Trong tương lai gần, bạn có thể ăn các loại thịt khác nhau được sản xuất trong phòng thí nghiệm mà không phải giết hại động vật. Sản phẩm thịt nhân tạo có hương vị thơm ngon giống như thật, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và mang lại lợi ích cho môi trường.
Sản xuất thịt nhân tạo từ tế bào động vật
Vào đầu những năm 2000, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bắt đầu tìm cách nghiên cứu và phát triển thịt trong ống nghiệm để cung cấp thức ăn cho các phi hành gia, khi họ thực hiện những chuyến bay dài ngày trong không gian.
Tuy nhiên, thành công đầu tiên phải kể đến các mẫu thịt nhân tạo được phát triển bởi giáo sư Mark Post tại phòng thí nghiệm của Đại học Maastricht (Hà Lan) vào năm 2013. Post đã tạo ra 142 gram thịt nhân tạo từ tế bào gốc của bò để làm nhân bánh hamburger, với chi phí sản xuất khoảng 330.000 USD.
Quy trình sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm gồm nhiều giai đoạn. Trước tiên, các tế bào gốc được nuôi cấy trong môi trường dinh dưỡng, cho phép chúng sinh sôi nảy nở gấp 30 lần. Tiếp theo, chúng được kết hợp với collagen đàn hồi, và các tế bào tự sắp xếp thành những khối bắp thịt. Nhóm nghiên cứu của Post kích thích điện để các khối bắp thịt lớn lên. Cuối cùng, khoảng 20.000 sợi thịt bò nhỏ được tạo ra, với cấu trúc giống như thịt lấy từ động vật giết mổ.
Kể từ đó đến nay, đầu tư của khu vực tư nhân vào việc sản xuất thịt nhân tạo không ngừng tăng lên. Năm 2017, công ty khởi nghiệp Memphis Meats tại San Francisco (Mỹ) nhận được khoản tài trợ trị giá 17 triệu USD từ hai tỷ phú Bill Gates và Richard Branson nhằm tìm cách thương mại hóa sản phẩm thịt nhân tạo. Hiện tại, Memphis Meats đã thành công trong việc nuôi cấy nhiều loại thịt khác nhau, bao gồm thịt vịt, thịt gà và thịt bò.
Tháng 12/2018, công ty Aleph Farms có trụ sở tại Israel tạo ra món bít tết đầu tiên được làm từ thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm với chi phí sản xuất khoảng 50 USD. Khi sản xuất miếng bít tết mỏng, công ty đã vượt qua một trong những thách thức lớn của ngành công nghiệp non trẻ này, đó là phát triển một sản phẩm thịt trong phòng thí nghiệm chứa cả mô cơ và mô mỡ.
“Thịt là một mô phức tạp, không chỉ là một khối các tế bào. Nó gồm nhiều loại tế bào tương tác với nhau tạo thành cấu trúc ba chiều”, Didier Toubia, giám đốc điều hành của Aleph Farms, cho biết.
Toubia tiết lộ rằng, kết cấu và mùi vị của món bít tết do công ty Aleph Farms sản xuất giống như thật. Điều này mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Năm 2019, Aleph Farms có kế hoạch tăng kích thước của miếng thịt thành phẩm, cải thiện một chút hương vị và giảm chi phí sản xuất.
“Chúng tôi vẫn còn ít nhất hai năm để phát triển cho đến khi tạo ra được một sản phẩm thương mại. Sau đó, chúng tôi có thể sẽ mất thêm hai năm nữa để chuyển sang sản xuất trên quy mô lớn”, Toubia nói. Các sản phẩm của Aleph Farms dự kiến xuất hiện trên các kệ siêu thị vào năm 2022.
Tại Mỹ vài tháng trước, Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) và Bộ Nông nghiệp tuyên bố rằng họ sẽ cùng giám sát việc sản xuất các loại thực phẩm được nuôi cấy từ tế bào có nguồn gốc gia súc, gia cầm. Đây là một dấu hiệu cho thấy, quá trình thương mại hóa các loại thịt nhân tạo có thể không còn xa.
Lợi ích của thịt nhân tạo đối với môi trường và sức khỏe
Với mức tiêu thụ thịt toàn cầu sẽ tăng 70% trong ba thập kỷ tới và dân số thế giới dự kiến đạt 9,6 tỷ người vào năm 2050, thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ là lựa chọn thay thế cho thịt gia súc cũng như bù đắp cho các chi phí môi trường. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chăn nuôi chiếm 14,5% tổng lượng khí thải nhà kính liên quan đến các hoạt động của con người, trong đó bò là vật nuôi tạo ra nhiều khí thải nhất. Chăn nuôi cũng chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp, do đòi hỏi cả việc chăn thả và trồng trọt để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, hoạt động nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Nhưng khi các quy trình sản xuất hoàn thiện, quy mô sản xuất mở rộng và tận dụng hợp lý nguồn năng lượng tái tạo, những lợi ích môi trường của thịt nhân tạo sẽ tăng lên đáng kể, theo một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng 1/2019.
Tuy nhiên, một số người vẫn hoài nghi về việc sản xuất thịt nhân tạo có thực sự làm giảm lượng khí thải nhà kính hay không. “Cho đến khi các phân tích vòng đời sản phẩm được tiến hành đối với hoạt động sản xuất cụ thể, chúng ta không thể định lượng được những tác động môi trường của việc sản xuất thịt nhân tạo”, Carolyn Mattick, thành viên của Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ (AAAS), cho biết.
Theo các nhà khoa học, thịt nhân tạo có thể làm giảm số ca mắc bệnh do vi khuẩn Salmonella, E.coli và bệnh bò điên. Bởi vì khi thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ giảm xuống đáng kể. Ngoài ra, thịt phát triển từ tế bào không cần sử dụng kháng sinh cũng như hormone tăng trưởng – những thứ mà các nhà chăn nuôi công nghiệp hiện nay đang bị phụ thuộc. “Chúng tôi tin rằng đó là những lợi thế rất lớn nhưng ít khi được đề cập tới”, Toubia nói.
Thêm vào đó, các công ty có thể điều chỉnh một số yếu tố nhất định trong thịt để giúp nó tốt hơn đối với sức khỏe, chẳng hạn như hàm lượng muối tổng thể hoặc tỷ lệ chất béo bão hòa và không bão hòa. Họ cũng có thể thêm các loại vitamin, thay thế chất béo bão hòa bằng omega 3.
Thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không gây ra hậu quả về môi trường như chăn nuôi truyền thống. Với phương pháp mới này, lượng khí nhà kính thải ra ít hơn 96%, lượng nước tiêu thụ ít hơn 82 – 96%, đồng thời loại bỏ yêu cầu về đất chăn nuôi, theo Reuters. |