Những năm 1970, nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội người Ý Silvia Federici đã khởi xướng phong trào chống lại sự phân công lao động buộc người phụ nữ phải làm những việc nội trợ không được trả công – điều mà bà coi là nền tảng của quá trình mở rộng sự bóc lột ra toàn xã hội, ở cả những quan hệ tưởng như không có tính chất tư bản chủ nghĩa.

Silvia Federici sinh năm 1942 tại Ý, vào thời phụ nữ đi làm rất ít. Mẹ của bà, không ngoại lệ, làm việc nhà toàn thời gian, là người vợ nội trợ không được trả tiền công. Sống cạnh mẹ, bà được giáo dục về thân phận của phụ nữ trong một xã hội tư bản chủ nghĩa, hậu phát xít và chịu sự giám sát kinh tế của các nhà nước thắng trận trong Thế chiến II – một thân phận bà thức nhận từ thiếu niên là tệ hơn cả cái chết. Bà dùng học vấn của mình chống lại thân phận ấy. Bà đào luyện triết học, nhận bằng cử nhân tại Đại học Bologna năm 1965, rồi bằng thạc sĩ tại SUNY Buffalo State College, New York, Mỹ, năm 1970.

Tại New York, bà “đã trải qua một cuộc đổi đời” - như bà viết trong thư gửi tôi tháng 8/2022. Bà nghiên cứu Karl Marx, dọn đường để trở thành một học giả theo mô hình của Marx: từ chối chiêm ngưỡng thế giới, nhưng cố gắng thay đổi nó. Cuộc đời mới của bà bắt đầu ở tuổi 30 lúc bà đồng sáng lập Wages for Housework (WFH). Chiến dịch được hình thành vào năm 1972 từ buổi gặp mặt tại thành phố Padua, Ý, của nhóm các nữ học giả và nhà hoạt động xã hội để bàn về một sách lược mới cho các phong trào đấu tranh xã hội cho phụ nữ - khi đó, tỷ lệ người vợ đi làm tại các nước phương Tây vẫn thấp.

Silvia Federici (trái) trong một hoạt động của phòng trào Wages for Housework tại London, 1975. Nguồn: Keystone/Getty Images
Silvia Federici (trái) trong một hoạt động của phòng trào Wages for Housework tại London, 1975. Nguồn: Keystone/Getty Images

Động lực thực tế của chiến dịch – như bà trả lời phỏng vấn của nhà hoạt động xã hội Raia Small vào tháng Giêng năm 2015 – xuất phát từ những cuộc đấu tranh đòi phúc lợi tại Anh và Mỹ.

Tại Anh, từ năm 1940, chính phủ cấp cho phụ nữ nuôi con nhỏ một khoản trợ cấp gia đình (family allowance), không cắt vào tiền công của chồng họ. Sau khi Thế chiến II kết thúc, với áp lực phục hồi và phát triển kinh tế, chính phủ dần cắt đi khoản tiền trợ cấp ấy, cũng là nguồn tiền chủ yếu để phụ nữ giữ được sự tự chủ, không phải lệ thuộc quá mức vào người chồng.

Tại Mỹ, từng có những khoản tiền trợ cấp cho các gia đình có trẻ em phụ thuộc, cũng là khoản tiền chủ yếu của những người vợ nội trợ, rồi bắt đầu bị cắt giảm từ đầu thập niên 1970. Sự cắt giảm tại Mỹ đã tạo ra phong trào những người mẹ đòi phúc lợi (welfare mothers movement), mà thành phần cách mạng nhất là những người mẹ và người vợ da đen, phải chịu sự áp bức liên tầng chủng tộc – kinh tế.

Phản hồi của WFH trước sự đòi hỏi của thực tế xã hội là cần xác định đối tượng chính của phong trào, cũng là thành phần cách mạng nhất trong cuộc đấu tranh hướng tới xã hội chủ nghĩa: những người vợ nội trợ. Dẫu nhiều tác giả theo xã hội chủ nghĩa, chẳng hạn nhà văn Nga Maxim Gorky (1868 – 1936) với tiểu thuyết Người mẹ in năm 1906, đã tôn trọng người mẹ và người vợ nội trợ, nhưng không coi họ như thành phần cách mạng.

Tiền đề lý thuyết của WFH là bài báo in năm 1971 của một đồng sáng lập Mariarosa Dalla Costa (1943), Women and the Subversion of Community (tạm dịch: Phụ nữ và sự đảo lộn cộng đồng), giải thích sự phản kháng thân phận người vợ và người mẹ nội trợ nơi Silvia Federici từ thời thiếu niên. Mariarosa Dalla Costa định vị sự tự nhiên hóa trong phân công lao động đã buộc người phụ nữ phải làm những việc nội trợ không được trả công như nền tảng của quá trình tích lũy tư bản nguyên thủy trong các xã hội tư bản chủ nghĩa. Nghĩa là sự bóc lột truyền thống trong nhà máy đã mở rộng ra toàn xã hội, ở những quan hệ tưởng như không có tính chất tư bản chủ nghĩa.

