Trong sự tràn lan, thậm chí bão hòa sách thực hành truyền thông dưới dạng giáo trình/lý thuyết, kinh nghiệm, kĩ năng, sự xuất hiện hiếm hoi của loại sách nghiên cứu truyền thông như “Kỹ thuật tuyên truyền trong thế chiến” của Harold D.Lasswell mang đến cho bạn đọc cơ hội tiếp cận truyền thông dưới góc độ phản biện.
Là một cuốn sách kinh điển về truyền thông, được nhà khoa xã hội quan trọng người Mỹ Harold Dwight Lasswell (1902- 1978) viết cách đây gần trăm năm, “Kỹ thuật tuyên truyền trong thế chiến” hơn cả một cuộc truy tầm về cái đã qua, lý giải về sự thành bại và nhất là sự vô nghĩa của cuộc chiến từ vai trò của hoạt động tuyên truyền của các quốc gia tham chiến - nó còn đưa ra những “nguyên tắc và phương pháp” để phân tích các diễn ngôn về chiến tranh được kiến tạo và thương thỏa trong các cuộc chiến.
Nếu truyền thông (communication) được xác định như quá trình trao đổi liên tục dẫn đến sự nhận thức, hành động chung của các chủ thể tham gia thì tuyên truyền (propaganda) có thể coi như kiểu truyền thông một chiều, có tính áp đặt bởi bộ máy chính quyền. Điều mà các hoạt động tuyên truyền nhắm đến là kiểm soát dư luận, “tâm trí của quảng đại quần chúng” bằng cách “ám thị xã hội”.
Trong cuốn sách của mình, trước nhất, Lasswell xác định hoạt động truyền thông là một trong ba khía cạnh chủ chốt của quá trình vận hành bộ máy chiến tranh bên cạnh khía cạnh quân sự (tiền tuyến) và kinh tế (hậu phương). Để duy trì sức mạnh quân đội, phải thu phục sự đồng lòng của toàn dân, nơi tạo ra của cải, khí tài, quân nhân. Tuyên truyền giữ nhiệm vụ thu phục đó, nó thúc đẩy quá trình “lặp đi lặp lại những tư tưởng” nhằm cố kết “sự đoàn kết giữa cộng đồng công dân trong một quốc gia”. Điều này đúng cả với các nước trong phe Hiệp ước (Đức- Áo- Ý) và phe Liên minh (Anh- Nga-Pháp). Nghĩa là thông qua tuyên truyền, mỗi bên đều phải chứng minh trong cuộc chiến này, mình và các đồng minh đại diện cho chính nghĩa, còn đối thủ là xấu xa. Hành động tham chiến của mình là vì mục đích bảo vệ những giá trị tốt đẹp từ quá khứ và cho tương lai. Hoạt động tuyên truyền thấm tẩm tư tưởng ấy vào từng công dân, khiến cho sự tham chiến là trách nghiệm của từng công dân, và sự hi sinh của họ nhất định là vĩ đại. “Mỗi người dân trước giờ vẫn mơ hồ về mục đích sống của mình, nhưng giờ họ đã tìm ra lý tưởng.” (tr.71)
Lasswell tập trung khảo sát hoạt động tuyên truyền ở Đức, Pháp, Anh và Mỹ. Dù đứng trước những vấn đề chung: xử lí một lượng thông tin lớn về cuộc chiến (điều gì nên tiết lộ, điều gì không, tần suất tiết lộ, mức độ tiết lộ, điều gì nên hư cấu, điều gì nên phủ định… bằng giọng điệu nào, những con đường nào….), nhưng tùy vào điều kiện và nhận thức sớm hay trễ hơn về vai trò của tuyên tuyền mà mỗi quốc gia tổ chức những bộ máy tuyên truyền khác nhau.
Trong khi Tổng thống Mỹ lập ra một Ban thông tin đại chúng ngay khi tham chiến, thì nước Anh giao việc thực hiện những hoạt động tuyên truyền cho các viên chức điều phối. Nước Đức thường xuyên tổ chức các buổi họp báo hằng tuần mà đại diện từ các bộ ngành khác nhau thay phiên chủ trì. Nước Pháp giao cho các cơ quan ngoại giao và quân đội. Điều quan trọng là các thông điệp được tuyên truyền thống nhất giữa các đồng minh, cũng như từ cơ quan đầu não đến các tuyên truyền viên - những người thực hiện việc sản xuất các sản phẩm tuyên truyền và họ có thể là nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng.
