Không phải nhà khoa học vĩ đại nào mà, chính những cây bút chuyên viết chuyện khoa học như Voltaire hay Bernard le Bovier de Fontenelle mới là người định hình nên trào lưu Khai Sáng (Enlightment).

Các nhà văn như Voltaire và Fontenelle chiếm vai trò nổi bật trong thời kỳ Khai Sáng. Ảnh: Shaylyn Esposito.
Các nhà văn như Voltaire và Fontenelle chiếm vai trò nổi bật trong thời kỳ Khai Sáng. Ảnh: Shaylyn Esposito.

Đó là các câu chuyện thường được bắt đầu bằng lời khuyến cáo như sau của tác giả: “Tôi đã cố viết một cuốn sách không quá thâm thúy đối với những ai ưa phóng túng, nhưng cũng chẳng đến nỗi nhảm nhí cho người theo đuổi sự thông thái. Vì vậy, trong một nỗ lực tìm kiếm sự dung hòa và để có thể tích lũy trí tuệ của mọi tầng lớp, tôi đã chọn một hướng chẳng mấy làm quen thuộc.”

Trong cuốn Conversation on the Plurality of Worlds (Luận đàm về tính đa nguyên của thế giới) – tác phẩm ấn tượng của triết gia Pháp Bernard le Bovier de Fontenelle, best-seller năm 1686 – ra đời một năm trước Philosophiæ Naturalis Principia Mathematica (Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên) của Newton, Fontenelle đã góp phần giới thiệu một bộ phận công chúng đến với triết học Descartes và khoa học sơ khai về thế giới tự nhiên. Câu chuyện khắc họa hai nhân vật chính, một đàn ông và một đàn bà, với những thảo luận không ngừng về đặc điểm của Thái Dương hệ và cách đặt câu hỏi khoa học nhằm làm sáng tỏ các nguyên lý của tự nhiên.

Được tái bản không biết bao nhiêu lần, sự thành công của cuốn sách đã mở đường cho các nhà triết học tự nhiên (đến tận năm 1834, từ scientist vẫn chưa phổ biến), đồng thời truyền cảm hứng cho một thể loại văn chương mới: khoa học đại chúng. Cùng với những chủ đề bỗng nhiên trở thành mốt, ngày càng nhiều người dân châu Âu bị lôi cuốn vào trào lưu Khai Sáng, mở ra một hướng đi hoàn toàn mới trong nhận thức về thế giới mà thời kỳ tăm tối trước đó đã không tài nào tưởng tượng ra nổi. Thử so sánh thành công của Fontenelle với những nhà triết học tự nhiên trước đó như Copernicus (tác giả thuyết Nhật tâm trái Đất, chống lại giáo lý Nhà thờ khi tin rằng trái Đất quay quanh Mặt trời) hay Johannes Kepler (người khám phá ra nguyên lý chuyển động của các hành tinh) thì “những tác phẩm của họ, khi ra mắt thường chỉ được in khoảng 500 bản và chưa tới 50 người có thể đọc lẫn hiểu chúng” – Michael Lynn, giáo sư lịch sử tại Đại học Purdue Northwest (Mỹ) cho biết. “Ngay đến Newton sau đó cũng chỉ có khoảng 100 người hiểu được những gì ông viết.”

Thành quả của Fontenelle đã chứng minh rằng sẽ có một tầng lớp độc giả đối với những tri thức khoa học dễ tiếp cận, và các nhà văn khác gần như cũng chỉ cần đi theo khuôn mẫu đó. Bởi thế, sau ông là sự xuất hiện của một loạt những tác phẩm mới như Newtonianism for Ladies (Newton cho quý bà) của Francesco Algarotti – cuốn sách trình bày những nguyên lý của Newton theo cách khá mạch lạc; hay Bách khoa thư của Diderot và d’Alembert (The Encyclopedia of Diderot and d’Alembert) thì thảo luận về mọi thứ trên đời, từ hình học cho đến giải phẫu. Điều này dẫn tới sự nở rộ của tầng lớp có học (biết đọc, biết viết) trên khắp châu Âu, cùng với ngành in ấn. Độc giả giờ đây đã có thể tìm kiếm những tri thức đang được bàn tán, không chỉ trong sách, mà còn ở trên báo và các màn trình diễn đường phố, chẳng han để chứng minh những thuộc tính của điện. Sự tích lũy tri thức này đồng thời đã mang lại một dấu ấn nhất định, cũng như việc xem show của Bill Nye trên kênh PBS hay đọc sách của Carl Sagan hôm nay, sự hiểu biết về những gì đang diễn ra trong thế giới của khoa học tự nhiên được xem là sẽ trang bị cho con người vốn văn hóa cùng năng lực nhận thức để đưa ra quyết định sáng suốt.

Quá trình chuyển hóa này đã ghi nhận vai trò đặc biệt quan trọng của công chúng Pháp. Như tác giả Marc Fumaroli lập luận trong cuốn When the World Spoke French (Khi thế giới nói tiếng Pháp), tiếng Pháp chính là ngôn ngữ được cộng đồng học thuật quốc tế nói và đọc nhiều nhất trong thế kỷ 18. Chưa hết, một cơ sở dữ liệu do hai nhà nghiên cứu Johanthan Topham và Simon Burrows thu thập về những ấn phẩm của Nhà xuất bản Société Typographique de Neuchatel (Thụy Sĩ) trong thời kỳ này cũng chỉ ra, có tới hàng chục ngàn cuốn sách khoa học viết bằng tiếng Pháp đã được tìm mua trên khắp châu Âu – từ Anh cho đến Nga. Mặc dù vậy, “vẫn xuất hiện những tác phẩm được viết bằng các thứ tiếng khác, mang phong cách Khai sáng riêng của từng quốc gia, như Ý hay miền Bắc và Nam nước Đức” – Lynn nói.

Nhà sử học Lindy Orthia tới từ ĐH Quốc gia Australia lý giải, khoa học trở nên phổ biến không phải chỉ nhờ ngôn ngữ – mà còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và đặc thù xã hội ở từng nơi. “Trong nửa cuối thế kỷ 18 – đầu 19, Anh và Pháp thực sự là hai đế chế nổi bật nhất trên mọi lĩnh vực, trong đó có khoa học đại chúng, đặc biệt là tại London và Paris” - Orthia nói. “Nhưng khi so sánh với nhiều nơi khác, thì tác nhân nổi bật nhất tại Pháp có lẽ chính là tiến trình đô thị hóa cùng sự phát triển của các thiết chế khoa học”. Bên cạnh công chúng, các tác giả khoa học đại chúng trong thời kỳ này rất cần đến sự ủng hộ của những tổ chức như Royal Society of London (Hội Khoa học Hoàng gia London) hay Académie des Sciences in Paris (Viện Hàn lâm Khoa học Paris).

Không chỉ có Fontenelle, nước Pháp khi ấy đã sản sinh ra quá nhiều tên tuổi lớn như Émilie du Châtelet (người dịch Newton sang tiếng Pháp), nhà hóa học Antoine-Laurent Lavoisier (tạo ra một hệ thống nhận diện các kim loại) hay Nicolas de Condorcet (chủ trương sử dụng lý luận khoa học trong quản trị dân chủ) … Nhưng nổi bật hơn cả vẫn phải là François-Marie Arouet tức Voltaire – văn hào, triết gia vĩ đại này, trong suốt sự nghiệp của mình đã chắp bút hàng trăm tiểu luận, về sau được tổng hợp lại thành 70 tập sách, trong đó có nhiều trang về những công trình của Newton; chưa kể ông còn tự xây cả phòng lab riêng nhưng đã không thể tiến hành nhiều thí nghiệm.

Trong giai đoạn sau, “xu hướng chuyên môn hóa trong việc tìm kiếm chất liệu cho thể loại văn chương khoa học đại chúng ngày càng trở nên rõ nét”, đòi hỏi các tác giả cần có sự chọn lọc và tập trung vào một chủ đề cụ thể nào đó như lịch sử tự nhiên, hóa học, vật lý hoặc sinh vật – Lynn cho biết. “Xét trên khía cạnh này, Voltaire không hẳn đã là một tấm gương tốt bởi vì ông quá đa năng khi có thể viết từ lịch sử, khoa học, chuyện ngắn, thơ, kịch, thư từ cho đến phê phán khoa học – cảnh giới thăng hoa khác biệt mà rất ít cá nhân có thể đạt tới.”

Nhưng chính sự chuyên biệt hóa mà Voltaire cố tình né tránh ấy đã định hướng lại lộ trình của các nghiên cứu tương lai, và ở một chừng mực nào đó báo hiệu sự kết thúc của một nền khoa học do số đông và cho số đông. Cũng bởi tầm ảnh hưởng ngày càng mật thiết đối với giới tinh hoa chính trị và thượng lưu giàu có, rất nhiều sự hậu thuẫn được đổ vào những thiết chế khoa học hàng đầu, trong khi các cá nhân thì được khuyến khích theo đuổi những hướng chuyên biệt, dẫn tới không còn chỗ cho các phát kiến nhờ sự kết hợp của trí tò mò với thời gian rảnh rỗi theo kiểu Newton nữa. Cùng với đó là sự phân định ngày càng rõ ràng ranh giới giữa nhà khoa học (scientist) với những người chỉ đơn thuần yêu thích khoa học – nguyên tắc hiện vẫn đang chi phối các hoạt động truyền thông khoa học hôm nay, chẳng hạn việc thường xuyên theo dõi kênh “Planet Earth” hay đọc sách của Richard Dawkins là chưa đủ để giúp chúng ta trở thành nhà sinh vật học.