Con người đã tìm cách gửi thông điệp về sự tồn tại của mình trong vũ trụ đến các dạng sống thông minh ngoài Trái đất bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ việc truyền đi các tín hiệu sóng vô tuyến cho đến những dự án phóng tàu vũ trụ mang theo đồ tạo tác của con người.
Vào đầu thế kỷ 19, nhà thiên văn học Joseph Johann Von Littrow người Áo đề xuất ý tưởng cho rằng con người nên đào các rãnh có cấu trúc hình học rộng lớn trên sa mạc Sahara ở châu Phi, đổ đầy dầu hỏa và đốt chúng lên. Việc làm này nhằm mục đích gửi một thông điệp rõ ràng đến các nền văn minh ngoài Trái đất sống ở những nơi khác trong hệ Mặt trời, đó là “Chúng tôi đang ở đây”.
Đĩa ghi làm bằng vàng gắn trên lưng tàu vũ trụ Voyager 1 và 2. Ảnh: NASA.
Ý tưởng của Von Littrow không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, rất lâu sau khi anh ấy đề xuất kế hoạch đầy tham vọng của mình, con người vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm và liên hệ với các sinh vật sống thông minh bên ngoài Trái đất [nếu họ tồn tại].
Vậy, chúng ta đã gửi những thông điệp gì cho người ngoài hành tinh?
Công nghệ phát sóng vô tuyến đã giúp con người hiện thực hóa nhiệm vụ tuyên bố sự tồn tại của Trái đất. Năm 1962, các nhà khoa học Liên Xô đã hướng một máy phát vô tuyến vào sao Kim và chào hành tinh này bằng mã Morse. Thông điệp gửi đi bao gồm ba từ: Mir (tiếng Nga có nghĩa là “hòa bình” hoặc “thế giới”), Lenin và SSSR (từ viết tắt của Liên bang Xô viết trong trong bảng chữ cái Latinh).
“Đây là thông điệp mang tính biểu tượng”, theo một bài báo được công bố trên tạp chí Sinh vật học Quốc tế (International Journal of Astrobiology) vào năm 2018. “Sự kiện này nằm trong chương trình thử nghiệm một hệ thống radar liên hành tinh hoàn toàn mới – một công nghệ gửi sóng vô tuyến vào không gian với mục đích chính là quan sát và lập bản đồ các thiên thể trong hệ Mặt trời”.
Xét về mặt khoảng cách trong vũ trụ, các nỗ lực tiếp theo của con người nhằm tiếp cận với các sinh vật ngoài hành tinh ngày càng tiến xa hơn. Năm 1974, một nhóm các nhà khoa học bao gồm Frank Drake và Carl Sagan đã truyền một thông điệp sóng vô tuyến từ Đài quan sát Arecibo – một kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ ở Puerto Rico – về phía cụm sao Messier 13 cách chúng ta khoảng 25.000 năm ánh sáng. Các hình ảnh được gửi đi ở dạng mã nhị phân mô tả hình dạng của con người, cấu trúc DNA xoắn kép, mô hình nguyên tử carbon và sơ đồ của một kính thiên văn.
“Tin nhắn gửi đi từ Đài quan sát Arecibo đã cố gắng truyền tải một bức tranh tổng quát về con người bằng ngôn ngữ toán học và khoa học”, Douglas Vakoch, Chủ tịch của tổ chức Messaging Extraterrestrial Intelligence (METI), cho biết.
Thông điệp Arecibo, theo đúng nghĩa đen, giống như một phát súng trong bóng tối. Sóng điện từ cần di chuyển quãng đường 25.000 năm ánh sáng để tới cụm sao Messier 13. “Tại thời điểm đó, người ngoài hành tinh có thể phát hiện ra tín hiệu khi nó bay vụt qua, bởi vì cường độ tín hiệu mà nhóm nghiên cứu gửi đi gấp 10 triệu lần tín hiệu vô tuyến từ Mặt trời (Mặt trời phát ra một phổ bức xạ điện từ rộng, từ tia cực tím cho đến sóng vô tuyến). Nhưng viễn cảnh này rất khó xảy ra”, Seth Shostak, nhà thiên văn học tại Viện Tìm kiếm Trí thông minh Ngoài Trái đất (SETI), nhận định.
