Các nhà vật lý đã phát hiện một giả tinh thể (quasicrystal) thuộc dạng hiếm nhất thế giới trong một mảnh thiên thạch. Đây là lần thứ ba con người được chứng kiến sự xuất hiện của vật chất này trong tự nhiên.
Một mảnh thiên thạch từ vũ trụ rơi xuống Trái đất. Ảnh: Motherboard
Có nguồn gốc từ vũ trụ, giả tinh thể vô cùng hiếm hoi và có cấu trúc nguyên tử rất đặc biệt. Trong nhiều thập kỷ, sự tồn tại của nó bị coi là “không thể”. Đây là dạng tồn tại khác biệt của chất rắn, trong đó các nguyên tử sắp xếp dường như đều đặn nhưng không có sự lặp lại.
Mẫu giả tinh thể kể trên được tìm ra bởi nhóm nghiên cứu của Luca Bindi thuộc Đại học Florence (Italy). Họ kiểm tra một hạt nhỏ của thiên thạch đã rơi xuống khu Khatyrka (Nga) cách đây 5 năm và tìm thấy một mảnh giả tinh thể với chiều rộng vài micromét.
“Điều đáng khích lệ là chúng ta đã tìm thấy 3 loại khác nhau của giả tinh thể trong các thiên thạch giống nhau. Thứ chúng tôi vừa phát hiện có thành phần hóa học chưa từng thấy trong giả tinh thể” - Paul Steinhardt - Đại học Princeton (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết trên tờ Motherboard. “Càng nhiều loại giả tinh thể được tìm ra, càng có khả năng nhiều loại vật chất tương tự mà chúng ta chưa từng biết tới đang tồn tại trên Trái đất”.
Khi nghiên cứu thành phần của giả tinh thể mới, các nhà khoa học phát hiện rằng nó được hình thành từ sự kết hợp của nhôm, đồng và các nguyên tử sắt. Tất cả được sắp xếp tương tự các mảnh trên bề mặt của quả bóng đá. Đây là lần đầu tiên thành phần đặc biệt này được phát hiện trong tự nhiên. Điều đó cho thấy con người vẫn còn hiểu biết rất ít về các hình thức kỳ lạ của vật chất. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Ngọc Hoan (Theo Sciencealert)