Sách khổ vuông, chọn lọc 85 trong hàng ngàn bức ảnh mà nghệ sỹ Nguyễn Hữu Tuấn đã chụp trong hơn ba mươi năm, từ 1987 đến 2018. Toàn là cảnh và người ở những bến đò. Nhưng không phải là một vựng tập nhiếp ảnh thông thường.

Sách có khổ 20,5 x 20,5, tuyển chọn những bức ảnh do nghệ sỹ Nguyễn Hữu Tuấn chụp trong hơn ba mươi năm, từ 1987 đến 2018.
Sách có khổ 20,5 x 20,5, tuyển chọn những bức ảnh do nghệ sỹ Nguyễn Hữu Tuấn chụp trong hơn ba mươi năm, từ 1987 đến 2018.

Tôi có cơ may được tác giả - Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Hữu Tuấn, tham vấn ngay từ khi ông thai nghén cuốn sách này, cách đây cũng đã ba bốn năm. Lúc đầu ông đặt tên sách là “Đò ơi”. Chẳng biết dịch cái tên ấy thế nào cho đúng, mà thấy ông chọn ảnh và viết lời thì rõ ràng là để kể câu chuyện về cuộc sống ở những bến đò quê hương mình, một cuộc sống rất lâu đời, rất Việt Nam, nay đang dần biến mất để chỉ còn là ký ức đáng được lưu giữ, nên tôi mới gợi ý gọi cuốn sách là “Chuyện con đò”, sang tiếng Anh là “Ferry Boat Story”. Ông đồng ý ngay cái tên tiếng Anh ấy. Còn tiếng Việt thì ông đặt là “Tiếng gọi đò”. Hay hơn hẳn: nó khiến ta nghe thấy tiếng người trong tiếng gió, tiếng sóng. Gợi ngay được quang cảnh sông nước mênh mang, với màu sắc và không khí ở mỗi thời khắc trong ngày, trong mùa… Cái ảnh ông chọn làm áo bìa chỉ là hai người đàn bà đang chờ đò, một đứng một ngồi bên chiếc xe đạp dựng vệ đường, vậy mà tôi có cảm giác như họ đang nghe thấy có tiếng gọi “Đò ơi…..” ai đó cất lên trong mênh mang trời chiều. Lạ hơn nữa, hai gương mặt phụ nữ ấy như đang chìm trong suy tưởng về những gì sâu xa hệ trọng hơn nhiều, chứ không phải chỉ sốt ruột mong con đò mau đón họ qua sông, đến hoặc về một nơi nào. Sức mạnh của nhiếp ảnh là như vậy. Ta hãy xem cả phần ảnh và phần lời của cuốn sách này có những gì đặc biệt.

Đò Kim Lan. Yên Sở 2002. Nguồn: Nguyễn Hữu Tuấn – "Tiếng gọi đò"

Về ảnh: toàn là ảnh đen-trắng. Không phải là thứ màu đen nghèo nàn chết chóc mà các hoạ sỹ Ấn tượng đã loại bỏ khỏi bảng màu hội hoạ từ đầu thế kỷ 20. Một màu đen mà tôi đoán là chỉ có phim nhựa hạng nhất mới có. Thực ra, ở phiên bản phác thảo của sách này, tác giả đã dùng toàn ảnh gốc in tráng kiểu cổ điển, đính vào các trang sách như các album ảnh kỉ niệm gia đình ngày xưa. Nhưng khi quyết định làm sách in để có thể đến tay đông đảo bạn đọc, việc làm chế bản chắc chắn đã phải rất khắt khe để có được những trang in đen trắng như thế này. Cái tôi thích nhất là không phải bức ảnh nào cũng tương phản sắc nét đến tận từng lá cây ngọn cỏ ở cảnh, từng nếp nhăn thớ vải ở người, như cách ghi nhận khách quan của ống kính hạng nhất. Cái tài của tác giả là khiến cho ống kính ghi nhận cảnh vật gần như mắt người, khiến bức ảnh không còn “khách quan” như kết quả của quy luật vật lý nữa. Tôi tin rằng từ lúc quyết định bấm máy ở khoảnh khắc nào, cho đến quá trình in tráng và xử lý chế bản in, tác giả đã có những can thiệp kỹ thuật mà chỉ ông mới quyết định được, để hình ảnh cuối cùng phản ánh đúng những cảm xúc của mình ở thời điểm bấm máy. Ai đã quá quen với phong cách nhiếp ảnh quảng cáo và du lịch lấy hiệu quả “bắt mắt” làm mục đích có thể sẽ cảm thấy phần nhiếp ảnh của sách này có vẻ nhạt nhoà. Nhưng khi đã nhẩn nha ngắm nhìn những hình ảnh đen trắng này của Nguyễn Hữu Tuấn, một nhà quay phim điện ảnh xuất sắc cả đời ở vị trí của một “đạo diễn hình ảnh”, ta sẽ bị vẻ dung dị tinh tế của chúng cuốn hút lạ lùng.

Khu du lịch Tam Cốc, Ninh Bình, 2002. Nguồn: Nguyễn Hữu Tuấn – "Tiếng gọi đò"

Về phần lời: chú thích ảnh là chữ viết tay của tác giả, dùng một loại bút mực có ngòi như bút lông, khiến những hình ảnh ấy như phập phồng hơi thở. Những trích đoạn nhật ký thì chữ in, dễ đọc nên giao đãi bình thản hơn. Ai đã đọc “Những thước phim trong suốt” của tác giả sẽ gặp lại giọng chuyện trò bình dị mà cảm động của ông trong sách này. Chú thích của ông phần lớn cũng chỉ cho ta thấy ảnh ấy chụp ở đâu, khi nào. Nhưng nhiều khi ông không nhịn được, phải thêm vài lời mô tả và ngẫm nghĩ nữa, ví dụ như “Sông Đáy mùa xuân, nước dâng cao chảy xiết, đò không qua được. Mọi người lập cầu đi tạm. Mỗi lần qua sông là một lần mạo hiểm. Đến bờ, người, xe không ngã là may.”

