Cuối thế kỷ 19, bằng những nỗ lực hiện đại hóa ngành đóng tàu, luyện thép và khai thác than, Nhật Bản từ chỗ lạc hậu đã vươn lên trở thành một cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới.
Trong bối cảnh đó, Thomas Blake Glover (1838 – 1911) xứng đáng được vinh danh khi đã mang đến xứ sở này rất nhiều kỹ sư và công nghệ phương Tây, đồng thời còn đưa các samurai ra ngoài học hỏi để sau này trở thành những chuyên gia kiệt xuất trong thời Minh Trị.
Năm 1859 (thời Mạc Phủ), chàng thanh niên Glover lần đầu đặt chân tới thành phố cảng Nagasaki (phía Nam Nhật Bản) khi vừa mới 21 tuổi. Vốn là một bác sĩ hàng hải kiêm thương nhân trên tàu buôn, anh đã gia nhập và sớm trở thành trợ lý văn phòng Nagasaki của Công ty Jardine Matheson & Co., (do người Anh thành lập tại Quảng Châu năm 1832). Năm 1861, ở tuổi 23, sau khi Jardine Matheson rút khỏi Nhật (năm 1861), Glover nghiễm nhiên thừa hưởng quyền đại diện và tự thành lập một công ty thương mại của riêng mình mang tên Glover and Co.,.
Nhờ thông thạo tiếng Nhật, Glover đã được lãnh chúa Satsuma – phiên phiệt hùng mạnh ở miền Nam Kyushu (nay thuộc tỉnh Kagoshima) – đề nghị làm trung gian môi giới nhập khẩu tàu chiến phương Tây, dẫn tới sự bùng nổ của hoạt động mua bán vũ khí [trái quy định của Mạc Phủ], không chỉ tại Satsuma mà còn cho các phiên khác như Chōshū (tỉnh Yamaguchi) và Tosa (tỉnh Kōchi) ở khu vực Tây Nam Nhật Bản. Mặc dù thường bị xem là một “nhà buôn chết chóc”, nhưng bên cạnh các giao dịch chợ đen, Glover thực sự đã làm được rất nhiều khi ngầm hậu thuẫn cho các phe chính trị (phiên phiệt) cấp tiến tìm cách hạ bệ Mạc phủ, đồng thời đưa các samurai từ Satsuma và Chōshū sang phương Tây học hỏi, bất chấp lệnh cấm xuất cảnh. Một trong những thành tựu lớn nhất của Glover là đã sắp xếp cho năm chàng trai trẻ ở Chōshū bí mật đi tàu từ Yokohama đến Anh vào năm 1863, bao gồm Itō Hirobumi – sau này trở thành Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản 1885 – 1988); Inoue Kaoru – Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên; Yamao Yōzou – được xem là cha đẻ của ngành công nghiệp Nhật Bản; Endō Kinsuke – giám đốc Imperial Mint (cơ quan độc lập với chính phủ, chịu trách nhiệm sản xuất và lưu hành tiền xu, có trụ sở chính đặt tại Osaka); và Inoue Masaru – cha đẻ của ngành đường sắt Nhật Bản.
Năm 1885, khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng, Itō Hirobumi đã thúc đẩy xây dựng một nhà máy luyện thép vì mục tiêu tối hậu: “làm cho đất nước giàu có và củng cố sức mạnh của quân đội”. Năm 1901, ông cho nhập khẩu công nghệ của Đức để xây dựng xưởng thép Yawata (Yawata Steel Works) do chính phủ sở hữu tại khu vực thuộc Kitakyūshū ngày nay – có lúc còn được gọi là xưởng thép của Đại Đế chế Nhật Bản (Imperial Steel Works), một trong những công trình di sản nổi bật nhất do UNESCO công nhận.
Cuối thời Mạc Mạt, cả Shogun (tướng quân) lẫn các phiên phiệt ở miền Nam Nhật Bản đều đổ xô tìm mua tàu bè từ phương Tây thông qua những thương nhân lưu trú ở Nagasaki, tuy nhiên hầu hết đều là các tàu cũ – bị hao mòn và hư hỏng nặng do nhiều năm xuôi ngược trên khắp vùng biển Trung Hoa, dẫn đến nhu cầu cần phải sửa chữa là rất lớn. Vì thế, Glover đã hợp tác với Godai nhập khẩu các thiết bị (chủ yếu từ Anh) để xây dựng một ụ tàu chìm mang tên Kosuge có hệ thống đường trượt và các xe gòng kéo, phục vụ việc hạ thủy tàu (gồm cả những tàu rất lớn) khi có thủy triều bằng tời hơi nước (steam winches) vào năm 18691. Năm 1872, đích thân Thiên hoàng Minh Trị đã đến thăm Nagasaki và quan sát các máy tời hơi nước đầu tiên. Hiện tại, ụ tàu này vẫn đang tồn tại ở dạng nguyên bản trong một khu công nghiệp không còn hoạt động nằm đối diện với xưởng đóng tàu và máy móc của Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industry tại Nagasaki.
