Chọn nhạc sĩ tài danh Đoàn Chuẩn làm đối tượng nghiên cứu nhưng Một thời Hà Nội hát (NXB Trẻ, 2018) của Nguyễn Trương Quý còn tiếp cận và dựng lại cả đời sống giải trí Hà Nội quãng 1947-1958.
Và nhờ những tư liệu, sự kiện, nhân vật tưởng chừng khó xâu chuỗi ấy, tác giả đã giúp người đọc hồi cố, hình dung rõ hơn về một Hà Nội hào hoa, lãng mạn, hiện đại ra sao trước khi thành phố này trở thành, nói như sử gia Philippe Papin, “thành phố cờ đỏ sao vàng”.
1. Ngay sau ngày Toàn quốc kháng chiến, 12/1946, thị dân, mà nhất là tầng lớp văn nghệ sĩ tại Hà Nội, rơi vào thế giằng co giữa “ra đi” tham gia kháng chiến kiến quốc và “ở lại” nội thành, nơi bóng hình lẫn tâm thế của một thành phố thuộc Pháp từng thấm nhiễm khá sâu văn hóa phương Tây vẫn chưa hề phai dấu. Nguyễn Trương Quý cho biết, ngay trong “buổi hoàng hôn của đô thành cũ” ấy, “các hoạt động giải trí” vẫn trở lại mau chóng, từ đua xe đạp, đấm bốc, cho đến chiếu bóng, ca nhạc.
Bất chấp có một cuộc “đối kháng rõ rệt về ý thức hệ” của hai bên “Kháng chiến” và “Quốc gia”, những bài hát tân nhạc vẫn được cất lên đây đó, xoay quanh cảm hứng chính là “lãng mạn và ái quốc”. Năm 1949, rạp Hiệp Thành quảng cáo “một cuộc trình bày âm nhạc cải cách khổng lồ chưa từng thấy. Với những danh ca tại đài phát thanh Hà thành mà bà con đã từng nghe danh tiếng”. Năm 1953, ban hợp ca Thăng Long quay lại biểu diễn ở rạp Bắc Đô các ca khúc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Hoàng Trọng và cả Văn Chung, Lê Yên, Nguyễn Xuân Khoát. Đặc biệt, cũng trong năm 1953, một cuộc thi hát diễn ra vào tháng 6, với 221 thí sinh tham gia, chia làm ba bảng.
Cho đến 1954, khi được tiếp quản, Hà Nội có 16 rạp chiếu bóng, 9 rạp hát và hơn 30 hiệu sách. Những con số không chỉ gây ngạc nhiên vì sự đa dạng của nhu cầu giải trí mà còn vì, trong một thời gian dài, sử liệu về Hà Nội kháng chiến hầu như vắng bóng những liệt kê nói lên sự “ăn chơi trụy lạc” của tầng lớp thị dân tiểu tư sản.
2. Những biến cố lịch sử đã không cho phép những con số trên tăng thêm. Cuối thập niên 1950, cùng với khó khăn chung của thời đất nước chia cắt, âm nhạc tiền chiến dần nhường chỗ cho “nhạc đỏ” và các hình thức giải trí dần thiên về bình dân hơn. Rạp Đại Đồng (mở tại 46 Hàng Cót), nơi đã có 149 bài hát được biểu diễn chỉ trong một năm (1955), cùng chịu chung số phận hưu tàn như bao rạp tư nhân khác. Đó cũng là thời điểm Đoàn Chuẩn gần như kết thúc sự nghiệp sáng tác sung sức nhất của mình, quãng 1954-1956, với 6 ca khúc giờ đây là thách thức thực sự cho nhiều giọng ca muốn thể hiện hết vẻ đẹp âm nhạc-ca từ: Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh, Vàng phai mấy lá, Chiếc lá cuối cùng, Tâm sự, Gửi người em gái miền Nam…
Đoàn Chuẩn trong cái nhìn và diễn giải của Nguyễn Trương Quý điển hình cho âm nhạc tiền chiến và rộng hơn, cho chủ nghĩa lãng mạn. Bằng lối phân tích ca từ, các biểu tượng và hình ảnh xuyên suốt, bằng thao tác xâu chuỗi sự kiện tiểu sử lẫn sự kiện xã hội, Nguyễn Trương Quý đã cung cấp một kiểu mẫu nghệ sĩ cá tính, tài năng và phụng sự hết mình cho các cảm xúc, thẩm mĩ riêng tư.
Kiểu nghệ sĩ này, thay vì dùng tác phẩm để tuyên truyền, đã chọn tiếng nói nội tâm, tình yêu và tinh thần lãng mạn làm trọng. Đoàn Chuẩn đưa chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc lên đỉnh cao và đồng thời, từ cuối thập niên 1980, khi làn gió đổi mới dần xua nhiều định kiến văn chương nghệ thuật tiểu tư sản, đã trở thành một trong những nghệ sĩ tiền chiến đầu tiên được đón chào trở lại cùng với sự hồi sinh của văn chương lãng mạn.
Di sản âm nhạc của Đoàn Chuẩn được tiếp nhận rộng rãi hơn cũng bởi vì, về cơ bản, cảm xúc cá nhân là thứ không dễ bị bóp ngẹt quá lâu. Thế hệ Nguyễn Trương Quý tìm đến Đoàn Chuẩn và tìm lại hào quang của đô thị Hà Nội xưa, xét đến cùng, cũng là minh chứng cho sự bền vững, gối tiếp của các dạng thức sinh hoạt văn hóa “tinh hoa” ngay cả khi điều kiện để duy trì nó không phải lúc nào cũng lí tưởng.
3. Nhưng cuốn sách của Nguyễn Trương Quý không phải sách tiểu sử dù anh có ý tìm kiếm tài liệu, thông tin tiểu sử Đoàn Chuẩn. Kiến thức âm nhạc cũng không phải là thế mạnh ở đây. Cuốn sách lôi cuốn, hấp dẫn chủ yếu bởi đã mô tả, ghép nối các diễn biến tâm trạng đôi khi khá phức tạp của thị dân Hà Nội trong những tình huống lịch sử ngặt nghèo.
Rất nên coi Một thời Hà Nội hát là khảo cứu dạng nhân học âm nhạc bởi yếu tố con người, tâm thế con người được tác giả chú ý phát hiện, phân tích nhiều hơn cả. Bước đi bài bản, công phu này, một lần nữa, cho thấy Nguyễn Trương Quý phần nào vượt thoát cái khung thể loại “tản văn” mà anh từng thành công, báo hiệu sự dịch chuyển tất yếu và cần thiết của lối văn chương giàu hàm lượng khảo cứu văn hóa mà văn đàn Việt gần đây bắt đầu sôi động.