Liệu trọng nam khinh nữ – một hiện tượng phổ biến trong nhiều xã hội – là bản tính tự nhiên và bất biến của con người, hay chỉ xuất phát từ những quy ước do con người tùy tiện tạo ra? Vấn đề này đã được nhà xã hội học Pierre Bourdieu khảo cứu kỹ lưỡng trong cuốn sách “Sự thống trị của nam giới”.
Trong chương 1 của tác phẩm, Bourdieu đã đưa độc giả đến với những quan sát dân tộc học về xã hội của người Berbere – một tộc người da trắng sống ở Bắc Phi, ven bờ Địa Trung Hải.
Bản tiếng Việt của cuốn sách do Lê Hồng Sâm dịch và NXB Tri Thức ấn hành. Ảnh: NVH
Cũng như các xã hội phương Tây da trắng khác – vốn chịu ảnh hưởng từ văn hóa Địa Trung Hải thông qua các ảnh hưởng Hy Lạp, La Mã và Do Thái – người Berbere có một hệ thống ngôn ngữ và tập quán mang tính trọng nam khinh nữ, lấy nam giới làm trung tâm. Nó chia các hiện tượng trong thế giới thành những cặp đối lập xuất phát từ cặp khác biệt nam/nữ – như cao/thấp, thẳng/cong, rắn/mềm, trên/dưới, ngoài/trong, sáng/tối, khô/ẩm… Chẳng hạn, người Berbere tin rằng đàn ông đích thực phải ngẩng cao đầu, còn phụ nữ tốt phải cúi đầu e thẹn; đàn ông phải đứng thẳng, còn phụ nữ phải có đường cong; đàn ông phải cứng rắn, còn phụ nữ phải yếu mềm; đàn ông phải nằm trên khi quan hệ tình dục, còn phụ nữ phải nằm dưới; đàn ông phải ra ngoài xã hội, còn phụ nữ phải ở nhà nội trợ; đàn ông phải khô khan sáng trí, còn phụ nữ ướt át thiên về trực giác và bùa mê… Dễ thấy các cặp đối lập vừa kể đều đặt người nam vào thế mạnh, còn người nữ vào thế yếu; đặt người nam vào thế làm chủ, còn người nữ vào thế lệ thuộc.
Không khác xã hội Berbere, các nền văn minh lớn ngày nay cũng được đặt nền tảng trên thứ ngôn ngữ và tập quán tương tự – từ câu chuyện về chiếc xương sườn của Adam trong Kinh Thánh cho đến thuyết Âm-Dương ở Đông Á. Ngoài ra, các từ mô tả hành vi giao hợp trong ngôn ngữ Berbere cũng tương đồng với các từ mô tả hành vi chiếm lĩnh bằng vũ lực, hoặc được dùng làm câu chửi nhắm đến phụ nữ hoặc kẻ yếu hơn – tương tự cái cách mà từ “fuck” và “penetrate” đang được dùng trong tiếng Anh hiện đại.
Vì con người chỉ nhận thức thế giới qua ngôn ngữ, ngôn ngữ chi phối mọi hiểu biết của con người về thiên nhiên. Một ngôn ngữ hàm chứa trật tự phụ quyền không thể không khiến con người lầm tưởng trật tự đó là “hợp tự nhiên”, “hợp đạo trời”, trong khi nó chỉ là sản phẩm của những quy ước nhân tạo.
Nam giới cũng là nạn nhân của quan niệm đó: kỳ vọng của xã hội rằng đàn ông phải thể hiện sức mạnh bằng bạo lực và năng lực tình dục chính là nguyên nhân tâm lý đằng sau nhiều cuộc chiến tranh trong lịch sử, nhiều cuộc cưỡng dâm tập thể (được các nam thiếu niên thực hiện như một “nghi lễ vào đời”), và cơn sốt tiêu thụ thuốc kích dục nam giới trong cả xã hội Âu-Mỹ lẫn Berbere.
Trật tự phụ quyền được duy trì còn nhờ một lý do khác: sự bóc lột vốn biểu tượng (symbolic capital). Bourdieu cho rằng xã hội vận hành không chỉ như một nền kinh tế hàng hóa, mà còn như một nền kinh tế sản xuất, trao đổi, tích trữ vốn biểu tượng (ví dụ: danh dự của gia đình, uy tín của cá nhân hoặc đoàn thể…).
Trong xã hội phụ quyền, nam giới là người sở hữu vốn biểu tượng, còn nữ giới giống như món hàng trên thị trường biểu tượng. Chẳng hạn, tên của các dòng họ được truyền cho người thừa kế nam, và nữ giới được gả từ dòng họ này sang dòng họ kia như một món hàng trao đổi. Món hàng này không chỉ thực hiện chức năng sinh sản, mà còn gia tăng danh dự – tức vốn biểu tượng – cho hai họ; vậy nên cả cha lẫn chồng của cô gái đều đòi hỏi cô giữ gìn trinh tiết như giữ gìn giá trị của món hàng. Sau đám cưới, người nữ tiếp tục sản xuất và duy trì vốn biểu tượng cho gia đình nhà chồng bằng nhiều công việc không được trả lương – từ làm việc nhà, nấu cỗ, dạy con, cho đến chưng diện và trang hoàng nhà cửa.