Mặc dù than đá đã được phát hiện trên đảo Takashima từ tận những năm 1695 và có chất lượng rất tốt, nhưng kỹ thuật khai thác khi ấy còn rất lạc hậu. Chẳng hạn, nếu đường hầm chẳng may bị tích tụ nước thì cách duy nhất là bỏ đi và kiếm một vỉa than khác để đào lại từ đầu. Năm 1868, Glover đã ký thỏa thuận với Saga (phiên phiệt quản lý Takashima) trong dự án Hokkei Well Shaft để hiện đại hóa hoạt động khai thác than tại đây – nơi đầu tiên áp dụng hình thức liên danh và công nghệ khai thác trục theo chiều dọc (vertical shaft mine) bằng máy hơi nước. Tuy nhiên, những khó khăn tài chính ban đầu đã đẩy mâu thuẫn giữa các công nhân với giới quản lý lên đến đỉnh điểm vào năm 1872, trở thành vụ tranh chấp lao động đầu tiên ở Nhật. Sau khi được chính phủ mua lại (1874) và nhờ những nỗ lực vận động của cả Glover lẫn nhà tư tưởng vĩ đại Fukuzawa Yukichi, quyền quản lý Takashima cuối cùng được chuyển sang cho Mitsubishi. Sau Chiến tranh Thế giới II, trước nhu cầu khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động khai thác tại đây lại gia tăng mạnh mẽ và đạt đỉnh cao vào năm 1968 khi có tới gần 18.000 người làm việc, nhưng dần sụt giảm bởi chính sách đa dạng hóa các nguồn năng lượng rồi chính thức bị đóng cửa từ năm 1986.
Một hiện vật khác cũng mang dấu ấn của Glover được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới là cần trục công xôn (cantilever crane) khổng lồ nằm dọc bờ cảng Nagasaki ở phía đối diện với xưởng đóng tàu Mitsubishi. Được đưa vào khai thác kể từ năm 1909, kết cấu cao chót vót (61,7 m) này chính là cần cẩu điện đầu tiên ở Nhật Bản với sức nâng tối đa là 150 tấn. Đến nay, sau hơn 100 năm, thỉnh thoảng nó vẫn còn được sử dụng để chất các tuabin và cánh quạt khổng lồ lên tàu. Chưa hết, Glover còn là người đồng sáng lập Công ty Bia Nhật Bản (tiền thân của thương hiệu Kirin ngày nay). Năm 1868, sau khi Chính quyền Minh Trị tuyên bố cải cách, một doanh nhân người Mỹ đã xây nhà máy bia đầu tiên và đưa thức uống này đến với công chúng. Nhận thấy tiềm năng, năm 1885, Glover đã hợp tác với Isono Hakaru (1857 – 1897, chủ tịch công ty nhập khẩu thực phẩm Meidi Ya) để tự sản xuất bia và tung ra thị trường sau đó 3 năm. Ban đầu, họ chọn nhãn hiệu “Larger Beer” song lại sử dụng hình ảnh con Kỳ Lân trong thần thoại Trung Quốc (Kirin trong tiếng Nhật), vốn được xem là vật mang lại may mắn, cho dễ nhớ; Sau này, Kirin trở thành tên của cả sản phẩm lẫn công ty, và hiện một tác phẩm điêu khắc Kirin vẫn đang được trưng bày trong ngôi nhà cũ của Glover ở Nagasaki – một địa điểm tham quan nổi tiếng.
Có thể nói, Nhật Bản đã không thể hiện đại hóa thành công nếu thiếu vắng sự hiện diện và đóng góp của những cá nhân như Glover – Vì vậy, bản thân người đàn ông Scotland này cũng đã được Thiên hoàng Minh Trị trao tặng Huân chương Mặt trời mọc (năm 1908) nhờ sự tiến cử của Itō và Inoue – hai trong số năm Chōshū Five mà ông từng giúp bỏ trốn đến Anh nhiều năm về trước.
Chú thích
1. Năm 1884 – 1888, người Pháp cho cải tạo Thủy xưởng Ba Son (do triều đình nhà Nguyễn xây dựng tại Sài Gòn năm 1863), và đưa vào khai thác một ụ tàu thuộc loại lớn nhất châu Á thời bấy giờ.