Được xem là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của nền tài chính Nhật Bản hiện đại với linh hồn là các doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh, doanh nhân nổi tiếng thời Minh Trị Shibusawa Eiichi (1840 – 1931) lại không bao giờ đặt mục tiêu truy cầu lợi nhuận lên trước lợi ích cộng đồng.

Thời gian gần đây, học thuyết cổ xúy sự hài hòa giữa đạo đức với kinh tế của Shibusawa lại có dịp hồi sinh mạnh mẽ, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi các tập đoàn toàn cầu đang rất cần tự vấn về chính sách chỉ tập trung theo đuổi lợi nhuận trong ngắn hạn để làm an lòng các cổ đông.

Shibusawa Eiichi và những con búp bê tượng trưng cho tình hữu nghị Mỹ – Nhật. Ảnh: Nippon.
Shibusawa Eiichi và những con búp bê tượng trưng cho tình hữu nghị Mỹ – Nhật. Ảnh: Nippon.

Là con trai trưởng, sinh ngày 13/2/1840 trong một gia đình phú nông ở làng Chiaraijima (một phần của Fukaya, tỉnh Saitama ngày nay), ngay từ sớm Shibusawa đã bộc lộ nhãn quan kinh doanh nhạy bén với sản phẩm thuốc nhuộm chàm gia truyền. Từ năm lên 7 tuổi, ông bắt đầu học lịch sử cùng các kinh điển Trung Hoa dưới sự chỉ dạy của người anh họ Odaka Junchū – sau này đứng đầu Tomioka Silk Mill (một nhà máy dệt hiện đại đầu tiên ở Nhật do Shibusawa giúp thành lập). Ở tuổi đôi mươi, ông chuyển tới Edo (nay là Tokyo) giữa thời kỳ bùng nổ và học với nhiều thầy khác nhau, trong đó có nhà Nho học nổi tiếng Kaiho Gyoson và võ sư Chiba Michisaburō – người điều hành học viện kiếm đạo (kendo) Genbukan rất có ảnh hưởng thời ấy.

Năm 1867, Shibusawa lần đầu đến châu Âu với tư cách là một thành viên trong phái đoàn của tướng quân (shogune) Yoshinobu do Tokugawa Akitake (em trai của Yoshinobu) dẫn đầu tham dự Hội chợ Triển lãm Thế giới Paris. Sau đó, ông đã không về Nhật ngay mà dành hẳn một năm rưỡi đi thăm thú khắp Cựu Lục địa để tận mắt quan sát hệ thống kinh tế – xã hội của các cường quốc phương Tây. Khi trở lại Nhật, Shibusawa vẫn tiếp tục phục vụ tướng quân và đi theo gia tộc Tokugawa khi họ phải chuyển tới phiên Shizuoka đầu thời Minh Trị (1868-1912). Bằng những gì học được trong các chuyến viễn du hải ngoại, ông đã thành lập nên Shōhō Kaisho – một trong những công ty cổ phần đầu tiên ở Nhật. Tài năng kinh doanh của Shizuoka đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của chính quyền mới khi ông nhận lời đề nghị gia nhập Bộ Tài chính. Trở thành công chức và nắm giữ một số cương vị quan trọng, ông đã góp công lớn trong việc hoàn thiện nền tảng pháp lý cho nền tài chính cùng hệ thống các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đại.

Năm 1873, sau khi rời chính phủ, Shibusawa đã dồn hết năng lượng và tri thức (know-how) cho các doanh nghiệp tư nhân khi giúp đỡ thành lập và điều hành khoảng 500 công ty cổ phần trong suốt cuộc đời. Một trong những di sản vững chãi nhất của ông chính là Ngân hàng Quốc gia Đệ nhất – tiền thân của đế chế Mizuho khổng lồ. Trong lúc được xưng tụng là một doanh nhân thành đạt, Shibusawa lại đặc biệt tin vào mối quan hệ không thể tách rời giữa đạo đức với kinh doanh, để từ đó có những đóng góp thiết thực nhằm củng cố một xã hội thịnh vượng. Cụ thể, ông đã tham gia khoảng 600 tổ chức và thường xuyên hoạt động nhân ái, chăm lo cho giáo dục, phúc lợi cộng đồng và kiên định cho đến tận khi qua đời năm 1931 ở tuổi 91.

Sống trong giai đoạn giao thời đầy rẫy những biến động, ban đầu Shibusawa chịu ảnh hưởng và ủng hộ tâm lý bài trừ ngoại bang, song nhờ sớm nhận ra xu thế của thời cuộc, ông đã chuyển sang học hỏi và nắm bắt cốt lõi của tư tưởng phương Tây. Việc Shibusawa quyết định gia nhập chính phủ Minh Trị, một phần cũng là để chấm dứt chế độ phong kiến Mạc Phủ mà ông đã từng phục vụ. Sự chuyển hóa này, mặc dù rất khó để được chấp nhận bởi các nguyên tắc Á Đông cứng nhắc, nhưng Shibusawa trên thực tế lại là một người cực kỳ kiên định. Cả cuộc đời ông đã cống hiến không ngừng nghỉ chỉ để phục vụ cộng đồng, biết thỏa hiệp khi cần thiết và đặt lợi ích lâu dài của cả xã hội lên trên ước vọng cá nhân.

Không thể không nói tới sự tri ân mà Shibusawa đã dành cho chủ cũ. Dù là một nhà cách tân nhưng ông luôn tin rằng ngay cả khi đã chuyển sang một lộ trình mới thì quốc gia vẫn cần phải gìn giữ các di sản của quá khứ. Tự ông đã tài trợ cho công việc biên soạn cuốn tiểu sử của Yoshinobu (vị shougun cuối cùng) và xuất bản sau một phần tư thế kỷ (năm 1918). Thứ nữa, ông còn liên tục tranh đấu nhằm khôi phục lại danh dự cho tướng quân, thúc giục chính quyền Minh Trị chào đón ông trở lại (năm 1902) và phong cho danh hiệu công tước sau nhiều năm ẩn dật.

Một di sản rõ nét nhất của Shibusawa trong các nỗ lực vì cộng đồng chính là Tokyo Yōikuin – cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi, hỗ trợ người già và người khuyết tật ở thủ đô, nơi ông đã giữ cương vị giám đốc suốt hơn một nửa thế kỷ cho tới khi qua đời (1876 – 1931). Tokyo Yōikuin thực sự đã có ảnh hưởng rất quan trọng đến nhận thức của Shibusawa. Ban đầu, khi hăng hái tham gia thành lập các doanh nghiệp, ông đã tin rằng một nền kinh tế vững mạnh sẽ nuôi sống được tất cả mọi thành phần trong xã hội, song thực tế thì hoàn toàn ngược lại bởi tình trạng bất bình đẳng leo thang đã khiến ngày càng nhiều người bị bỏ lại phía sau, kéo theo nhu cầu phúc lợi tăng vọt. Bản thân Shibusawa cũng đã tận mắt chứng kiến mặt tối của những đại công ty – điều thôi thúc ông hỗ trợ cho các sáng kiến nâng đỡ cộng đồng. Vì thế, mặc dù nổi tiếng với công lao thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nhật, ông lại không hề muốn gọi nó bằng cái tên như thế mà hay sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa tập thể (collectivism).

Bên cạnh Tokyo Yōikuin, Shibusawa còn tham gia một loạt các tổ chức y tế và phúc lợi khác, trong đó có Hakuaisha – tiền thân của Hội Hồng thập tự Nhật Bản. Sau trận động đất kinh hoàng ở Kantō năm 1923 (phá hủy gần như toàn bộ Tokyo), ông đã thành lập và điều hành một tổ chức mới, kêu gọi người dân, nhất là các doanh nghiệp tư cùng đóng góp vào công cuộc cứu trợ, tái thiết. Ngoài ra, Shibusawa còn đặc biệt quan tâm đến sứ mệnh giáo dục, nhất là tầm quan trọng của tri thức kinh doanh và việc trang bị học vấn cho phụ nữ. Chính ông đã sáng lập nên ngôi trường chuyên về thương mại đầu tiên của Nhật Bản – sau trở thành Đại học Hitotsubashi danh tiếng, bên cạnh nhận đứng đầu và bảo trợ cho trường Nữ sinh Tokyo Jogakkan và ĐH Nữ Nhật Bản.

Đại học Hitotsubashi chuyên về thương mại đầu tiên ở Nhật do Shibusawa sáng lập. Ảnh: Hitotsubashi University.
Đại học Hitotsubashi chuyên về thương mại đầu tiên ở Nhật do Shibusawa sáng lập. Ảnh: Hitotsubashi University.

Chưa hết, Shibusawa còn ghi lại dấu ấn trong lĩnh vực ngoại giao khi đã tạo ra ảnh hưởng quan trọng trong việc thúc đẩy hàn gắn mối quan hệ Mỹ – Nhật sau một giai đoạn rạn nứt vì Chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905, Nhật chiến thắng nhưng lại bị phương Tây tẩy chay). Năm 1927, trước nạn phân biệt đối xử ngày càng trầm trọng đối với người Nhật nhập cư, Ủy ban Hữu nghị Trẻ em Thế giới tại Mỹ (World Friendship Among Children) đã gửi 12.000 búp bê tượng trưng cho tình bạn do người dân trên cả nước quyên tặng đến Nhật; và với tư cách là chủ tịch chi hội Nhật Bản, Shibusawa đã thay mặt người dân nhận món quà rồi gửi tặng lại 58 búp bê truyền thống.

Sau cùng, có thể nói rằng Shibusawa đã sống một cuộc đời vĩ đại và đầy ý nghĩa với di sản vững chắc không phải ở những thành tựu trong kinh doanh, mà là từ chủ nghĩa nhân văn và một trái tim đầy lòng vị tha và trắc ẩn.