Có những người trong ảnh còn có tên tuổi hẳn hoi. Họ nhìn người chụp ảnh như thế nào thì từ trong trang sách họ nhìn người đọc cũng như vậy. Mà cái vẻ nhìn ấy chỉ bộc lộ ở một thời khắc mà Henry Cartier Breson gọi là “khoảnh khắc quyết định” trong nhiếp ảnh. Một trong những bức ảnh như vậy có ở trang 69, với lời chú thích viết tay, rằng “Bà Sinh ở Dốc Vân, Bắc Ninh, ngày nào cũng qua đò một lần. Khi thì gánh rơm, gánh cỏ. Khi thì khoai khoai sắn sắn. Chẳng bỏ buổi chợ nào. Sông Cầu, 2003”.

Sách còn có cả hai trang “Nhật ký dọc đường”, ghi lại những trải nghiệm xúc động đến phát khóc khi tác giả gặp được những “khoảnh khắc quyết định” đẹp đẽ, giản dị, bất ngờ và bất tận của cuộc sống. Tôi sẽ không tiết lộ câu chuyện ấy ở đây. Chỉ nhắc đến nó để bạn đọc thấy cuốn sách này đặc biệt như thế nào.

Về phần lời: chú thích ảnh là chữ viết tay của tác giả, dùng một loại bút mực có ngòi như bút lông, khiến những hình ảnh ấy như phập phồng hơi thở. Những trích đoạn nhật ký thì chữ in, dễ đọc nên giao đãi bình thản hơn. Ai đã đọc “Những thước phim trong suốt” của tác giả sẽ gặp lại giọng chuyện trò bình dị mà cảm động của ông trong sách này. Chú thích của ông phần lớn cũng chỉ cho ta thấy ảnh ấy chụp ở đâu, khi nào. Nhưng nhiều khi ông không nhịn được, phải thêm vài lời mô tả và ngẫm nghĩ nữa, ví dụ như “Sông Đáy mùa xuân, nước dâng cao chảy xiết, đò không qua được. Mọi người lập cầu đi tạm. Mỗi lần qua sông là một lần mạo hiểm. Đến bờ, người, xe không ngã là may.”
Một chú thích ảnh bằng chữ viết tay của tác giả. Nguồn: Nguyễn Hữu Tuấn – "Tiếng gọi đò"

Giở trang, xem ảnh và đọc chữ, cảm giác như đang nghe tác giả tâm tình những mẩu chuyện rất riêng tư, bằng một giọng trầm tĩnh. Những chuyến “qua sông thì phải luỵ đò” trên khắp các miền đất nước tự nhiên thành “qua sông vì trót luỵ tình” của cả tác giả và người đọc. Tác giả đã từng ngồi trên đò cả hai chuyến đi-về, cốt để nhìn thấy, nghe ra và ngửi cho được cái tôi nhỏ bé của mình trong mối giao đãi với những cái tôi khác cùng qua chuyến đò ấy, để cảm được cái Tình Đời bình dị đầy gian truân và bất trắc. Cái Đen-Trắng của sách trở thành bảng màu rất phong phú của một mối tâm giao sâu lắng và thuần khiết.

Bố cục nội dung của sách cũng có ý lắm. Mở đầu là bức ảnh con đò mảng kéo dây ở Bản Giốc, Cao Bằng, như muốn ta biết rằng tiếng gọi đò không phải chỉ là âm thanh của những vùng châu thổ sông Hồng hay đồng bằng Cửu Long. Rồi ngay sau đó là cảnh bến đò Đông Trù ngay bên Gia Lâm, Hà Nội, khiến ta thấy ngay cả những vùng đô thị cũng có những tiếng gọi đò tự thủa nào rồi. Và bức ảnh cuối sách thì là cảnh cây cầu Đông Trù, công trình qua sông thời nay đã khai tử bến đò tự ngàn xưa ở đó. Tác giả hẳn đã muối tiếc những tiếng gọi đò của tiền nhân mình lắm, nên mới cầm bút viết những lời này để kết thúc cuốn sách của mình:

Những lúc đợi đò thường không biết làm gì.
Đó là lúc hay nghĩ lại quãng đường đã qua.
Nghĩ đến những bước đường sắp tới.
Qua cầu, tốc độ rất nhanh, quá nhanh, không kịp nghĩ.
Những bức ảnh này ghi lại cái thời sống chậm.

Nhưng tôi tin rằng Nguyễn Hữu Tuấn làm sách này không chỉ vì một hoài niệm như vậy. “Tiếng gọi đò” là tình yêu quê hương sâu thẳm và tinh khiết mà ông muốn truyền tặng cho chúng ta. Nên ngay ở trang đầu tiên, ông đã kín đáo viết thế này:

Bao nhiêu dòng sông đã chảy trên đất Việt?
Bao con đò đã dệt sóng sang sông?
Làng bên sông xanh thắm bốn mùa.
Người ven sông gắng sức cùng nắng mưa.
Đã bao lần qua sông, có bao giờ không nghe thấy tiếng hát.”