Các nhà môi trường sẽ dùng phần tóc bỏ đi làm dụng cụ làm sạch dầu loang, còn thuốc tẩy tóc và thuốc nhuộm thì sẽ được mang đi đốt để tạo ra năng lượng. Đây là một phần trong kế hoạch giúp ngành công nghiệp làm tóc trở nên ‘xanh’ hơn.
Một thành viên thuộc Green Salon Collective đang sử dụng các bom tóc để ngăn chặn dầu loang ra các khu vực khác. Ảnh:Green Salon Collective
Trong 10 tháng qua, 550 tiệm cắt tóc trên khắp Vương quốc Anh và Ireland đã đăng ký tham gia Green Salon Collective (GSC), một sáng kiến nhằm giảm thiểu chất thải trong tiệm cắt tóc thông qua các chương trình tái chế và giáo dục.
“Tiệm cắt tóc là một trong những nguồn gây lãng phí lớn nhất trên các con phố lớn”, Paul Seaward, đồng sáng lập GSC, cho biết. “Chúng tôi rất sốc khi biết Vương quốc Anh đã tụt hậu thế nào khi giờ đây họ mới quan tâm đến tính bền vững của tiệm cắt tóc, điều này quả thật quá chậm trễ.”
Theo GSC, trước đây, khoảng 99% phần tóc bị cắt sẽ được đưa đến bãi rác, nhưng giờ đây các lọn tóc này sẽ được tái chế thành bom tóc (hair-boom) giúp ngăn chặn dầu loang. "Tóc có thể hấp thụ dầu" - điều đơn giản này đã giúp một thợ làm tóc người Mỹ tên là Phil McCroy, vào năm 1989, nảy ra ý tưởng sử dụng tóc để ngăn chặn dầu loang trên biển. Về cơ bản, bom tóc được làm từ những sợi tóc có độ dài hoặc màu sắc bất kỳ, chúng được gói chặt vào ống vải bông hoặc nylon. Các nhà môi trường sẽ đặt chúng dưới nước hoặc trên bờ biển để ngăn dầu lan rộng, tránh ảnh hưởng đến động vật hoang dã và thiên nhiên.
Vào năm nay, ở Bắc Ireland đã xảy ra một vụ tràn dầu. Không may, thủy triều dâng cao đã cuốn đi một lượng lớn dầu, loang ra những khu vực khác, nhưng các tảng đá ven bờ đã giữ một phần dầu lại, cho phép các nhà môi trường có thời gian sử dụng bom tóc để ngăn dầu không tiếp tục lan ra xa.
Bom tóc được làm từ những sợi tóc có độ dài hoặc màu sắc bất kỳ, chúng được gói chặt vào ống vải bông hoặc nylon. Ảnh: Green Salon Collective.
GSC chia sẻ thêm, cho đến nay họ đã thu được 500kg tóc, trong đó 50kg được sử dụng trong các hoạt động làm sạch dầu. Những phần tóc thừa khác được chuyển đến cho nông dân sử dụng làm phân trộn, vì nó chứa protein và nitơ tốt cho cây trồng.
Các chất tạo màu tóc và thuốc tẩy thường trôi xuống bồn gội đầu, điều này có thể gây ra rủi ro lớn, vì độc tố của chúng có thể gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm. Những tiệm cắt tóc tham gia chương trình này có thể thu gom chất thải lỏng và đưa đến cơ sở đốt nhằm phát điện cho lưới điện quốc gia.
Đề án này cũng giúp việc tái chế giấy bạc uốn/nhuộm tóc trở nên dễ dàng hơn, trước đây chỉ khoảng 1% trong số chúng được tái chế. Trong vòng 3 tháng đầu tiên của chương trình, các nhà môi trường đã tái chế thành công 2,2 tấn giấy bạc.
Karine Jackson, chủ tiệm cắt tóc Covent Garden đã gia nhập GSC vào năm ngoái, chia sẻ: “Tất cả các tiệm cắt tóc đều nên tham gia, chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí của mình. Đây mới chỉ là khởi đầu của một thứ gì đó to lớn hơn.”
Để tham gia vào chương trình, mỗi tiệm cắt tóc sẽ trả cho GSC 125 bảng Anh. GSC khuyến khích các tiệm cắt tóc thêm một khoản “phí xanh” nho nhỏ vào hóa đơn thanh toán của khách để trang trải khoản này.
Paula Todd, chủ tiệm Green Ginger ở Newcastle, cho biết: “Phản hồi rất tích cực, điều này khiến khách hàng đánh giá cao những gì chúng tôi làm.”
Những sáng kiến giúp tái chế rác thải ở tiệm làm tóc đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Kristi Lauren, chủ tiệm Pout Hair ở Úc, cho biết vào năm 2019, lượng rác thải đã được tái chế của tiệm nặng 1,25 tấn - gồm 65 túi rác đựng tóc, 115 túi rác thải kim loại, 149 túi rác thải nhựa và 117 túi rác thải giấy và bìa cứng. Lauren đã đăng ký một trong hai chương trình tái chế dành riêng cho những tiệm cắt tóc ở Úc, nơi mọi thứ từ thuốc tẩy đến chai dầu gội đầu đều được tái chế theo những cách sáng tạo.
Nguồn: