Ở tuổi 85, GS Pierre Joliot - cháu ngoại của Marie Curie - xuất bản một cuốn sách dành cho trẻ em tên Nghiên cứu khoa học là gì?*

Cuốn sách còn giúp người đọc khám phá những câu chuyện thú vị về gia đình Marie Curie và hiểu biết hơn về lược sử nghiên cứu khoa học từ đầu thế kỉ 20 đến nay.
Cuốn sách còn giúp người đọc khám phá những câu chuyện thú vị về gia đình Marie Curie và hiểu biết hơn về lược sử nghiên cứu khoa học từ đầu thế kỉ 20 đến nay.

Pierre Joliot là nhà sinh vật học lớn. Cuốn sách Nghiên cứu khoa học là gì? thể hiện quan điểm của ông về nghiên cứu khoa học, dưới hình thức các câu hỏi và trả lời ngắn gọn, dành cho đối tượng trẻ em. Giải thích về công việc nghiên cứu cơ bản của mình, ông trả lời, nó “có mục đích chính là sự hiểu biết về những hiện tượng và thực tế mà người ta quan sát được trong tự nhiên”.

Nhưng tại sao con người lại muốn biết về những điều chưa biết? Marx giải thích động lực này ở thực tế lao động, từ góc độ con người là “tạo vật sản xuất”. Giải thích của Marx hoàn chỉnh nhưng không phải duy nhất đúng. Trong cuốn sách của mình, Pierre Joliot đưa ra một gợi ý để giải thích bằng việc hình dung người nghiên cứu như đứa trẻ thích táy máy đủ thứ. Xét theo cách tiếp cận này thì niềm tin của xã hội cho rằng trẻ em là một tạo vật chưa phát triển đủ, không thể hiểu nổi những chuyện phức tạp như nghiên cứu khoa học và nghệ thuật, là không thỏa đáng. Marie Cuire cũng được Pierre Joliot trích dẫn lại: “Trong đời sống, không có gì phải sợ. Mọi chuyện phải tìm hiểu”.

Pierre Joliot còn thử lý giải điểm chung giữa nhà khoa học và nghệ sĩ: họ đều đi tìm những điều mà loài người chưa biết, chưa giải thích được, ngay trong những lĩnh vực có vẻ ít quan trọng nhất; và đều là những người dũng cảm, dám chấp nhận thất bại hoặc chệch hướng. Khi nghỉ hưu, ông cho mình quyền lãng phí thời gian. “Và khi tự cho mình cái quyền ấy, tôi nhận ra rằng tôi còn khả năng tìm thấy và làm sáng tỏ những hiện tượng mới mà trước kia tôi hoàn toàn không nghĩ tới. Nếu tôi còn chứng minh được tính độc đáo, thì không phải do tôi là một nhà nghiên cứu thiên tài đâu, mà chỉ là tôi có thời giờ và khả năng đi bằng những lối tắt”.

Người đàn ông dũng cảm tin ở tính không thể đoán trước của khoa học, do đó ông vẫn đến phòng nghiên cứu mỗi ngày để chuẩn bị và chờ những hiện tượng ngẫu nhiên sẽ xuất hiện. “Ngẫu nhiên có thể đặt bạn trước một hiện tượng bất ngờ, mà bạn hoàn toàn không dự đoán. Điều quan trọng là người nghiên cứu không khép mình trong những ý tưởng có sẵn, mà dựa vào đó anh ta làm việc. Nguy cơ là anh ấy không sẵn sàng phản ứng trước điều không chờ đợi để đổi hướng công việc. Những nhà phát minh lớn biết lợi dụng ngẫu nhiên và may mắn khi gặp chúng.”

Là con cháu của những nhà khoa học vĩ đại, Pierre Joliot không đặt cho mình áp lực phải vượt qua họ. Ông mở đầu sự nghiệp khoa học lớn bằng việc nghiên cứu độc lập hiện tượng quang hợp ở lá cây, chấp nhận không được biết đến bởi vấn đề đó không được giới học giả bấy giờ quan tâm. Nhưng giống như một đứa trẻ đang chơi, ông tìm thấy niềm vui không phải ở chỗ được ai đó công nhận mà ở bản thân quá trình nghiên cứu. Nếu những ngày cuối đời, sự ngẫu nhiên xuất hiện và ông bắt đầu cuộc đời mới, thì tin rằng ông trước sau vẫn chấp nhận không được biết đến, bởi với ông, thành công không đồng nghĩa được công nhận.

Chú thích: * Hà Dương Tường dịch, NXB Kim Đồng, 2019.