Trái phiếu là chứng nhận nghĩa vụ nợ (phải trả) của người phát hành đối với người sở hữu và thường có thời hạn. Nhưng đôi khi các công ty hoặc chính phủ cũng có thể phát hành loại trái phiếu không bao giờ đáo hạn, được gọi là trái phiếu vĩnh viễn hoặc vô thời hạn (perpetual bond).

Trái phiếu phát hành từ 370 năm trước vẫn đang trả lãi.
Trái phiếu phát hành từ 370 năm trước vẫn đang trả lãi.

Và đúng như tên gọi, trái phiếu sẽ mãi còn hiệu lực nếu nhà phát hành muốn, cho phép người nắm giữ chúng thu lãi trong suốt thời gian dài. Điều này, mặc dù nghe có vẻ là một công cụ đầu tư tuyệt vời trong dài hạn, song thực tế lại không hoàn toàn đúng như vậy. Bên duy nhất thực sự hưởng lợi từ loại thỏa thuận như vậy chính là người phát hành, bởi nó giúp họ huy động vốn mà không cần phải trả lại tiền gốc (do trái phiếu không bao giờ đáo hạn). Còn nhà đầu tư, tuy sẽ được thanh toán hằng năm theo một tỷ lệ lãi suất được ấn định bởi chủ thể phát hành, nhưng lãi suất này có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và thường bị giữ ở mức thấp (để người phát hành, có thể là công ty hoặc chính phủ kiếm được lợi nhuận). Và khi tính cả lạm phát, giá trị thanh khoản hằng năm bắt đầu giảm dần khi nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu càng lâu.

Tuy nhiên, điều hấp dẫn ở một trái phiếu vô thời hạn là khả năng chuyển nhượng dễ dàng của nó. Mặc dù công ty hoặc chính phủ phát hành thường sẽ khó mua lại, nhưng nhà đầu tư có thể bán nó trên thị trường cho người mua mới muốn kiếm tiền lời. Một số trái phiếu như vậy đã được mua đi bán lại vô số lần, qua nhiều thế hệ và hàng thế kỷ. Trong số này phải kể đến British Consols – một trong những trái phiếu vĩnh viễn nổi tiếng nhất, được phát hành lần đầu vào năm 1751, trải qua lịch sử giao dịch hơn 250 năm, cho đến khi Chính phủ Anh mua lại, tức hoàn trả đầy đủ cả vốn lẫn lời cho nhà đầu tư vào năm 2015.

Trong khi đó, một vài trái phiếu được phát hành từ tận thế kỷ 17 hiện vẫn đang phải trả lãi. Đó là loại trái phiếu do Hoogheemraadschap Lekdijk Bovendams – hội đồng quản lý tài nguyên nước, đê điều và kênh rạch ở khu vực hạ lưu sông Rhine (Hà Lan) – phát hành. Năm 1648, hội đồng đã quyết định tung ra loại chứng chỉ này để quyên tiền xây dựng một loạt cầu tàu, nhằm điều chỉnh dòng chảy của một con sông và chống xói mòn. Khi đó, các trái phiếu được định giá ở mức 1.000 guilder (tiền Hà Lan xưa), bằng với 500 USD bây giờ, và có lãi suất vô thời hạn là 5%, sau đó giảm xuống 3,5% và 2,5% vào cuối thế kỷ 17.

Sau hơn 370 năm, trái phiếu này đã qua tay nhiều chủ sở hữu và còn vượt Đại Tây Dương sang Mỹ khi được Đại học Yale mua lại trong một cuộc đấu giá năm 2003, ở mức 27.000 USD. Lúc đầu, hội đồng quản lý và đầu tư tài chính của Yale đã không biết phải làm gì với nó. Khác với nhiều tài liệu được lưu trữ trong bộ sưu tập đồ sộ của ngôi trường danh giá bậc nhất, vốn chỉ có giá trị như các hiện vật lịch sử, thì trái phiếu Hà Lan vẫn là một loại chứng từ đang còn hiệu lực. Vì thế, câu hỏi đặt ra là: Có nên cất giữ nó hoặc rút tiền mặt hay không?

