Mình hỏi bạn teen, thế đi làm intern – thực tập sinh có vấn đề gì. Bạn trả lời, mới đi làm có quá nhiều thứ phải học nên cảm thấy vô cùng áp lực. Bạn hỏi, nếu vậy thì người đi làm lâu rồi, quen rồi thì người ta sẽ gặp vấn đề gì.

Nhớ là đọc một bài trên Diễn đàn kinh tế về 8 vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp, có thể khiến bạn mất job như sau:

1. Over-promising & under-delivering – Hứa quá nhiều làm không xong: người mà nói cho dữ vô, làm như hay lắm, hứa lung tung rồi cuối cùng chả làm gì được hay làm không tới đương nhiên mất uy tín với đồng nghiệp, đối tác, sếp…. Cho nên cần nhớ, cái gì làm được thì hứa, không thì đừng blah blah. Mà lỡ hứa rồi thì nhớ bò ra mà làm bằng mọi cách để thực hiện lời hứa lỡ làng đó.

2. Complacency – Tự hài lòng: làm việc lâu một nơi, quen thuộc quá rồi, người ta hay rơi vào trạng thái quá thoải mái, cảm thấy không cần phải cố gắng gì nữa. Lần cuối cùng bạn chủ động học thêm một kỹ năng mới, gặp một người mới để học hỏi từ họ là khi nào? Thế giới thay đổi nhanh quá. Giờ mà cứ hưởng thụ trong vòng an toàn hiện có thì job của bạn chẳng còn tồn tại bao lâu đâu.

3. Fear of change – Sợ thay đổi: Mọi thứ trong đời, trong sự nghiệp đương nhiên sẽ thay đổi. Job của bạn trong bối cảnh 4.0 đương nhiên sẽ thay đổi. Nếu muốn còn relevant – liên quan đến thế kỷ mới, ai cũng đương nhiên cần thay đổi. Nếu bạn cảm thấy mình giỏi và đủ rồi thì cứ ngồi yên đó. Mình chờ lấy chỗ trong bảo tàng công việc nhé.

4. Having an inflatable ego – Cao ngạo: người đi qua một thành công nào đó thường dễ bị té vào cái vũng lầy cao ngạo. Khi bạn bắt đầu coi thường người khác, bắt đầu bắt mọi người phải làm theo ý của mình, trở nên dominant – lấn át người khác là lúc bạn bắt đầu đóng kín cánh cửa cơ hội tiếp theo với thế giới tương lai.

5. Losing sight of the big picture – Quên mục đích to lớn hơn: khi rơi vào trạng thái càn quét task – việc cần làm, bạn dễ để mình bị quay cuồng, làm làm làm quá trời nhưng không hiểu tại sao mình làm, làm vì mục đích gì và để đóng góp gì vào mục tiêu cuối cùng nào của cá nhân và tổ chức. Life is all about the big picture, and when you lose sight of it, everything suffers. Cuộc sống là bức tranh to lớn hơn. Khi ta bỏ quên bức tranh ấy, mọi thứ bỗng trở thành chịu đựng.

6. Negativity – Tiêu cực: loại này là tôi cấm tiệt không cho xuất hiện trong tổ chức của mình, kẻ đi gieo rắc tiêu cực. Họ phàn nàn đủ điều. Làm mọi thứ phức tạp và khó khăn hẳn lên. Khiến mọi người hoang mang, khó chịu, mệt mỏi. Nếu đang là kẻ gieo rắc tiêu cực thì ngưng lại ngay đi, vì trước sau gì bạn cũng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, khi chẳng còn ai chịu nổi.

7. Low EQ – Thiếu trí tuệ cảm xúc: người thiếu trí tuệ cảm xúc gây nhiều bất đồng, mâu thuẫn, xích mích trong tổ chức vì họ chẳng hiểu mình hiểu người, chẳng biết quản trị bản thân và quan hệ. Chuyện nhỏ sẽ bị họ xé ra thành to. Chuyện không cần thiết xảy ra bỗng biến thành vấn đề nghiêm trọng. Ai ở đó rảnh mà đi giải quyết mấy vấn đề tào lao do thiếu EQ tạo ra như thế hoài? Việc thì không làm. Toàn lo gây gổ không thì thế nào là hiệu quả công việc?

8. Playing politics – Chơi trò chính trị: trời ơi trò này trong công sở thì phải nói là kinh. Công ty càng lớn càng nhiều chức danh thì giành quyền lực đoạt lợi càng dữ và chính trị càng khủng hoảng. Có điều, khi thế giới việc làm tương lai được cấu trúc theo dự án, khi ai cũng chịu trách nhiệm và là lãnh đạo thì giành giật quyền lực để làm gì? Quản trị dự án làm không tốt, không hiệu quả thì mọi chuyện rõ như ban ngày. Không có khả năng mà chơi trò chính trị thì người ở trên ai cũng nhìn thấy cả.