Tâm lí người An Nam (NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2019) của Paul Giran dễ khiến người đọc hôm nay bất đồng gay gắt, không phải vì tác giả chủ ý chỉ ra những đặc tính kém cỏi trong tính cách, tiến trình lịch sử, tri thức, xã hội và chính trị An Nam mà chủ yếu vì ông lấy đó làm sở cứ để hợp thức hóa cái nhìn thực dân xem thường các quốc gia thuộc địa.

Psychologie du Peuple annamite của Paul Giran cùng lúc vừa được Nhã Nam và Omega+ xuất bản với những lời đề cao như “một tư liệu có giá trị lịch sử, chí ít là khi đối sánh với tâm lý thực dân cai trị” (Nhã Nam) hay “một tài liệu có ích…, hòng truy nguyên căn tính của một số hiện tượng tâm lý xã hội có thể còn gây nhức nhối cho chúng ta ngày hôm nay” (Omega+).
Psychologie du Peuple annamite của Paul Giran cùng lúc vừa được Nhã Nam và Omega+ xuất bản với những lời đề cao như “một tư liệu có giá trị lịch sử, chí ít là khi đối sánh với tâm lý thực dân cai trị” (Nhã Nam) hay “một tài liệu có ích…, hòng truy nguyên căn tính của một số hiện tượng tâm lý xã hội có thể còn gây nhức nhối cho chúng ta ngày hôm nay” (Omega+).

Ngay sau những cuộc bình định lãnh thổ và chính trị nhuốm màu sắc bạo lực và súng ống, người Pháp dành khá nhiều thời gian, công sức tìm hiểu An Nam trên tất cả các phương diện. Hiểu An Nam, một mặt, để thỏa mãn tâm lí hiếu kì và tò mò “xứ lạ” mà thời đại khám phá (age of exploration), bắt đầu từ thế kỉ XIX, gieo sâu vào đầu óc các nhà thực dân chinh phục. Mặt khác, quan trọng hơn, chính quyền Pháp không muốn thiết lập một chế độ cai trị lâu dài mà không có một nền tảng tri thức đủ chắc chắn về chính dân tộc bị đô hộ. Ở nhiều mức độ khác nhau, diện mạo, tính chất của An Nam xuất hiện trong bài vở của giới kí giả; trong mô tả và phân tích của các nhà truyền giáo; trong nghiên cứu của các học giả; và trong cả các tường trình, chính sách hoạch định của tầng lớp công quyền. Vàng thau lẫn lộn, không phải tất cả những sản phẩm đó đều thuyết phục về độ chính xác khoa học và nhất là, có thể đạt tới sự thông hiểu trên tinh thần nhân văn hiện đại.

Paul Giran không mới và cũng không sai khi chọn An Nam làm đối tượng khảo cứu nhưng phương pháp của ông – phân tích tâm lí dựa trên cấu trúc nhân chủng học, địa lí và môi trường sống, lại được sử dụng một cách thô sơ và quá đà khiến các diễn giải sau đó, dù được che đậy bằng vẻ logic lập luận, vẫn không thể thoát khỏi nhãn quan thực dân khi chuyển trọng tâm nghiên cứu sang chủ đích bao biện cho quá trình cai trị, “khai hóa” của người Pháp.

Ông bắt đầu từ đặc điểm hộp sọ (“sọ ngắn”), nguồn gốc chủng tộc (“da vàng”, nhóm sắc dân “Ấn Độ-Mông Cổ”), sự lai giống (Trung Hoa và An Nam), rồi dừng lại lâu hơn ở môi trường tự nhiên (“hơi nóng và độ ẩm quá mức”), môi trường nhân văn (“mang trong huyết quản mình một phần đáng kể dòng máu của người Trung Hoa và người Mã Lai”).