Sau khi hết chỗ ghi chép trên miếng da dê, người ta phải bổ sung thêm một phụ lục bằng giấy để ghi lại các khoản thanh toán định kỳ.
Sau khi hết chỗ ghi chép trên miếng da dê, người ta phải bổ sung thêm một phụ lục bằng giấy để ghi lại các khoản thanh toán định kỳ.

Đặc điểm của trái phiếu hay chứng từ này là nó không phải được làm bằng giấy, mà là từ một miếng da dê – trên đó ghi chép trực tiếp các khoản thanh toán lãi suất định kỳ. Tới năm 1944, khi đã hết chỗ trên miếng da dê, người ta bổ sung thêm một phụ lục bằng giấy để tiếp tục ghi lại các khoản thanh toán mới. Timothy Young, chuyên viên chịu trách nhiệm quản lý các cuốn sách và văn học hiện đại tại Beinecke Rare Book and Manuscript Library (Thư viện Bản thảo và Sách hiếm Beinecke) tại Yale đã liên hệ với hội đồng Hoogheemraadschap De Stichtse Rijnlanden đương đại – người thừa kế nghĩa vụ đối với khoản nợ của chính quyền trước – để hỏi rằng liệu các điều khoản ràng buộc vẫn được tôn trọng. Và câu trả lời mà ông nhận được là: “Tất nhiên rồi.”

Năm 2015, Young đã bay tới Amsterdam để ký nhận 12 năm tiền lãi từ trái phiếu, khoảng 136 Euro. Đó cũng là thủ tục cần thiết để giữ cho chứng từ vẫn còn hiệu lực. “Nếu chúng ta bỏ đi và nó không bao giờ thanh toán (bồi hoàn), thì đó cũng có thể là một ràng buộc không còn hiệu lực.” Ngoài ra, Hoogheemraadschap De Stichtse Rijnlanden còn cho Young biết rằng, hiện trên thế giới đang có khoảng 5 trái phiếu như vậy tồn tại.

Trong lịch sử, có khá nhiều trường hợp các tổ chức phát hành nợ với thời hạn rất dài, thậm chí là vĩnh viễn (trường hợp trái phiếu từ thế kỷ 17). Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, hiếm khi việc thi hành trái vụ không bị gián đoạn, nhất là khi chính phủ hoặc những chủ thể phát hành khác không còn khả năng thanh toán (default) – giáo sư Geert Rouwenhorst tai Trung tâm Tài chính Quốc tế (Trường Quản lý, ĐH Yale), chủ sở hữu trước đó của trái phiếu Hà Lan cho biết. “Trái phiếu mà Yale đang sở hữu là một ví dụ cực kỳ sớm về trái khoán không cần đáo hạn mà vẫn phải trả lãi. Không ít người sẽ phải kinh ngạc khi biết về sự tồn tại của một thứ như vậy.” Bản thân GS. Rouwenhorst cũng từng ký nhận 26 năm tiền lãi nhờ sở hữu nó.

Câu chuyện về loại trái phiếu vô thời hạn của Hà Lan – quốc gia tư bản chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, từng thống trị mặt biển và thương mại (thông qua Công ty Đông Ấn Hà Lan) đến tận cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, trước khi Đế chế Anh trỗi dậy và giành được vị trí này – chính là một ví dụ tiêu biểu cho thấy tinh thần thượng tôn pháp luật, coi trọng quyền sở hữu cá nhân và nguyên tắc giữ chữ tín trong làm ăn kinh doanh, một trong những điểm ưu việt của chủ nghĩa tư bản thị trường (market capitalism) kiểu phương Tây. Cũng nhờ vậy mà thị trường tài chính để phục vụ hoạt động huy động và tích lũy vốn tại các nước này đã được hình thành và phát triển từ rất sớm, góp phần tạo nên những công ty có truyền thống cả trăm năm.