Một bản thảo viết tay từ thế kỷ thứ 17 của Isaac Newton vừa được Hiệp hội di sản Hóa học Mỹ - Chemical Heritage Foundation (CHF)-mua lại trong một cuộc bán đấu giá tại Bonhams ở Pasadena California được tổ chức vào ngày 16/2 vừa qua.
Trải qua nhiều thập kỷ bị chôn vùi trong các bộ sưu tập tư nhân, nội dung đáng kinh ngạc của bản thảo này cuối cùng cũng được công bố.
Bản thảo viết tay này mô tả các thí nghiệm của Newton từng thực hiện, và bao gồm cả các ghi chép từ nhà hóa học nổi tiếng thời đó, George Starkey, vạch ra một công thức chế tạo "thủy ngân hiền triết" hay còn gọi là "thủy ngân Sophick", được cho là một nguyên liệu quan trọng trong việc tạo ra "hòn đá phù thủy" - một loại vật chất thần thoại được tin là có khả năng biến chì, sắt, thủy ngân hoặc đồng thành vàng.
Bản thảo viết tay từ thế kỷ 17 của Newton có chứa công thức để chế tạo hòn đá phù thủy. Ảnh: CHF
"Thủy ngân hiền triết được cho là một chất có thể sử dụng để phá vỡ kim loại thành những thành phần cấu tạo nên nó", James Voelkel, người phụ trách mảng sách hiếm tại CHEF cho biết. - "Ý tưởng ở đây là bạn tách các mảnh thành phần kim loại ra, sau đó bạn có thể lắp ráp lại chúng và tạo ra các kim loại khác nhau".
"Bản thảo này là mối quan tâm lớn đối với chúng tôi bởi vì nó cho thấy một phần hoạt động Isaac Newton trong lĩnh vực giả kim thuật", Voelkel nói. "Đó là một dấu hiệu cho thấy ông đã từng tìm đọc, quan tâm và hứng thú với thuật giả kim".
Tiêu đề của bản thảo được viết hoàn toàn bằng tiếng Latin, tạm dịch là "Chuẩn bị thủy ngân Sophick cho hòn đá phù thủy bằng á kim hình sao chưa tinh luyện của sao Hỏa và Mặt trăng từ bản thảo của triết gia người Mỹ".
Bản thảo này đã được xác định là một bản sao của tài liệu cùng tên trước đó, được viết bởi nhà giả kim nổi tiếng thế kỷ 17, Eirenaeus Philalethes. Và Newton sử dụng nó như một tài liệu tham khảo cho các thí nghiệm giả kim thuật của riêng mình.
Voelkel cho rằng, Eirenaeus Philalethes là tên khác của George Starkey, một giáo sư từng học tại Đại học Harvard và chuyển tới Anh vào năm 1650 để làm việc với các nhà hóa học lỗi lạc khác.
Ông kết thúc thời gian làm việc của mình với Robert Boly, một trong những người sống đương thời với Newton. Tuy nhiên, Starkey công bố nghiên cứu dưới bút danh Eirenaeus Philalethes, điều này cho phép ông dễ dàng trong việc chia sẻ những nghiên cứu với các nhà khoa học khác.
Theo Tạp chí Hóa học thế giới (Chemistry World), bản in đầu tiên được biết đến của công thức này công bố vào năm 1678. Như vậy, Newton có thể đã chép tay công thức này trước đó.
Thuật giả kim là một ngành triết học và tâm linh cổ xưa, kết hợp hóa học với y học, thiên văn học và vật lý. Từ thời Trung cổ cho đến thế kỷ 17, các nhà giả kim tin rằng, thành công cuối cùng họ chính là Magnum Opus (dịch từ tiếng La Tinh có nghĩa là "Đại công trình"), bao gồm một phần lỏng và một phần rắn, được cho là không những biến kim loại thành vàng mà còn có thể giúp con người đạt đến cuộc sống bất tử.
Trong nhiều thế kỷ, hòn đá phù thủy chính là thứ vật chất được săn lùng nhiều nhất trong giới giả kim, cho đến khi các nhà khoa học phát hiện ra rằng, tất cả những hứa hẹn của nó hoàn toàn bất khả thi và thậm chí không đáng để theo đuổi.
Hiện vẫn chưa rõ Newton có thực sự tiến hành các thử nghiệm tạo ra thủy ngân hiền triết từ công thức của Eirenaeus Philalethes hay không.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông không làm thì bản thảo này vẫn có giá trị lớn bởi nó cũng mô tả những thí nghiệm khác cùng thời điểm được Newton thực hiện và ghi ghép xung quanh công thức thủy ngân hiền triết.
"Newton thường tận dụng những khoảng trống ở mặt sau tài liệu để ghi chép", Voelkel nói. "Trong trường hợp này có một ghi chú về thí nghiệm ông đã làm. Đó là công thức chưng cất các loại cồn dễ bay hơi từ quặng chì... tương ứng với cách giải thích độc đáo của Newton so với các nhà giả kim khác".
Theo Science Alert, có hàng chục bản ghi chép như thế này đã được những người thân của Newton bán vào các bộ sưu tập cá nhân trong những năm 1930, và kể từ đó, nó đã dần dần đến với các cơ sở giáo dục, bao gồm cả cơ sở nghiên cứu cũ của Newton - Đại học Cambridge tại Anh.
Sau khi mua bản thảo đặc biệt này, các nhà hóa học tại Hiệp hội di sản Hóa học Mỹ đã scan và tải lên thư mục Chymistry thuộc Dự án Isaac Newton, một cơ sở dữ liệu trực tuyến của Đại học Indiana, và bất cứ ai cũng có thể truy cập nó một cách miễn phí.