Từ những dữ liệu “đại cương”, P. Giran nhanh chóng đưa ra sự khái quát về tính cách, tâm hồn An Nam: “cảm tính yếu ớt”, thái độ dửng dưng “với cái đau và với nỗ lực”, “theo thuyết định mệnh”, “không nổi trội nhờ những phẩm chất về năng lượng và về sáng kiến, về năng lực của trí tưởng tượng hay sự cao cả của tinh thần”.

P. Giran cũng nhìn ra một số điểm khả thủ của người An Nam nhưng ngay tức thì, ông phải thòng vào sự bình giá mang tính phân biệt khá hàm hồ. Chẳng hạn, ông coi biểu hiện của tính cách An Nam là “những điều người ta ghi nhận ở tất cả những dân tộc sơ khai, vào buổi bình minh của các nền văn minh”. Dĩ nhiên, ở vị trí đối đầu với An Nam, P. Giran lưu ý rằng, người An Nam hiếu chiến và “giữ mối hằn thù thâm sâu đối với bất cứ kẻ ngoại bang nào” thì phần nào đã biểu lộ thái độ e dè trong tâm trí kẻ chinh phục khi nhận ra sức mạnh phản kháng, bất tuân phục của xứ thuộc địa.

Ở đây, ta thấy, tuy không phải là một nhà dân tộc học chính hiệu nhưng P. Giran dường như đã chịu ảnh hưởng từ các quan điểm của thuyết tiến hóa văn hóa một chiều (unilineal evolution) vốn có bộ khung cơ bản từ nhân học thể chất (physical anthropology) và sinh học xã hội. Theo đó, cách chia sự tiến hóa xã hội thành ba giai đoạn như của L. H. Morgan (mông muội, man dã và văn minh – được gợi dẫn từ học thuyết Ch.Darwin về “Nguồn gốc muôn loài”, 1859), gián tiếp tạo đà cho bước chân xâm lược của chủ nghĩa thực dân.

Đặt mình vào dân tộc văn minh, vào sứ mệnh “khai hóa”, P. Giran không thể vượt qua nhược điểm chết người của thao tác phân loại, quy nạp tính cách/văn hóa An Nam vào thang bậc thấp kém, man khai. Kết quả của P. Giran, vì thế, không thực sự đem đến những hiểu biết toàn diện, kĩ càng về xã hội, con người An Nam trong tính dị biệt và đa dạng của nó. Các nhà nhân học văn hóa về sau, từ F. Boas (1858-1942) trở đi, phản đối cách tiếp cận phiến diện của thuyết tiến hóa văn hóa khi đề cao tiếng nói, cách tự nói lên của người bản xứ. Trong bối cảnh hôm nay, cách thức và mục đích khảo cứu của P. Giran sẽ trở nên rất lạc lõng vì giới khoa học nhân văn đang và sẽ cho rằng, không bao giờ có sự hơn/thua, cao/thấp mà chỉ có sự đa dạng và khác biệt ở mỗi nền văn hóa/văn minh dân tộc.

Mặc dù cuốn sách của P. Giran từng xuất hiện trong danh mục tham khảo của học giả lớn Nguyễn Văn Huyên (khi viết Văn minh Việt Nam, 1944) nhưng rõ ràng, P. Giran không thể có một sự tương xứng học thuật với các nhà nghiên cứu Pháp bấy giờ. Trong cuộc đọc hiểu Việt Nam giai đoạn giao thời, phần lớn tin cậy và có giá trị đến nay, thường gắn với H. Maspero, L. Cadière, G. Coedès, L. Finot, P. Huard, P. Gourou, Ch. Robequain, G. Doumoutier, Ch.Maybon,…

Tuy thế, cuốn sách của P. Giran, theo tôi, là một ví dụ không tồi để cảnh giác với xu hướng bám sâu chủ nghĩa dân tộc, coi dân tộc mình là trên hết. Để không sa vào bóng đen xâm chiếm và cai trị, tất yếu, phải hết sức giữ khoảng cách với cái gọi là phẩm cách/tâm lí/tâm hồn của bất kì quốc gia/dân tộc cụ thể nào.