Đã lâu kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, châu Âu mới lại có một sự kiện chiếm lĩnh các phương tiện truyền thông như Brexit. Nhìn lại lịch sử, cục diện hôm nay của châu lục, về cơ bản đã được định hình bởi mối liên hệ giữa ba đại cường Anh – Pháp – Đức.

Kết quả trưng cầu bất ngờ của người Anh trong tháng 6/2016 thật sự đã gây ra rất nhiều căng thẳng. Mặc dù gia nhập thị trường chung từ năm 1973 và đứng trước xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng của khu vực, người Anh vẫn lựa chọn đứng ngoài chính sách tiền tệ chung, hiến chương xã hội (social charter) và thỏa thuận di dân trong khối Schengen – một phần cũng bởi thứ văn hóa opt-outs (thích hành động độc lập) đã làm nên tính cách đặc biệt của dân tộc này. Nhưng trớ trêu thay, sự phát triển của châu Âu như một thị trường duy nhất lại chính là công trình từ tư tưởng của người Anh.

Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa dân tộc (nationalism) với chủ nghĩa siêu quốc gia (supernationalism) ở châu Âu đã bắt nguồn từ một căn nguyên lịch sử sâu xa. Trong hàng thế kỷ, trải qua bao cuộc chiến tranh, cách mạng, thay đổi lập hiến, kinh tế thăng trầm, sự nổi lên rồi suy tàn của các đế chế, tiến trình phi thực dân hóa, làn sóng di cư, hiện tượng phân ly và thế tục hóa tôn giáo cùng những thách thức tới từ bên ngoài, các quốc gia đã bị buộc phải hợp tác cùng nhau bởi không ai có thể đứng một mình.

So với các dân tộc khác, người dân ở cả Anh, Pháp và Đức đều thấm nhuần một ý thức quốc gia mạnh mẽ lẫn những viễn kiến khác nhau cho tương lai của châu Âu. Kể từ sau 1945, nếu Pháp và Đức đã xây dựng lại đế chế Charlemagne từ đống hoang tàn đổ nát chiến tranh, thì Anh lại chọn đi theo con đường hậu thuộc địa hướng Đại Tây Dương – tức gắn chặt lợi ích với Mỹ. Những thay đổi thường chỉ xảy đến khi quốc gia đang ở vào tình trạng khẩn cấp. Như năm 1990, Tổng thống Pháp François Mitterrand và Thủ tướng Đức Helmut Kohl đã cùng ký kết một thỏa thuận lịch sử đầy thực dụng, đánh đổi sự thống nhất của nước Đức với một loại tiền tệ chung và duy nhất cho châu Âu. Sau những năm đầu đầy hứa hẹn, cho thấy sự tương ứng giữa các mối ưu tiên quốc gia với liên bang, liên minh này đã gặp nhiều lúng túng bởi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, trong khi quyết định đứng ngoài của Anh dường như lại là một lựa chọn khôn ngoan.

Adam Smith (1723 – 1790) chính là cha đẻ của ý tưởng ủng hộ sự tự do di chuyển của các nguồn lực và yếu tố sản xuất trong một thị trường chung nhất. Là một nhà tư tưởng liên Âu (pan-European), Smith đã thường xuyên hiện diện tại hầu hết các salon học thuật, từ London, Paris cho đến quê nhà Edinburgh để tranh luận. Ông đã viết về châu Âu như “một quốc gia vĩ đại” và tranh luận với François Quesnay hay các nhà tư tưởng trọng nông (physiocrat) khác về hệ thống lưu thông kinh tế. Vốn là người Scotland, Smith đã nắm bắt cơ hội từ sự thống nhất với Anh Quốc (năm 1707) để phổ biến thuyết về chủ nghĩa liên bang (federalism) và giải phóng “bàn tay vô hình” (invisible hand) tại các khu vực giao thương rộng mở. Ông còn phản đối chủ nghĩa thực dân Anh thái quá và cảnh báo nguy cơ gây méo mó nền thương mại. Nền tảng này, sau đó đã được nhà kinh tế Friedrich List người Đức bổ sung để hình thành nên một liên minh thuế quan phi Smith: khu vực Zollverein (nói tiếng Đức), được thiết kế để nuôi dưỡng ngành công nghiệp non trẻ trước chế độ bất bình đẳng do thực dân Anh áp đặt.