Khi người nữ được quan niệm như một hàng hóa, vật sở hữu và vật trang trí của các gia đình do nam giới nắm giữ, họ không tránh khỏi bị bóc lột giá trị thặng dư biểu tượng, và rơi vào trạng thái vong thân. Sự vong thân này lại được xem là đức hạnh, khi xã hội quan niệm rằng phụ nữ tốt là người mờ nhạt, thụ động, giỏi nín nhịn. Xã hội cũng xem là đức hạnh, cái việc đàn ông bao bọc và chu cấp cho người phụ nữ “của mình”, dù lối sống này kéo dài sự lệ thuộc của nữ vào nam.
Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp và phong trào vị nữ đã đẩy lùi chế độ phụ quyền đến mức độ nào? Đầu chương 3, Bourdieu thừa nhận rằng nhờ sự gia tăng lượng phụ nữ được đi học, đi làm, được sử dụng các biện pháp tránh thai, và được ly hôn, phụ nữ trong nhiều xã hội không còn hoàn toàn lệ thuộc vào nam giới và không gian gia đình như trước.
Về mặt tư tưởng, các nỗ lực của phong trào vị nữ đã biến sự thống trị của nam giới thành một chủ đề gây tranh cãi, thay vì được xem là chuyện hiển nhiên như trước đây. Tuy nhiên, vì xã hội vẫn đang vận hành bằng các cấu trúc nhị nguyên đánh đồng khác biệt nam/nữ với đối lập mạnh/yếu, sự thống trị đó chưa mất đi, mà chỉ thay đổi hình thức.
Chẳng hạn, quan niệm rằng đàn ông là trụ cột gia đình, còn phụ nữ là nội trợ và vật trang trí, đã đặt nền tảng cho các định kiến về công việc phù hợp với nữ và nam. Trong khi nam giới được xem là phù hợp với các công việc đòi hỏi sự “cứng rắn” của “trụ cột” hoặc “tường thành” – như chính khách, lính tráng, kỹ sư, nhà khoa học tự nhiên… – thì nữ giới được xem là phù hợp với các công việc đòi hỏi sự “mềm dẻo” của người chăm sóc hoặc trang trí – như thư ký, y tá, nghệ sĩ, nhà khoa học xã hội… Khi đàn ông làm một công việc bị xã hội cho là “của phụ nữ”, thì hoặc họ bị xem là đáng xấu hổ, hoặc họ được xem là có chuyên môn hơn lao động nữ cùng nghề.
Dù đã được giải phóng khỏi gia đình, nhiều phụ nữ vẫn ở trong tình trạng vong thân, do văn hóa đại chúng và văn hóa tiêu dùng buộc họ phải cạnh tranh nhau trong việc thỏa mãn ánh nhìn của nam giới. Dưới ảnh hưởng của điện ảnh, truyền hình, các tạp chí và quảng cáo thương mại, phụ nữ tiếp tục chi nhiều tiền cho mỹ phẩm, thời trang và phẫu thuật thẩm mỹ hơn đàn ông. Những chuẩn mực thẩm mỹ gắn với váy bó, giày cao gót, túi xách đeo hờ và lớp trang điểm trên mặt… tiếp tục buộc phụ nữ giới hạn các vận động của cơ thể mình, từ đó nhập vai phái yếu trong quan hệ với đàn ông. Như vậy, cả sự phân công lao động lẫn văn hóa tiêu dùng đều đang trao cho nam giới vai trò định đoạt (do chiếm hữu công nghệ, chính trị) và phán xét (do là chủ thể của cái nhìn), đồng thời đẩy phụ nữ vào thế bị lệ thuộc, bị phán xét.
Cần làm gì để chấm dứt sự thống trị của nam giới? Ở cấp độ xã hội, Bourdieu cho rằng cả ba thể chế lớn đang tái sản xuất trật tự phụ quyền – là nhà nước, nhà trường và gia đình – đều cần xét lại, để tiến tới từ bỏ, những cấu trúc nhị nguyên phát sinh từ sự đối lập hư cấu giữa cơ thể và bản sắc của nam và nữ. Cần nhìn lại và xây dựng lại thế giới, như một không gian của các hiện tượng khác biệt được phân bổ một cách ngẫu nhiên, thay vì quy mọi khác biệt thành các cặp đối lập.
Ở cấp độ cá nhân, Bourdieu xem tình yêu như một “phép màu” đặc biệt. Nó mở ra một không gian khép kín và tự túc của riêng hai người – nơi họ thừa nhận lẫn nhau một cách vô điều kiện – từ đó giúp người nữ thoát khỏi bạo lực biểu tượng từ những người nam, và giúp người nam thoát khỏi áp lực cạnh tranh nhằm giành quyền thống trị trong trật tự của nam giới.