Nhà địa sinh học Bruce Fouke, Đại học Illinois chi nhánh Urbana-Champaign, đã phát hiện sự hình thành của các tinh thể trong suối nước nóng Công viên Quốc gia Yellowstone (Mỹ) có nhiều điểm tương đồng với sự hình thành sỏi thận trong cơ thể và đi ngược lại lý thuyết cho rằng sỏi thận không bao giờ phân hủy.

Là một người thường xuyên lui tới các suối nước nóng và rặng san hô nhằm phục vụ nghiên cứu khoáng vật và tinh thể tự nhiên, Fouke chưa bao giờ thấy một loại đá nào không trải qua quá trình “lớn lên rồi phân hủy, phân hủy rồi lại lớn lên”. Ông cùng một nhóm các nhà nghiên cứu đa chuyên ngành đã cùng cộng tác nhằm tìm ra “một cái nhìn hay mang tính địa chất học về sỏi thận”.

Ảnh: chiếu đèn tia cực tím lên các phiến sỏi thận mỏng cho thấy các lớp tinh thể phát triển (màu xanh lam và xanh lục) xen giữa các cấu trúc giống đá quý (màu xanh đậm) kích thước lớn, cho thấy  nơi sỏi phân hủy và tái tạo.

Ảnh: chiếu đèn tia cực tím lên các phiến sỏi thận mỏng cho thấy các lớp tinh thể phát triển (màu xanh lam và xanh lục) xen giữa các cấu trúc giống đá quý (màu xanh đậm) kích thước lớn, cho thấy nơi sỏi phân hủy và tái tạo.

Sỏi thận thường chứa canxi và oxalate, hợp chất có trong các loại hạt, cây đại hoàng, củ cải đường và nhiều loại thực phẩm khác. Khi chiếu đèn tia cực tím lên các phiến mỏng của sỏi, các nhà khoa học thấy hiện ra các vảy khoáng chất nhiều màu sắc và một tập hợp các mẩu trông như đá quý. Fouke cho biết việc chiếu đèn giúp ông “đi từ các lớp sỏi mỏng đến các lớp pha lê – tôi biết nghe rất kì cục – to lớn và tuyệt đẹp.”

Nhóm nghiên cứu giải thích sự xuất hiện các tia màu này là do sỏi có các thành phần hữu cơ như vi trùng, tế bào thận và các hóa chất do chúng sản sinh ra, xen lẫn trong các lớp khoáng chất. Giống như đá, sự phân bố màu sắc và hình dạng có thể tiết lộ nhiều đặc điểm của các viên sỏi thận. Những tinh thể đá lớn hơn sẽ phân hủy và để lại các khoảng trống cho các tinh thể mới phát triển và lấp vào sau này. Fouke nghi ngờ rằng các vi khuẩn thận cũng sẽ có quá trình hình thành tinh thể giống như các vi khuẩn trong suối nước nóng Yellowsone.

Ngày nay, cứ mỗi mười người trên thế giới sẽ có một người hình thành sỏi thận lớn và gây đau đớn cho cơ thể. Dù chưa xác định được nguyên nhân, nhưng Fouke tin rằng việc tích lũy kiến thức về cấu trúc và cơ chế hóa học của sỏi sẽ mở đường cho các phương pháp điều trị hiệu quả, trong đó thận vẫn có thể sản sinh sỏi nhỏ, nhưng sẽ nhanh chóng phân hủy và ngăn chúng phát triển lớn hơn.

Nguồn:https://www.sciencenews.org/article/kidney-stones-grow-and-dissolve-much-geological-crystals