Đứng sừng sững giữa khu phố trung tâm lịch sử của thủ đô Bucharest ở Romania là tòa nhà Cung Nghị viện (Palace of the Parliament) khổng lồ, một dự án xây dựng xa hoa và tốn kém nhất trong thế kỷ XX.

Cung Nghị viện Romania, tòa nhà Quốc hội lớn nhất thế giới. Ảnh: Flickr.
Cung Nghị viện Romania, tòa nhà Quốc hội lớn nhất thế giới. Ảnh: Flickr.

Đó là công trình mang dấu ấn của Nicolae Ceausescu (1918 – 1989), lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Romania trong giai đoạn 1965 – 1989, người bị cho là có xu hướng “nghiện sùng bái cá nhân” và thích những thứ hoành tráng, vĩ đại (bản thân ông đã tự phong cho mình danh hiệu “Conducător” tức “Lãnh tụ”, và “Geniul din Carpați” tức “thiên tài của người Carpathian”).

Ý tưởng về Cung Nghị viện, ban đầu được gọi bằng cái tên “Viện Nhân dân” (The People’s House), đã hình thành trong tâm trí Ceausescu sau chuyến công du Bắc Triều Tiên năm 1972 và thăm lãnh đạo Kim Nhật Thành (1912 – 1994). Ấn tượng với cách mà người đồng cấp xây dựng Bình Nhưỡng, Ceausescu bắt đầu ấp ủ kế hoạch cho tòa cung điện tráng lệ nhất thế giới, nơi sẽ nắm giữ chức năng điều hành tất cả mọi hoạt động của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Romania, bên cạnh việc trở thành “ngôi nhà đầy tiện nghi” của ông và vợ – bà Elena Ceaușescu (1916 – 1989), Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng thứ nhất.

Vợ chồng Nicolae và Elena Ceausescu. Ảnh: Getty Images.
Vợ chồng Nicolae và Elena Ceausescu. Ảnh: Getty Images.

Năm 1977, nhân cơ hội Bucharest bị một trận động đất kinh hoàng tàn phá, Ceausescu đã quyết định xây dựng lại thành phố hoàn toàn theo tầm nhìn của mình. Đích thân ông đã tự tay phác thảo và phê duyệt một bản kế hoạch phát triển đô thị đầy tham vọng, bao gồm hạng mục xây dựng “Viện Nhân dân” và nhiều công trình khác, khiến dân chúng không khỏi “bối rối”. Sau nhiều vòng xét duyệt, đồ án của nữ kiến trúc sư trẻ Anca Petrescu đã được lựa chọn. Nắm giữ trọng trách tổng công trình sư của một dự án “thế kỷ” khi mới chỉ 28 tuổi, Anca đã hợp tác cùng 9 kiến trúc sư giàu kinh nghiệm khác để chỉ huy gần 700 cấp dưới hoàn thiện thiết kế tòa nhà, kết hợp nhiều phong cách cổ điển.

Nằm gần sông Dâmboviţa chảy qua Bucarest, khu phố cổ Uranus-Izvor là nơi ít chịu ảnh hưởng bởi động đất và sở hữu vị trí cực kỳ “đắc địa”. Để nhường chỗ cho công trình đồ sộ này, Ceausescu đã ra lệnh san phẳng đồi Dealul Spirii và xóa xổ gần 1/5 khu phố. Khoảng hai chục nhà thờ, giáo đường, chủng viện, nhà máy, bệnh viện và hàng trăm ngôi nhà đã biến mất, cùng gần 40.000 người bị buộc phải di dời.

Công việc xây dựng được tiến hành từ năm 1984, tiêu tốn nguồn vật chất và nhân lực khổng lồ của Romania. Bên cạnh các chuyên gia xây dựng, kiến trúc và kỹ thuật giỏi nhất nước, chính quyền còn huy động khoảng 12.000 quân nhân, và 20.000 – 100.000 nhân công làm việc 24/7 theo ca (3 ca/ngày). Dự án đã ngốn hơn một phần ba ngân sách của Romania trong 5 năm, khiến đất nước phải gánh một khoản nợ khổng lồ. Để trang trải chi phí, Ceausescu đã cho xuất khẩu tất cả các sản phẩm nông nghiệp & công nghiệp, trong khi nhiều người dân Romania lâm vào cảnh thiếu ăn và chất lượng cuộc sống giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến II (nhiều tài liệu cho biết, khoảng 3000 người đã chết). Tháng 12/1989, khi tòa nhà đang xây được khoảng 2/3, một cuộc bạo loạn nổ ra trên khắp Romania (cách mạng màu), Ceausescu và vợ phải bỏ trốn bằng trực thăng, nhưng bị các tướng lĩnh quân đội bắt lại và xử bắn sau đó.

Hội trường họp bên trong. Ảnh: Flickr.
Hội trường họp bên trong. Ảnh: Flickr.

Cung Nghị viện cuối cùng vẫn được hoàn tất vào năm 1997. Nó thực sự rất “vĩ đại”: dài 270 m, rộng 245 m, cao 84 m (12 tầng nổi), bên cạnh 8 tầng hầm – tầng cuối cùng được thiết kế cho mục đích chống bom nguyên tử, phòng trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Bên trong điện có tất cả 1.100 phòng với tổng diện tích sàn lên đến 365.000 m2, sử dụng khối lượng vật liệu khổng lồ: 1.000.000 m3 đá cẩm thạch, 550.000 tấn xi măng, 700.000 tấn thép, 2.000.000 tấn cát, 900.000 m3 gỗ, 3.500 tấn pha lê, 200.000 m3 kính, 2.800 đèn chùm, 220.000 m2 thảm, 3.500 m2 da, … Bốn tầng đầu tiên thường gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với người viếng thăm bởi kích thước khổng lồ của các gian phòng, như Sảnh Danh dự (La Gallérie d’Honneur) – ngự ở ngay mặt tiền của điện, có chiều dài 150 m, với 34 cột đá cẩm thạch; Sảnh Thống nhất – lớn nhất trong điện, theo thiết kế ban đầu thì được dành làm phòng dạ tiệc cấp nguyên thủ, có diện tích 2.200 m2 và cao 16 m.

Tòa nhà đã giành được một số danh hiệu đúng như mơ ước của Ceausescu, chẳng hạn: trụ sở hành chính lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ngũ Giác Đài (Pentagon) ở tiểu bang Virginia – trụ sở của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ; tòa nhà đồ sộ thứ ba, sau Vehicle Assembly Building (xưởng lắp ráp thiết bị) tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở tiểu bang Florida, và Kim tự tháp Quetzalcóatl (Temple of the Feathered Serpent) ở khu thánh địa Teotihuacan tại Mexico; hay tòa nhà nặng nhất thế giới, … Đặc biệt, với kinh phí xây dựng lên tới gần 4 tỷ USD (theo thời giá năm 2008), nó chính là tòa nhà hành chính đắt nhất hành tinh. Chỉ riêng ngân sách sưởi ấm và chiếu sáng bằng điện cho nó đã vượt quá 6 triệu USD/năm, ngang với một thành phố cỡ vừa.

Cung Nghị viện hiện đang là nơi tổ chức những cuộc họp của Thượng viện và Hạ viện Romania, bên cạnh một bảo tàng nghệ thuật đương đại mở cửa cho người thăm quan dưới tầng trệt. Tuy nhiên, khoảng 70% số phòng trong điện vẫn còn đang bị bỏ trống. Mặc dù bị chỉ trích không ít, nhưng tòa nhà lại đang là một điểm đến hấp dẫn du khách nhất tại Romania.