Thông qua 26 thành phố tiêu biểu trong hơn 6.000 năm của tiến trình lịch sử, nhà sử học Ben Wilson trong cuốn “Metropolis” đã mang đến những luận giải thú vị về sự hình thành, những điểm độc đáo của quá trình phát triển các siêu đô thị…
“Metropolis” là một đô thị hoặc vùng đô thị gồm nhiều thành phố, thị trấn, ngoại ô… giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị đối với một vùng hoặc cả quốc gia. Nó cũng đồng thời là trung tâm giao thông, thông tin liên lạc, thương mại ở cấp vùng hoặc cấp quốc tế.
Dọc theo dòng chảy thời gian, học giả người Anh đưa độc giả đi từ đại đô thị Uruk đầu tiên bên dòng Euphrates và Tigris của vùng Lưỡng Hà, đến với sự hủy diệt trong Đệ nhị Thế chiến của Warsaw (Ba Lan) cũng như những ngày gần đây với “làng máy tính” Lagos (Nigeria).
Wilson có cách tiếp cận vô cùng lý thú, đưa người đọc vào chuyến du hành thời gian dựa trên những đặc trưng chính của từng đô thị. Có thể là Rome theo sự phát triển nhà tắm, là Baghdad theo nền ẩm thực đường phố, hay London với các quán café và Paris, nơi có những người thong dong bước đi trên phố (có cả một danh từ riêng là “flâneur” dùng để gọi họ).
Trong chương riêng về thành Rome từ năm 30 TCN, Wilson cho ta thấy nhà tắm có mối liên hệ thế nào với đô thị này. Như câu ngạn ngữ của người La Mã: “Tôi được thoa dầu, tôi tập thể dục, tôi tắm”, hoạt động này đã trở thành một chốn công cộng để mọi người gặp nhau, giao kèo, nói chuyện… từ đó hình thành nên một đế quốc đề cao cộng đồng và những cái chung. Tuy nhiên, đây cũng chính là nơi lan truyền mầm bệnh bởi hệ thống nước không được thay mới, góp phần vào sự suy tàn của đế chế La Mã.
Mối quan hệ mật thiết với nước cũng được thể hiện ở nhiều đô thị khác như London thời Victoria, khi những cư dân của đô thị này yêu thích bơi lội quanh bờ sông Thames hay ở Nhật với khái niệm “hadaka no tsukiai” hàm ý sự tương tác cộng đồng trong việc tắm rửa…
Ngoài ra, nó cũng ảnh hưởng đến các đại đô thị Hồi giáo, khi nhóm ba thiết chế chính hợp thành đời sống của các metropolis là nhà tắm (hammam), nhà thờ (mosque) và chợ (souk). Có thể không nhiều người biết, nhưng thực tế Baghdad, London và Alexandria chính là ba đại đô thị bùng nổ tri thức đi trước thời đại. Trong đó, Baghdad có một khởi đầu “không giống ai”, khi vào thế kỷ 8, việc giao thương đường biển kéo theo sự nhập cư của nhiều chủng tộc và các hàng hóa mang nhiều giá trị như gia vị, thực phẩm…, làm cho thức ăn đường phố nổi lên như một cơn sốt.
Từ mong muốn được biết công thức nấu ăn quý hiếm, cũng là sinh kế của người nhập cư… mà Baghdad đồng thời là nơi biết sản xuất giấy cùng lúc với Trung Hoa, dẫn đến là nơi toàn bộ tri thức châu Á hội tụ. Giai đoạn Trung Cổ cũng là một thời vang danh của riêng châu Á, khi có đến 19/20 metropolis lớn nhất đều là thành phố Hồi giáo hoặc thuộc Trung Hoa. Như vậy, lịch sử của đồ ăn đường phố chính là một trong những lịch sử của các đô thị. Nó là quá trình của sự di cư, một trong những yếu tố quan trọng đã truyền năng lượng cho sự phát triển đô thị.
Tuyến tính theo nhịp thời gian, Wilson cho ta thấy: “Các thành phố không phải là sản phẩm của những môi trường ôn hòa và dồi dào phong phú, mà là sản phẩm của những vùng khắc nghiệt hơn, những nơi để sự tài khéo và hợp tác đi tới giới hạn của con người có thể phát huy.” Điều này đã được phản ánh ở hai điển hình là Uruk – metropolis đầu tiên và Warsaw – thành phố từng bị Hitler hủy diệt đến 93%, nhưng vẫn “sống sót” về sau.
