Mang đậm màu sắc, không khí âm nhạc Broadways cùng công thức truyền thống Walt Disney khi “kết hợp niềm vui, trí tưởng tượng say sưa của thời thơ ấu với nỗi buồn”, bộ phim Mary Poppins trở lại (Marry Poppins Returns) đang gây rất nhiều sự chú ý và gặt hái mưa ngợi khen từ giới phê bình toàn cầu.
Năm 1964, nước Mỹ ở vào thời khắc rối ren nhất khi tin tức về những cuộc biểu tình đòi cải cách xã hội của giới trẻ (thế hệ tin tưởng nhiệt thành vào giá trị của tình yêu, hòa bình, công lý như John Lennon, Bob Dylan, Pink Floyd …) liên tục tràn ngập các mặt báo. Cũng trong tháng 8 cùng năm, bộ phim Mary Poppins – lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên (bao gồm 8 tập) viết cho thiếu nhi của nhà văn Anh Pamela Lyndon Travers – do Walt Disney sản xuất, đã được ra mắt, công chiếu tại nhiều cụm rạp trên toàn quốc và thu được thành công ngoài sức tưởng tượng, một phần cũng nhờ diễn xuất tuyệt vời của Julie Andrew (ngôi sao sân khấu đình đám) trong vai nữ chính.
Mở đầu bộ phim là hình ảnh ấn tượng của Dick Van Dyke trong vai Bert – anh chàng làm nghề quét ống khói – đứng lặng người và hát trong cơn gió thổi: “Wind’s in the East, mist’s coming in. Like somethin’ is brewing, about to begin” (Gió đằng Đông thổi, mây mù kéo đến, như thứ gì đó tích tụ, đang bắt đầu bùng phát). Mang phong cách của đạo diễn Robert Stevenson lừng danh, Mary Poppins phiên bản 1964 là sự kết hợp tài tình giữa các cảnh hoạt hình với những điệu nhảy live-action ly kỳ, đã giành tới năm giải Oscar, bao gồm cả hạng mục Best Original Musical Score cho nhạc phim hay nhất.
Trong nguyên tác của P.L. Travers, cô bảo mẫu Poppins bí ẩn – với nhiều phép màu kỳ diệu – tới sống cùng gia đình Banks khá giả ở London trong giai đoạn giao thời (giữa hai thế kỷ), với các thành viên đang phải tự mình thích nghi với những đổi thay của xã hội. Đó là bà mẹ dấn thân với phong trào đấu tranh cho nữ quyền, trong khi người cha lại vật lộn để duy trì vai trò và quyền uy truyền thống của giới thượng lưu do đàn ông thống trị, theo kiểu “tôi là chủ nhân tối cao ở gia đình này”. Chính Poppins đã xuất hiện kịp thời, giúp nhà Banks kiểm soát hiệu quả những mâu thuẫn, trong một sự cân bằng hoàn hảo, vừa nghiêm túc lại vừa vui vẻ.
2018 đối với nước Mỹ cũng là một năm chứa đầy bất ổn về mặt chính trị với nhiều làn sóng phản đối nổ ra ở khắp mọi nơi. Vì thế, sự trở lại ngọt ngào của Poppins trong tuần lễ Giáng sinh (như lời bài hát Spoonful of Sugar của bản 1964) đích thực là một món quà đầy ý nghĩa mà Walt Disney giành cho khán giả. Với sự tham gia của Emily Blunt trong vai Poppins, Lin-Manuel Miranda (nổi tiếng với vở nhạc kịch Hamilton) vai Jack, cùng với Meryl Streep và Colin Firth, cốt truyện phim chuyển sang xoay quanh thế hệ tiếp theo của gia đình Banks với những đứa trẻ giờ đã trưởng thành: Jane (Emily Mortimer đóng), một nhà tranh đấu cho quyền lợi của người lao động; và Michael (Ben Whishaw đóng), một người cha đơn thân đau buồn sau cái chết của vợ, một nghệ sĩ không mấy thành công cảm thấy bất mãn với cuộc sống, để rồi luôn tự hỏi về định nghĩa của một người đàn ông truyền thống. Như tiếng hát của Bert trong bản gốc: “I feel what’s to happen, all happened before” (Tôi cảm thấy điều sắp diễn ra, cũng như tất cả những gì trước đó), khiến bộ phim càng như được cộng hưởng với âm điệu của sự nhàm chán (déjà vu).