Cùng lúc đó, trong địa hạt của tư duy lập hiến, các tác giả nổi danh khác cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một hình thức hội nhập nhằm thúc đẩy hòa bình. Đó là William Penn – người đã phản ứng với sự cực đoan của Vua Louis XIV; Charles St Pierre – soạn thảo Hiệp ước hòa bình Utrecht giúp dọn dẹp bãi chiến trường quân sự của vị “Vua Mặt trời”; hay Henri de Saint Simon – tìm kiếm các thỏa thuận lập hiến nhằm tránh khỏi một cuộc Chiến tranh Napoléon khác. Nhưng trên tất cả, Immanuel Kant (1724 – 1804) đã phác họa về “một liên đoàn các quốc gia” – nơi những nền cộng hòa châu Âu hợp tác với nhau để cùng mang lại “hòa bình vĩnh viễn”. Kant xuất thân từ vùng đất Königsberg thuộc Phổ (nay là lãnh thổ của Nga) đã dành phần lớn cả cuộc đời ở ‘trung Âu” như để nhắc nhở người Đức về sự gần gũi địa lý với khu vực phía Đông – điều báo hiệu cách tiếp cận như hôm nay của Berlin dưới thời bà Angela Merkel, một người Đông Đức. Tuy nhiên, cũng giống như Saint-Simon, quan điểm về một nền hòa bình vĩnh cửu và ý tưởng cho một liên bang của Kant được đưa ra trong bối cảnh chiến tranh Pháp – Phổ. Hay tương đồng với Smith, ông đã thâm nhập vào những tranh luận học thuật ở châu Âu, vận dụng tư duy diễn dịch trường phái Descartes với sự hiểu biết theo chủ nghĩa kinh nghiệm Anh (John Locke) nhằm mang lại bước tiến trong tư duy triết học và lập hiến. Đó chính là cơ sở cho một mô hình hội nhập của châu Âu, chí ít là trong địa hạt của “cộng hòa chữ nghĩa”.

Charles de Gaulle trong bài phát biểu trên BBC ngày 18/6/1940. Ảnh: BBC.
Charles de Gaulle trong bài phát biểu trên BBC ngày 18/6/1940. Ảnh: BBC.

Nếu Smith và Kant tiêu biểu cho những đóng góp của Anh và Phổ trong tiến trình hội nhập ở châu Âu, thì người Pháp cũng có một đại diện không kém phần vĩ đại: Charles de Gaulle (1890 – 1970), được xem là con người của hành động chứ không phải tư tưởng. Nắm quyền lực tối cao từ năm 1958 và thiết kế nền Đệ ngũ Cộng hòa theo mô hình tập trung (centralized), de Gaulle từ sớm đã tỏ ra là một “eurosceptic” (định kiến với ý tưởng Liên minh). Nhưng với những nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng lại danh tiếng của đế chế Pháp và chấp nhận xu hướng hậu thuộc địa khi trả lại độc lập cho Algeria, de Gauule đã cùng cố thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer giang rộng vòng tay ôm lấy châu Âu để kiến tạo một cộng đồng EEC thịnh vượng. Hiệp ước Elysée 1963 chính là thành tựu đỉnh cao của mối quan hệ này, tạo nên một liên minh cạnh tranh với ảnh hưởng của trục Mỹ – Anh. Chính sách ngoại giao, nền kỹ trị và nghệ thuật quản lý của Pháp khi liên minh với cỗ máy thị trường xã hội kiểu Đức đã đặt nền móng cho “30 năm vinh quang của Pháp” và giúp tăng trưởng của hai nước này vượt xa Anh – mãi đến khi Thatcher thực hiện cải tổ theo đường lối tân tự do (neo-liberalism) vào thập niên 1980, và bản thân Anh cũng được hưởng lợi nhiều từ sự tiếp xúc đầy đủ với một EEC đầy cạnh tranh.

Ngày nay, không khó để nhận ra ra di sản của Smith trong các nguyên tắc về viện trợ nhà nước, tư nhân hóa và thị trường duy nhất; hiểu biết chính trị và tư tưởng lập hiến của Kant thì đã trở thành tiền đề cho những thay đổi hiến chương ở châu Âu; còn nền tảng do de Gaulle thiết lập với hạt nhân là cỗ máy Pháp – Đức cũng tạo nên tầm ảnh hưởng không hề kém cạnh, giúp EU vận hành trơn tru thông qua các thỏa thuận phi ý thức hệ cùng sự chia sẻ quyền lực giữa Pháp và Đức – không một thủ tướng Anh nào có thể phát huy được tầm ảnh hưởng như vậy. Chính de Gaulle đã gạt người Anh ra rìa để đóng vai chân thứ ba của chiếc kiềng châu Âu – vị thế nửa tách rời mà họ đã quá quen thuộc. Trước một EU ngày càng gắn kết, nước Anh phải tranh đấu hòng tìm kiếm vai trò tương xứng với sức mạnh kinh tế và chiến lược của mình. Nhưng họ đã quá lớn để trở thành một Hà Lan hay Ý khác, trong khi vẫn nằm ngoài đồng tiền chung và Hiệp ước Élysée. Dường như đó sẽ là câu hỏi hóc búa nhất cho London trong năm 2019.