Trong bối cảnh đó, tác phẩm nổi tiếng nhất của WFH, cũng là kinh điển của nghiên cứu về vấn đề việc nhà – Wages against Housework (tạm dịch: Tiền công không kể việc nhà) của Silvia Federici được mở đầu bằng những lời thế này: “Người ta nói đó là tình yêu. Chúng tôi gọi đó là công việc không công. Người ta nói đó là lãnh cảm. Chúng tôi gọi đó là trốn việc. Mỗi ca sẩy thai là một tai nạn lao động”. Bà khởi viết nó năm 1974, đem nói trước công chúng diện rộng, rồi in thành một quyển sách mỏng 8 trang, khổ 14 x 22 cm, tại nhà xuất bản ủng hộ chiến dịch, Falling Wall Press, vào năm 1975.

Quyển sách mỏng Wages against Housework in năm 1975. Nguồn: INT
Quyển sách mỏng Wages against Housework in năm 1975. Nguồn: INT

Nối tiếp Mariarosa Dalla Costa, Silvia Federici giải thích sự đối lập giữa công việc được trả công của những người lao động với việc nhà không được trả công của những người vợ và người mẹ nội trợ trong xã hội tư bản chủ nghĩa bà đang sống. Tiền công là sự thừa nhận rằng một người lao động đã làm việc, do đó thừa nhận người đó xứng đáng là một thành viên của xã hội. Lượng người lao động không có tiền lương – mà người vợ nội trợ là một thành phần – được coi là người thất nghiệp, không xứng đáng trở nên thành viên của xã hội. Cách duy nhất để họ được thừa nhận là phải đi vào thị trường sức lao động. Nhưng dù phụ nữ có đi làm tại văn phòng hay công xưởng, một công việc thứ hai, thì việc nhà của họ cũng không được coi là công việc.

Những người vợ, người mẹ nội trợ cảm nhận được sự kiệt quệ về sức khỏe tinh thần và thể chất của mình trong khi làm việc nhà – không thua kém những người lao động làm việc trong công xưởng hay văn phòng – thế nên họ phản kháng. Dẫu vậy sự phản kháng của họ bị xé lẻ, bị riêng tư hóa, trở thành những cuộc cãi vã giữa vợ chồng trong bếp hoặc trên giường “mà cả xã hội đồng tình bêu rếu”. Họ bị hạ thấp giá trị sức lao động, do đó bị hạ thấp nhân phẩm, coi chỉ như “những con mụ hay càm ràm” (nagging bitches). Cuộc đấu tranh của những người mẹ và người vợ nội trợ ở Anh và Mỹ trong thập niên 1970, dù không đòi hỏi tiền công nhưng đòi hỏi phúc lợi xã hội, với Federici và WFH, là một thực tế có thể tạo ra khả năng đoàn kết phụ nữ dưới một mục tiêu ngắn hạn: “tiền công cho việc nhà”.

Đòi hỏi tiền công cho việc nhà, là chống lại tiến trình tự nhiên hóa của sự phân công lao động xã hội, đã đặt vào vai người phụ nữ những việc nhà không được trả công. Đòi hỏi này đồng thời buộc xã hội phải thừa nhận việc nhà cũng là một công việc, do đó thừa nhận về mặt xã hội và kinh tế vai trò của những người vợ nội trợ. Từ những chuyện tưởng chừng rất nhỏ và hiển nhiên trong nhà bếp và trên giường ngủ ở mỗi gia đình, Wages against Housework đi tới sự xác lập một lập trường chính trị, chất vấn những dịch vụ xã hội, và quay lại câu chuyện về việc nhà. Trình tự trình bày này tự nó cho thấy việc nhà là một hoạt động quan yếu và bất biến của đời sống con người và sự thay đổi xã hội nhất thiết phải bắt đầu từ việc nhà.

Cuộc cách mạng lấy nền tảng ở sự thay đổi căn bản việc nhà của phụ nữ, với Silvia Federici, là “cách mạng ở điểm không” (Revolution at Point Zero). Xét vậy, Wages against Housework của Silvia Federici là tuyên ngôn của những phụ nữ thuộc giai cấp lao động, ra đời sau bản tuyên ngôn chung của giai cấp lao động, Tuyên ngôn Cộng sản của Marx và Engels (1848), 127 năm.

Những đòi hỏi thực tiễn và lý thuyết của Wages against Housework cho tới cuối thập niên 1970 đã không thành công. Chính phủ các nước không chấp nhận trả tiền công cho việc nhà, đồng thời cắt giảm nguồn phúc lợi gia đình tới mức thê thảm. Nhà nước Anh và Mỹ, hai đại diện tiêu biểu của các xã hội tư bản chủ nghĩa, trong thập niên 1970, đã hình sự hóa những phụ nữ đòi hỏi phúc lợi và tiền công cho việc nhà, phần nhiều là những phụ nữ da đen, rồi chân dung hóa họ như những kẻ gian trá, lười biếng và bất tài. Năm 1977, chiến dịch WFH chấm dứt.

Nhưng Silvia Federici không bỏ cuộc - bà vẫn tiếp tục các hoạt động chính trị, và mở rộng nghiên cứu tới các chủ đề khác xoay quanh vấn đề về sự tái sản xuất xã hội, trong đó có chủ đề việc nhà của phụ nữ.