Khi còn đương thời, trước sự tò mò của công chúng, những người muốn đi tìm ẩn ý đằng sau nội dung các bộ phim và thời điểm công chiếu, Walt Disney – ông trùm của đế chế mang tên mình – đã từng nhiều lần phát biểu: “Tôi chỉ làm những bộ phim vì mục đích giải trí, và rồi sau đó các nhà phê bình mới nói cho tôi biết chúng có ý nghĩa gì”. Trong số các nhà phê bình, Neil Gabler – một cây bút chuyên viết tiểu sử – đã đặc biệt nhấn mạnh rằng Disney (chỉ người đàn ông phi thường lẫn công ty của ông) sở hữu một năng lực kỳ lạ (như kiểu phép thuật) khi hết lần này tới lần khác, dù vô tình hay hữu ý, đã “chạm” tới đúng “cảm xúc” của xã hội trong những thời khắc rất Mỹ (American moments). Lấy ví dụ, bộ phim hoạt hình ngắn Ba chú lợn con (Three Little Pigs) phát hành ngày 27/5/1933 – truyền tải thông điệp về niềm tin vào đạo đức nghề nghiệp cùng bài hát “Who’s Afraid of the Big, Bad Wolf?” (Ai sợ con sói to lớn, gian ác) – đã có sức lay động và cộng hưởng mạnh mẽ đến phần lớn khán giả là những người cũng đang phải vật lộn với một con sói khác còn to lớn hơn cuộc Đại Suy thoái 1929 (Great Depression) do khủng hoảng thừa; Thậm chí thời báo New York khi ấy còn ca ngợi “Who’s Afraid” như là bài quốc ca mới của nước Mỹ. Hai thập niên sau đó, năm 1953, loạt phim Davy Crockett ra đời đã dựng lên hình tượng và cuộc đời của Crockett Craze (quân nhân và chính trị gia cuối thế kỷ 19, người thường được nhắc đến trong văn hóa đại chúng như là “vua của biên giới hoang dã” hay anh hùng dân gian) – thứ hoàn toàn khớp với tinh thần yêu nước cao độ mà nước Mỹ cần cổ vũ trước thềm Chiến tranh Lạnh.
Với Mary Poppins Returns 2018, có vẻ Disney lại một lần nữa sẵn sàng “chạm” tới “cảm xúc” của xã hội Mỹ ở thời khắc hiện tại. Các ngôi sao của phim dường như cũng cảm nhận được điều này khi Blunt chia sẻ với Vogue về một thứ cảm giác mới mẻ trong giai đoạn đầy bất an, trong khi Miranda thì liên tục nhắc đi nhắc lại, rằng chúng ta cần đưa điều gì đó đến với thế giới. Jodi Eichler Levine – giám đốc Chương trình nghiên cứu Mỹ (American studies) và phó giáo sư tôn giáo học tại Đại học Lehigh – đã viết trên tạp chí Salon, rằng trong bối cảnh thiếu vắng niềm tin vào hệ thống chính trị như hiện nay, một chút tinh thần “spit pot” (khẩn trương, hành động ngay) của cô bảo mẫu Mary Poppin là cần thiết. Levine đã mô tả Poppins như một “Great Communicator” (người truyền đạt vĩ đại) mang quyền năng có thể chống lại những lực lượng hỗn loạn bằng cách áp đặt thứ trật tự mà cô đã luôn nắm giữ và duy trì nhờ thẩm quyền của chuẩn mực đạo đức và tình yêu bao la. Có thể thấy, Poppins đã luôn xuất hiện đúng lúc trong vai trò trung gian để hóa giải các bất đồng, dù mới chỉ ở dạng tiềm ẩn, giữa những người cấp tiến với bảo thủ, chẳng hạn cô thường xen ngang vào các tranh cãi của ông bà Banks về những mối quan tâm bên ngoài, đồng thời nhắc nhở họ về thứ mà hầu như ai cũng phải công nhận là quan trọng hơn cả: gia đình.
Nam diễn viên Matt Lee – người từng đóng vai Bert trong một phiên bản nhạc kịch khác của bộ phim – từng tóm gọn lý do khiến Poppin trở nên thành công đến vậy khi khiến người xem tìm lại được sự cân bằng trước những hỗn loạn bởi tác động của ngoại cảnh lẫn nội tâm: “Mary đã kiểm soát và bắt mọi thứ diễn ra theo cách như nó phải là”.