Phần lớn số người được hỏi đều từ chối gây ra cái chết của một người, kể cả khi điều đó giúp cứu 5 người còn lại. Lựa chọn cách này, họ sẽ được xem là đáng tin cậy hơn trong mắt người khác.
Bài toán cân não
Một toa tàu điện mất kiểm soát đang ầm ầm lao tới một nhóm 5 người. Bạn đang đứng trên chiếc cầu gần một người đàn ông to béo. Nếu đẩy người đàn ông xuống đường ray để chặn con tàu, nó sẽ dừng lại. Người đàn ông sẽ chết, nhưng đổi lại là nhóm 5 người được sống. Bạn sẽ đẩy hay không đẩy?
Trong một hoàn cảnh khác cũng với chiếc tàu điện và 5 mạng người, chỉ cần bạn bấm một chiếc nút, một cánh cửa sẽ mở ra khiến người đàn ông to béo kia ngã xuống đường ray. Bạn không cần dùng tay đẩy nhưng anh ta vẫn chết và 5 người khác được cứu sống. Bạn có dám bấm nút không?
Đây là một dạng lựa chọn mà bạn gần như chỉ gặp trong các câu chuyện giả tưởng hoặc câu hỏi cân não trong trò chơi giải trí. Nhưng các nhà khoa học đã làm thí nghiệm tâm lý một cách nghiêm túc với dạng câu hỏi này.
Họ yêu cầu 2.400 tình nguyện viên đưa ra quyết định khi buộc phải lựa chọn hoặc hy sinh mạng sống một người vô tội để cứu mạng 5 người, hoặc để mặc 5 người gặp họa sát thân để giữ lại mạng sống một người. Trong mỗi tình huống, các nhà nghiên cứu cũng đề nghị những người tham gia cho biết liệu họ thích làm bạn với ai hơn trong số những người chọn hai phương án khác nhau.
Kết quả cho thấy, đa số người được hỏi đã từ chối hy sinh một mạng người vô tội - ngay cả khi lý do làm điều đó thật sự “tốt đẹp” là giúp cho 5 người vô tội khác được sống.
Điều đặc biệt thú vị là những người từ chối hành động trên được nhiều người lựa chọn làm bạn hơn so với nhóm chọn giải pháp giết một người để cứu sống 5 người. Khi được yêu cầu thể hiện sự tin cậy với người khác bằng một khoản tiền, người tham gia đã đưa nhiều tiền hơn và tin tưởng hơn vào việc sẽ được nhận lại khi đối tác của họ thuộc nhóm “từ chối”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng những ai gặp khó khăn hơn - khi đưa ra quyết định có giết một người để cứu 5 người hay không - có xu hướng được tin cậy hơn so với người quyết định một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, khi đối tượng hy sinh trong thử nghiệm tâm lý kể trên biểu lộ mong muốn sống hoặc sẵn sàng chết, người tham gia thử nghiệm thường lựa chọn quyết định theo mong muốn của anh ta.
Đạo nghĩa luận và hệ quả luận
Trên khía cạnh hệ quả, giải pháp tốt hơn trong trường hợp này đương nhiên phải là lựa chọn làm lợi cho nhiều người nhất, chấp nhận một số thiệt hại. Trường phái này được các nhà khoa học gọi là “đạo đức hệ quả luận” (consequentialist morality). Ngược lại, trong trường phái đạo đức luân lý (deontological morality), một quyết định nhất định nào đó như giết một người vô tội luôn là không đúng - kể cả khi quyết định đó có thể giúp đỡ được nhiều người hơn.
Nghiên cứu trên đã xác nhận sự thật rằng chúng ta có xu hướng mặc nhiên theo trường phái đạo đức luân lý. Nói cách khác, phần lớn mọi người đều khư khư giữ đạo lý ngay cả khi việc đó không đem lại một kết cục tối ưu về giá trị.
Lý do đằng sau xu hướng này luôn là một câu hỏi thú vị đối với các nhà khoa học. Các tác giả nghiên cứu trên đặt giả thiết về một số quy tắc nhất định về đạo lý nằm sâu trong bản chất của con người, bắt nguồn từ quá trình tiến hóa của loài người với tư cách một sinh vật xã hội.
Theo nhà tâm lý học Jim Everett tại Đại học Oxford (Anh) - người chủ trì nghiên cứu, trong quá khứ, các quyết định dựa trên quy tắc đạo đức luân lý có thể đã đóng vai trò làm tăng tính kết nối trong nhóm người thông qua việc giúp con người tin cậy lẫn nhau.
Bởi vì những người theo trường phái đạo đức luân lý được nhiều người chọn làm bạn hơn, việc biểu lộ quan điểm đó sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho họ. Theo thời gian, xu hướng này có thể khiến cho một lối suy nghĩ trở nên phổ biến hơn trong toàn thể cộng đồng so với phương án còn lại.
“Đó là điều hợp lý. Ta thường cảm thấy ghê sợ khi nghĩ rằng một người bạn hoặc đối tác thân thiết đến một lúc nào đó vẫn dám cân nhắc lợi hại để hy sinh chính bạn mình nếu như việc đó đem lại một kết quả “tốt đẹp” hơn về giá trị tuyệt đối” - nhà khoa học Jim Everett nhận định.
Tiến sỹ Molly Crockett tại Đại học Oxford - một trong các tác giả chính của nghiên cứu - nhận định: “Chúng tôi nhận thấy rằng những người chọn cách giải quyết tuyệt đối - tức là từ chối giết một người vô tội để đạt được kết cục tốt đẹp tối ưu - được xem là đáng tin cậy hơn những người lựa chọn giải pháp linh động tốt đẹp hơn về mặt hậu quả”.
Đồng tác giả David Pizarro - Giáo sư tâm lý học tại Đại học Cornell - New York nói: “Điều này giúp giải thích tại sao chúng ta có vẻ thích những người khăng khăng giữ các quy tắc đạo lý mang tính trực giác, không phải vì họ hành xử đúng luật lệ hơn mà bởi vì bản thân các quy tắc này có xu hướng nhấn mạnh tầm quan trọng tuyệt đối của việc tôn trọng ước muốn và khát vọng của người khác”.