Đồng thời, Lasswell dành nhiều chương trình bày những nội dung và phương thức thường được sử dụng, cũng như các đối tượng hướng đến của các hoạt động tuyên truyền. Các chương sách lần lượt giải đáp những câu hỏi then chốt mà chiến lược tuyên truyền của mỗi bên phải trả lời: “Sự thù ghét có thể được tận dụng như thế nào để đánh bại kẻ thù? Có thể khéo léo thao túng dư luận nhằm hạ khí thế kẻ thủ ra sao? Làm cách nào để xây đắp mối quan hệ nồng ấm với các đồng minh hay các nước trung lập?” (tr.23)
Những câu trả lời có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên vì xem chừng nó cũng chẳng khác mấy lí lẽ được sử dụng trong cuộc cãi vã của hai người hàng xóm, hay các thành viên trong một gia đình bất hòa. Tôn vinh bản thân, hạ nhục đối phương, ca ngợi đồng minh, lôi kéo những người trung lập… tất cả những thao tác “thao túng tâm lí” ấy được thể hiện trên các cứ liệu từ các hoạt động tuyên truyền trong chiến tranh ở các quốc gia, dành cho từng nhóm đối tượng, dưới nhiều hình thức mà Lasswell trích dẫn, phân tích.
Lasswell còn lí giải, thành bại của chiến lược tuyên truyền không chỉ nằm ở các thông điệp, phương tiện mà các tuyên truyền viên sử dụng (báo chí, truyền đơn, thư từ xuất bản, sách nghiên cứu và cả hưu cấu, hồi kí, phim ảnh, biếm họa, tranh ảnh, ca khúc…) mà còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế.
Ở hai chương cuối có tính chất tổng kết, Lasswell chỉ ra những trở ngại ảnh hưởng đến thành công khi tiến hành các hoạt động tuyên truyền, bao gồm mối quan hệ giữa cơ quan tuyên truyền và bộ máy lập pháp, sự đa dạng của các cộng đồng dân cư trong các quốc gia tham chiến, sự phụ thuộc vào các lực lượng hỗ trợ trong xã hội, mối quan hệ của các quốc gia trong lịch sử…
Tính kinh điển của “Kỹ thuật tuyên truyền trong thế chiến” trong lịch sử nghiên cứu truyền thông một mặt thể hiện ở động cơ thực hiện nó của Lasswell: từ một sự kiện “gần đây”, viết nên một “luận thuyết” hòng diễn giải tường tận cỗ máy truyền thông thời chiến.
Ngoài ra, công trình của Lasswell còn bước đầu hướng đến sự vận dụng thao tác nghiên cứu liên ngành trong truyền thông. Ở đây, trước khối tư liệu đồ sộ, đa dạng được khảo cứu, bên cạnh thao tác nghiên cứu tâm lí học, xã hội học, chính trị học còn thấp thoáng hình bóng của thao tác phân tích diễn ngôn phê phán trong ngôn ngữ học vốn thịnh hành sau này.
Thế giới mà chúng ta đang sống đã bước sang một kỉ nguyên mới của các hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm truyền thông; quyền lực cá nhân trong việc diễn giải, thể hiện ý kiến càng có nhiều cơ hội thi triển. Hơn cả “trò chơi ám thị xã hội” trong hoạt động tuyên truyền, thông qua dữ liệu mà chúng ta vô tư trao tặng, các thông điệp, các nghĩa về thế giới đến với chúng ta theo cách toàn cầu hóa, và cá nhân hóa. Nghĩa là, một mặt chúng ta có thể tiếp cận bất cứ điều gì xảy ra trên thế giới, một mặt điều xảy ra ấy sẽ chủ động trình hiện trước chúng ta theo cách mà các phương tiện truyền thông đọc vị chúng ta. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấu đáo “tầm quan trọng của ý kiến cá nhân” và tỉnh táo trước các động cơ quyền lực của các hoạt động truyền thông mà Lasswell chỉ ra trong công trình của mình.