Hồ Natron ở Tanzania là nơi các loài động vật sống bị biến thành đá khi rơi xuống nước do có chứa hàm lượng natri cacbonat cao.
Độ kiềm của nước hồ Natron ở Tanzania rất cao (PH = 10,5), có thể làm ăn mòn da và mắt của những loài động vật sống quanh đó. Sỡ dĩ có độ kiềm cao như như vậy là do natri cacbonat (Na2CO3) và nhiều khoáng chất khác đã chảy vào lòng hồ từ những ngọn đồi xung quanh.
Natri cacbonat từng được người Ai Cập cổ đại sử dụng trong nghệ thuật ướp xác, vì thế đối với xác của những động vật trong hồ Natron, chất này có tác dụng bảo quản tuyệt vời. Cơ thể của những con thú khi rơi xuống hồ và chết sẽ được bao phủ bởi một lớp natri cacbonat, sau đó khô lại như tượng đá.
Mặc dù có độ kiềm cao như vậy, hệ sinh thái nơi đây vẫn phát triển rất bình thường, có cả những loài sinh vật đầm lầy, cả nước mặn lẫn nước ngọt, chim hồng hạc và các loài chim sống ở những vùng ngập nước khác. Nhiếp ảnh gia Nick Brandt đã từng ghi lại một số hình ảnh của hồ trong cuốn sách mang tựa đề "Across the Ravaged Land 2013".
“Tôi đã rất bất ngờ khi nhìn thấy hóa thạch động vật, gồm cả chim và dơi, dọc theo bờ hồ Natron. Không ai biết chính xác nguyên nhân dẫn đến những cái chết của chúng là gì. Nước ở đây có tính kiềm cao và rất mặn, nó dễ dàng làm hỏng cuộn phim Kodak của tôi chỉ trong vài giây” - Nick Brandt nói.
Natron là một trong hai hồ có độ kiềm cao nhất ở Đông Phi, hồ còn lại có tên Bahi. Cả hai đều nằm sâu trong đất liền và không giáp biển. Vào mùa khô, nước hồ Natron có thể đạt nhiệt độ cao nhất là 41 độ C. Khi đó, hơn 2 triệu con chim hồng hạc (Phoenicopterus minor) sẽ đến đây để đẻ trứng và xây tổ trên những cồn nhỏ, xuất hiện khi nước hạ xuống.
Quốc Hùng (Theo Live Science)