Các nhà khảo cổ tìm thấy bằng chứng mới cho thấy người Homo sapiens có thể đã bắt đầu sinh sống ở châu Âu sớm hơn rất nhiều so với giả thuyết trước đây, nhưng sau đó biến mất một cách bí ẩn.

Một nhóm khảo cổ do Ludovic Slimak, nhà nhân chủng học văn hóa tại CNRS và Đại học Toulouse-Jean Jaurès dẫn đầu đã dành ba thập kỷ qua để khai quật hang đá Grotte Mandrin ở Thung lũng Rhône thuộc miền nam nước Pháp. Nghiên cứu của nhóm, công bố ngày 9/2 trên tạp chí Science Advances, mô tả những công cụ bằng đá và một chiếc răng mà họ cho là của người Homo sapiens để lại sau khi sinh sống ở đây vào khoảng 54.000 năm trước. Nếu đúng đây là các dấu vết của người Homo sapiens, thì thời điểm loàingười này bắt đầu sinh sống ở châu Âu sớm hơn 10.000 năm so với giả thuyết trước đây.

Cụ thể, Slimak cho biết phần lớn các công cụ bằng đá khai quật được đều giống như đồ tạo tác thuộc nhóm 'công cụ Mousterian', thường được tìm thấy tại các địa điểm sinh sống của người Neanderthal trên khắp Âu Á. Nhưng một trong những tầng khảo cổ, được gọi là tầng E và có niên đại từ 56.800 đến 51.700 năm, chứa các công cụ như mũi nhọn và lưỡi dao nhỏ giống với các công cụ thời kỳ đầu của người Homo sapiens. Slimak cho biết các công cụ bằng đá ở lớp E giống với các công cụ được tìm thấy ở các địa điểm có niên đại trẻ hơn nhiều ở miền nam nước Pháp, và giống các công cụ từ các địa điểm có niên đại tương tự ở Trung Đông có liên quan đến người Homo sapiens.

Đặc biệt, ở lớp E, nhóm phát hiện một chiếc răngcó thể là răng hàm của một đứa trẻ, và có hình dạng tương tự như răng người Homo sapiens sống ở Âu Á trong thời kỳ Băng hà cuối cùng. Ngoại trừ chiếc răng này, 8 chiếc răng khác được tìm thấy ở Grotte Mandrin giống với răng của người Neanderthal.

Các cuộc khai quật tại Grotte Mandrin đã phát hiện ra các công cụ bằng đá, xương động vật và răng hominin.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ chưa thử trích xuất DNA từ chiếc răng lớp E để xác nhận nó thuộc về người Homo sapiens hay người Neanderthal, vì kinh nghiện phân tích các lớp trầm tích khác cho thấy không thể trích xuất DNA từ các mẫu răng trong hang đá này. Vì vậy, nhóm đã quyết định tạm hoãn quá trình phá hủy lấy mẫu từ chiếc răng tìm thấy ở lớp E cho đến khi tiếp cận được các công nghệ trích xuất vật liệu di truyền một cách nguyên vẹn hơn. “Chiếc răng này rất quý. Có khả năng là DNA được bảo tồn trong đó," Slimak nói.

Nếu các công cụ và răng ở lớp E thực sự là của người Homo sapiens để lại, thì loài này cũng không sinh sống ở Grotte Mandrin lâu. Slimak ước tính người Homo sapiens chỉ sinh sống ở đây khoảng 40 năm, dựa trên phân tích các mảnh trần của nơi trú ẩn đã bị vỡ ra, rơi xuống và trở thành trầm tích cùng với các vật liệu khác. Phân tách các lớp trong trầm tích này, cụ thể là các lớp canxit khoáng chất trắng tích tụ trên trần hangtheo chu kỳ hai năm một lần và các lớp đen do muội than từ các đám lửa trong hang để lại, các nhà nghiên cứu có thể xác định thời gian sinh sống của các tông người (hominin) với sai số một năm.

Những viên đá mài này - có thể là đầu của giáo hoặc các công cụ khác - có liên quan đến người Homo sapiens.

Dấu vết của người Homo sapiens lâu đời nhất ở châu Âu tính đến nay (đã được xác nhận bằng DNA) đến từ hang động Bacho Kiro ở Bulgaria, và có niên đại khoảng 44.000 năm.

“Thật thú vị khi thấy người Homo sapiens xuất hiện ở Tây Âu sớm hơn vài nghìn năm so với giả thuyết trước đây," Marie Soressi, nhà khảo cổ học tại Đại học Leiden, Hà Lan, cho biết. "Phát hiện này cho thấy quá trình định cư của người Homo sapiens ở châu Âu có thể là một quá trình lâu dài và trắc trở."

Nhưng một số ý kiến phản biện cho rằng chưa chắc các công cụ bằng đá và răng là do người Homo sapiens để lại. “Tôi thấy bằng chứng mới không quá thuyết phục," William Banks, nhà khảo cổ học đồ đá cũ tại cơ quan nghiên cứu quốc gia Pháp CNRS và Đại học Bordeaux, nói, và có thể có sự trùng lặp đáng kể về hình dạng của răng của người Homo sapiens và người Neanderthal.

Nguồn: