Không chỉ gây ra các vấn đề thể chất, tình trạng thiếu ngủ như vị ác thần có thể biến người lạc quan, dễ thương trở thành xấu tính, thô lỗ, thậm chí có các triệu chứng hoang tưởng. Các chuyên gia còn tiết lộ, rất khó để phân biệt một người bị mất ngủ hay bị trầm cảm.

Người vui vẻ trở thành cục cằn, hoang tưởng

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, các nghiên cứu về tác hại của tình trạng thiếu ngủ đối với sức khỏe con người còn rất hiếm hoi. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã có cơ hội thực tế để nghiên cứu vấn đề này khi một DJ nổi tiếng của Mỹ thời đó là Peter Tripp tuyên bố sẽ thức 200 giờ (hơn 8 ngày) liên tục để làm từ thiện trong khi vẫn dẫn chương trình trên radio theo lịch như bình thường.

Trước sự kiện này, Peter Tripp được đánh giá là một người vui vẻ, lạc quan; nhưng cùng với thời gian nhịn ngủ, tính cách của nghệ sỹ này dần thay đổi. Vào ngày thứ ba không ngủ, anh trở nên rất dễ nổi cáu, hay chửi bới và thậm chí nhục mạ cả những người bạn thân nhất của mình. Sau đó, các triệu chứng hoang tưởng xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn.

Thiếu ngủ có thể khiến chúng ta trở nên xấu cả người lẫn nết. Ảnh: Tylenol@Sleep Centre

Trong hai thí nghiệm để kiểm chứng tác động của tình trạng thiếu ngủ đến tính cách con người, các nhà khoa học thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ đã chọn 53 người trưởng thành thuộc các tộc người khác nhau, có độ tuổi từ 22-43.

Những người này được chọn sau khi trải qua hàng loạt kiểm tra y khoa cũng như được khẳng định không có tiền sử rối loạn giấc ngủ, bệnh tâm thần, không hút thuốc hay nghiện ma túy. Họ không phải làm việc ca đêm hoặc đổi ca trong vòng 6 tháng trước thí nghiệm, không đi du lịch tới những nước có múi giờ lệch 3 tiếng đồng hồ. Trong thời gian trước khi thí nghiệm diễn ra, họ không bị ốm, thiếu ngủ hay có ý định tự sát.

Tình nguyện viên kể trên tham gia cuộc thử nghiệm kéo dài 2 ngày. Theo đó, 14 người (lựa chọn ngẫu nhiên) không được ngủ và 16 người còn lại được ngủ từ 23h tới 8h sáng hôm sau.

Có 2 bài kiểm tra được đưa ra. Trong thí nghiệm có độ khó thấp (mức độ căng thẳng thấp), tình nguyện viên đếm ngược tới 2 hoặc tham gia trò gọi tên màu bản dễ (các màu phù hợp với tên gọi) trong hiệu ứng Stroop. Hiệu ứng Stroop là một công cụ trong tâm lý học thực nghiệm do nhà tâm lý học John Ridley Stroop người Mỹ phát hiện. Theo đó, sự khó khăn khi phải chú ý một cách có chọn lọc chính là bản chất của hiệu ứng này.

Trong bài kiểm tra có độ khó cao (mức độ căng thẳng lớn), tình nguyên viên thực hiện hàng loạt phép trừ bằng miệng hay bài kiểm tra nhận diện màu sắc có độ khó cao.

Bằng những đo đạc và tính toán của mình, các nhà khoa học đã rút ra một kết luận: Tình trạng thiếu ngủ đêm có thể dẫn tới stress và tâm trạng cực đoan khi đối diện với những áp lực cho dù là rất nhỏ vào ngày hôm sau. Thiếu ngủ cũng có thể khiến con người phản ứng thái quá trước những yêu cầu nhận thức nhỏ nhặt nhất, khiến họ dễ tức giận, lo lắng, có cảm giác thất vọng.

Tiến sỹ tâm lý Joyce Walseben - nguyên Giám đốc Trung tâm Rối loạn giấc ngủ thuộc Viện Bellevue, Mỹ - cho rằng thiếu ngủ có thể dẫn tới các tổn thương tâm lý bởi giấc ngủ giúp điều hòa sự vận chuyển của epinephrine, dopamine, và serotonin - những chất có liên quan tới tâm trạng và hành vi ứng xử.

Câu hỏi để ngỏ lớn nhất trong sinh học

Không giống như những chức năng cơ bản khác của con người là ăn và uống, chúng ta vẫn chưa hiểu hết lý do vì sao con người cần phải ngủ. Có khá nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng chưa thể giải thích một cách hoàn thiện về vấn đề này. Chẳng hạn, có giả thiết cho rằng ngủ là quá trình não “đóng cửa” để lưu trữ những ký ức trong ngày hôm đó. Không ít nhà khoa học lại cho rằng giấc ngủ có tác dụng điều hòa hormone trong cơ thể.

Tiến sỹ Allan Rechtschaffen - một chuyên gia về giấc ngủ và là giáo sư danh dự của Đại học Chicago, Mỹ - cho rằng “tại sao chúng ta cần ngủ” đang là câu hỏi để ngỏ lớn nhất trong lĩnh vực sinh học.

Tuy nhiên, bằng cách nghiên cứu những hình ảnh chụp não, các nhà khoa học có thể giải thích được vì sao tình trạng thiếu ngủ có thể khiến con người thay đổi tính nết, dễ dẫn tới những hành vi cảm tính giận dữ. Theo đó, khi thiếu ngủ, khu vực hạch hạnh nhân trong não - trung tâm điều khiển cảm xúc ở người - hoạt động nhiều hơn 60% so với tình trạng nghỉ ngơi đầy đủ.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận thấy sự thiếu ngủ đã khiến mối liên kết giữa hạch hạnh nhân và vỏ não trước bị gián đoạn, khiến cho chức năng của hạch hạnh nhân rối loạn. Tình trạng thiếu ngủ dường như khiến cho hạch hạnh nhân phản ứng thái quá trước những kích thích tiêu cực.

“Tâm trạng và giấc ngủ sử dụng chung những dây thần kinh vận chuyển nên khi sự liên kết giữa những dây thần kinh vận chuyển này bị gián đoạn vì mất ngủ, sự thay đổi các hóa chất trong não có thể khiến tâm trạng và hành vi diễn biến theo chiều hướng xấu. Rất khó phân biệt được một người bị mất ngủ hay bị trầm cảm” - tiến sỹ Walseban nói.