Các nhà khoa học thần kinh đã phát hiện một khu vực trọng yếu trong não bộ giúp con người đánh giá và phản hồi với những gì được chúng ta coi là đẹp, hay gây ấn tượng về mặt thẩm mỹ. Đáng ngạc nhiên thay, ấn tượng này có liên hệ mật thiết với ý thức về bản thân nhiều hơn chúng ta tưởng tượng.
Nghiên cứu mới đã chỉ ra, khi một vật khiến ta thỏa mãn về mặt thị giác – ví dụ như một tác phẩm nghệ thuật, một công trình kiến trúc đẹp hay một khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ – não bộ sẽ xuất hiện xu hướng hoạt động theo mạng chế độ mặc định (default mode network - DMN).
DMN là một hệ thống quy mô lớn chứa các vùng tương tác trong não bộ có vai trò trong việc quy định ý thức về bản thân (sense of self) ở mỗi người. Hệ thống này hoạt động mạnh nhất khi con người tự suy tưởng về bản thân (self-reflecting), ghi nhớ hay tưởng tượng.
Trong phát hiện mới nhất này, các nhà khoa học cho rằng, khu vực này cũng chính là nơi não bộ xử lý thông tin khi con người có một trải nghiệm thị giác mạnh mẽ.
“Chúng tôi vẫn chưa rõ liệu DMN có thực sự xử lý loạt hình ảnh này hay không, nhưng rõ ràng, nó đã tiếp cận được thông tin trừu tượng quyết định liệu đây có phải trải nghiệm gây ấn tượng về mặt thị giác hay không.”, nhà khoa học thần kinh Edward Vessel, Viện nghiên cứu Max Planck, Đức cho biết.
Vessel đã dành nhiều năm nghiên cứu vai trò của DMN trong thẩm mỹ học. Một nghiên cứu do Vessel thực hiện tại Đại học New York cũng cho thấy điểm kích thích trong hoạt động của DMN khi một tác phẩm nghệ thuật chạm đến cảm xúc của khán giả, từ đó xuất hiện khả năng về sự kết hợp của các phản ứng trên phương diện cảm giác, xúc giác và cá nhân xảy ra cùng lúc trong não bộ. Trong bài nghiên cứu tiếp theo vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đề xuất ý kiến rằng một số tác phẩm nghệ thuật có mối tương thích đủ lớn đến mức tiếp cận được tới hệ thống não bộ quy định “cái tôi” cá nhân – nơi mà các tác nhân bên ngoài khác thường không chạm đến được. Điều này được cho rằng là nguồn cơn của cảm giác hài lòng mạnh mẽ sinh ra khi con người cảm thấy “được chạm tới từ bên trong”.
Trong bài đăng mới nhất, nhóm nghiên cứu cho biết cảm giác tương tự còn xảy ra khi con người tiếp xúc với những hình ảnh gây kích thích thẩm mỹ khác – được gọi là hiệu ứng “phổ rộng” (domain-general).
Sử dụng phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng để theo dõi hoạt động não bộ của 16 tình nguyện viên, các nhà nghiên cứu cho thấy hoạt động của các khu vực xử lý hình ảnh trong não bộ thể hiện rất khác nhau khi họ quan sát các bức ảnh nghệ thuật. Trong khi đó, hệ thống DMN lại cho ra kết quả hoàn toàn khác biệt. Khi một bức ảnh được đánh giá là không đẹp, khu vực này gần như không phản ứng. Ngược lại, khi một bức ảnh gây ấn tượng về mặt thẩm mỹ, DMN sẽ hoạt động mạnh tương tự như khu vực xử lý hình ảnh.
Hầu hết khi chúng ta quan sát các sự vật ở thế giới bên ngoài, bộ phận xử lý hình ảnh của não bộ sẽ hoạt động mạnh nhất, trong khi DMN tỏ ra ít liên quan nhất. Chỉ khi não bộ bị ấn tượng bởi một hình ảnh, DMN mới “trỗi dậy” và được kích hoạt tương tự như vùng xử lý hình ảnh. Các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định chính xác vai trò của DMN trong phản ứng của con người về cái đẹp, song kết quả nghiên cứu đã gợi mở mối liên hệ ở một mức độ nhất định giữa trải nghiệm thị giác với cảm nhận về bản thân diễn ra trong não bộ. Các nhà nghiên cứu hi vọng phát hiện được phản ứng tương tự xảy ra khi não bộ được kích thích bởi âm nhạc, thơ ca hay các tác nhân bên ngoài đủ gây ấn tượng khác.
Bài nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí PNAS.
Nguồn: https://www.sciencealert.com/a-core-part-of-our-brains-may-contain-a-universal-code-for-what-we-find-beautiful
Phạm Nhật theo sciencealert