Trong đó, bám sát Sử thi Gilgamesh về những vị thần, Wilson cho ta biết chính những “xung đột” giữa con người với tự nhiên đã hình thành nên Uruk vào giai đoạn 4000 – 1900 TCN. Uruk không xuất hiện ở vùng đất lý tưởng, mà ở vị trí địa lý ít người biết đến, nằm án ngữ giữa vùng ngập nước, chịu nhiều ảnh hưởng của hai sông lớn thuộc vùng Lưỡng Hà. Từ thế yếu này, những người thuộc các miền văn hóa khác nhau đã bị hấp dẫn, mang theo những kỹ nghệ mới trong ngành xây dựng, công cụ, nông nghiệp, ý tưởng cũng như niềm tin… để biến đổi vùng đất.
Càng khắc nghiệt cũng như đen tối, đại đô thị càng sản sinh ra những cơ hội mới. Thách thức khiến cho con người thêm phần phát triển, đô thị cũng không ngoại lệ. Từ những đầm lầy với rác rưởi, chất thải động vật, những ổ sinh sôi “chướng khí cũng như tử khí” trên những con sông ở Manchester và Chicago vào đầu thế kỷ 20…, những hy vọng đã dần lộ diện. Đó là nơi những cộng đồng nhập cư đã hình thành nên các tổ chức chính trị cấp tiến, tạo cơ hội cho những người phụ nữ lần đầu bước vào chính trường… Mumbai hay Lagos cũng từng là những khu vực có mật độ sống lên đến mức khủng hoảng trước khi trở thành cái nôi cho các thành phố công nghệ.
Trải qua những thử thách khắc nghiệt còn có Warsaw, nơi chứng kiến những cuộc tắm máu cuồng loạn nhất lịch sử, khi Hitler chủ trương tiêu diệt sạch toàn bộ thành phố, hay Hiroshima và Nagasaki… sau sự kiện bị ném bom nguyên tử. Nhưng vì thành phố là “cơ thể sống”, sau những khó khăn, các cư dân lại quay về, biến nó thành những nơi đáng sống.
“Cơ thể sống” ấy khi càng phát triển thì càng dẫn đến nhiều quan niệm truyền thống bị phá vỡ. Những năm kéo dài từ hậu Đệ nhi thế Chiến đến 1990, mô hình Los Angeles đã cho ta thấy sự “ngoại ô hóa” có thể biến các metropolis đông đúc những khu ổ chuột thành những “thành phố bên rìa” như thế nào, khi cung cấp cuộc sống thoải mái, điều kiện làm việc thuận tiện, nhờ vào kết cấu đường bộ liên tục phát triển. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi đỉnh cao, số phận cuối cùng đã biến nó thành “thành phố lén lút”, địa bàn của những băng đảng ma túy và trồng cần sa.
“Thành phố vệ tinh” không chỉ xuất hiện ở riêng Los Angeles mà trong những “vòng trôn ốc của lịch sử đô thị” suốt nhiều thế kỷ, nó cũng đã từng xuất hiện ở Athens. Như một câu nói của Plato, “thành phố vệ tinh” mà Athens là trung tâm, như “những con ếch xung quanh cái hồ”. Hạt nhân và những nguyên tử tỏa ra xung quanh gợi ta nhớ đến cấu trúc của các quảng trường Cộng hòa La Mã, nơi đàn ông không chỉ tụ tập để nói chuyện phiếm mà còn tìm đường vào chính trường bằng những bài hùng biện…
Một điểm đặc biệt nữa mà Wilson tập trung vào là khắc họa cuộc sống con người trong các metropolis. Nhưng không lặp lại các tác phẩm khác, Wilson đi sâu vào những cá thể hoàn toàn bên lề, cung cấp cho ta những sự “vén màn” có phần hiếm hoi vào những con người mang tính “ngoại cuộc”. Chẳng hạn việc Rome phát triển thành một đô thị nhà tắm cũng có nghĩa là cung cấp cơ hội cho sự kết nối của những người đồng tính. Dưới thời La Mã, quan hệ giữa hai người đàn ông không hẳn mang đến ác cảm (ngoại trừ lời đồn về tình yêu dành cho vua Nicomedes mà cả đời Caesar mong muốn phủ nhận!), và loại quan hệ này cũng đã được ghi nhận từ thời Babylon, vùng đất thường được gán cho những tội lỗi nguyên gốc.
Thời đó, cộng đồng những người đồng tính lan ra rộng khắp, và cũng là lần đầu họ chịu hiểm nguy, khi các giá trị gia đình và các quyền lực thiên về nam tính… dần kìm hãm họ. Và hẳn là một nghịch lý khi càng thúc ép thì cộng đồng đó lại càng phát triển, nên không lạ lẫm khi Ben Wilson chỉ ra rằng họ từng đại diện cho tình trạng lộn xộn của Babylon trong việc tìm kiếm khoái lạc. Như vậy có thể thấy Babylon hoàn toàn là một “thành phố đồng tính” – một khám phá mới so với trước đây, khi mọi người chỉ biết về Babylon như một huyền thoại có phần trác táng và đàng điếm.