và kiểm tra các bằng chứng ngoại phạm). Tại tòa, “tôi sẽ phải nói rằng tôi nghĩ các quá trình tương tự xảy ra ở người nhưng tôi thực sự không biết chắc chắn”. Và Rogers không thể sử dụng kết quả từ một cơ sở nghiên cứu của Hoa Kỳ hoặc Úc, vì điều kiện môi trường của họ khác với ở Anh.
Shari Forbes, một nhà khoa học pháp y tại Đại học Quebec Trois-Rivières, đã thành lập trang trại tử thi của Úc và chuyển đến Canada vào năm ngoái để thành lập một cơ sở khác tại đây. Cô đã được tham vấn về các kế hoạch của Vương quốc Anh, và cô gọi đây là một phần của xu hướng đáng khuyến khích trên toàn cầu. “Lâu nay, mọi người cho rằng luật pháp ở Mỹ đặc biệt và việc xây dựng các cơ sở này không thể xảy ra ở nơi nào khác trên thế giới”, cô nói. “Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, mọi người bắt đầu nhận ra những trang trại tử thi này có thể được xây dựng một cách hợp pháp”.