Gần đây hơn, con người đã dùng tín hiệu vô tuyến để truyền tải mọi thứ vào vũ trụ, từ nghệ thuật cho đến quảng cáo. Năm 2008, công ty Doritos chuyên bán đồ ăn vặt phát sóng quảng cáo hướng tới một hệ mặt trời trong chòm sao Đại Hùng (Ursa Majoris), cách chúng ta khoảng 42 năm ánh sáng. Năm 2010, các nhà khoa học đã gửi vào vũ trụ thông điệp bằng tiếng Klingon [một loại ngôn ngữ được sử dụng bởi người ngoài hành tinh trong bộ phim Star Trek] nhằm mời họ tới tham dự một vở opera tại Nhà hát Zeebelt ở Hà Lan.
Không chỉ dựa vào sóng vô tuyến để liên lạc, con người cũng đã phóng tàu vũ trụ mang theo các đồ tạo tác từ Trái đất với hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ gặp được các dạng sống thông minh trong không gian giữa các vì sao.
Năm 1972, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng tàu vũ trụ Pioneer 10 vào không gian, mang theo một tấm nhôm mạ vàng có khắc hình khỏa thân của một người đàn ông, một người phụ nữ và thông tin đồ họa về nguồn gốc tàu vũ trụ. Nó có mục đích truyền đạt thông tin của con người trên Trái đất tới các nền văn minh khác ngoài địa cầu.
Năm 1977, NASA đã phóng hai tàu vũ trụ không người lái Voyagers 1 và Voyagers 2 với mục đích khám phá khu vực bên ngoài hệ Mặt trời và vùng không gian liên sao. Mỗi tàu mang theo một đĩa ghi làm bằng vàng (Golden Record) lưu trữ thông tin về các bản nhạc, âm thanh xung quanh trên Trái đất, 116 hình ảnh về hành tinh của chúng ta và hệ Mặt trời.
“Hiện nay, hai tàu vũ trụ Voyager vẫn đang di chuyển trong vùng không gian giữa các vì sao, và chờ đợi khoảnh khắc gặp người ngoài Trái đất. Nhưng khả năng để điều đó xảy ra gần như bằng không”, Sheri Wells-Jensen, nhà ngôn ngữ học tại Đại học Bowling Green State ở Ohio (Mỹ), người chuyên nghiên cứu về trí thông minh ngoài Trái đất, cho biết. “Đó là một nỗ lực dũng cảm, đẹp đẽ, thơ mộng, ngay cả khi nó không mang nhiều hiệu quả về mặt giao tiếp với người ngoài hành tinh nếu họ tồn tại.”
Các chuyên gia thừa nhận rằng, tín hiệu con người gửi đi rất khó có thể tiếp cận các nền văn minh ngoài Trái đất. Tất nhiên, kết quả đó phụ thuộc vào việc liệu có sự sống ngoài Trái đất trong hệ sao gần với chúng ta hay không. Nếu họ bắt được tín hiệu, họ cũng phải có sự am hiểu về toán học, khoa học và công nghệ để giải mã các thông điệp của con người. Cuối cùng, những thông điệp chúng ta từng gửi vào vũ trụ có xu hướng cho rằng người ngoài hành tinh cảm nhận vũ trụ theo cách chúng ta đang làm, đó là cảm nhận chủ yếu bằng thính giác và thị giác.
“Chúng ta không biết người ngoài hành tinh có mắt hay không, vì vậy họ có thể không nhìn được hình ảnh”, Anders Sandberg, nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh), nhận định.
Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những thông điệp này đều trở nên vô nghĩa. “Chúng ta đang tìm kiếm họ. Có lẽ họ cũng đang làm điều ngược lại đối với chúng ta”, Wells-Jensen cho biết. “Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất mà con người từng làm là phát đi thông điệp nói rằng chúng ta đang tồn tại trong vũ trụ”.