Tôi thường đem xe đi thay nhớt tại garage nhỏ của chú Ba Tam ở Fort Worth. Tự dưng cách đây mấy tháng, chú hỏi tôi ở Việt Nam bây giờ có công ty sản xuất xe hơi “Made in Vietnam” không? Câu trả lời có thì cũng không đúng, mà không thì cũng sai luôn.

Tôi nhớ không lầm hồi mấy năm trước ở ngoài Bắc có công ty xe hơi Vinaxuki bị phá sản. Mang danh công ty xe hơi nội địa nhưng máy móc của Nhật, bánh xe Đài Loan, chỉ có khung sườn, bửng trước sau được làm trong nước với mục đích nội địa hóa xe hơi nhưng cũng chỉ đạt được chưa tới 40%. Giá thành rẻ chỉ bằng một phần ba xe nhập cảng. Tuy vậy, người ta vẫn thích mua xe ngoại cho dù mắc tiền. Nó vừa sang, đẹp lại an toàn. Không trách người ta sao sính ngoại.

Xe hơi Made in Vietnam

Thật ra xe hơi Made in Vietnam đã có từ trước năm 75, với mô hình tương tự Vinaxuki, tức là các phần quan trọng của xe thì được nhập từ nước ngoài.

Chú Ba kể, hồi trước có Sài Gòn Xe hơi Công ty ở đường Lê Thánh Tôn Q.1. Chú từng làm nhân viên kỹ thuật đóng thùng xe La Dalat. Công ty này nguyên là chi nhánh hãng Citroën của Pháp. Chiếc La Dalat được tiếng là hàng nội địa nhưng máy móc, bánh xe, thắng, trục chuyển động nhập từ Pháp; người Việt mình làm kèn, hộp đèn, ghế ngồi và khung thùng, lại lấy tên thương hiệu của thành phố sương mù Ðà Lạt. Ban đầu dân Sài Gòn thích xe hơi nhưng túi tiền hạn hẹp nên “kết” loại xe này lắm. Xe nhẹ, đơn giản, ít hao xăng dầu, máy bền lại dễ sửa chữa, đặc biệt là giá rẻ bằng phân nửa xe nhập từ Nhật Bổn. Cuộc triển lãm ra mắt sản phẩm La Dalat hồi năm 1970 ở vườn Tao Ðàn đã thu hút nhiều đơn đặt hàng nên công ty sản xuất ồ ạt. Công việc làm không xuể, nhân công phải làm đêm làm ngày để cung cấp xe ra thị trường. Không biết việc buôn bán ra sao, đến năm 73 thì xe tồn kho rất nhiều, nhân viên làm tại công ty nếu mua thì được hưởng ưu đãi giảm giá so với thị trường.

Xe hơi Made in Vietnam

Sài Gòn Xe hơi Công ty.

Câu chuyện của chú Ba khiến tôi quan tâm, bởi thời ấy tuy chưa biết nhiều về các loại xe hơi nhưng tôi đã nghe người lớn kháo nhau về chiếc La Dalat, và tôi từng thấy nhiều xe này chạy trên đường phố Sài Gòn. Chiếc xe hơi “Made in Vietnam” trông ngầu, đường nét góc cạnh giống xe Jeep, mui vải có thể tháo ra thành mui trần để tà tà bát phố. Có xe mui kín bốn chỗ ngồi, hoặc loại đòn xe dài mà chú Ba Tam nói rằng La Dalat sản xuất đến bốn kiểu xe khác nhau. Ðúng là như vậy. Nhiều người thích xe hai chỗ hơn, phía sau chở hành lý đồ đạc về quê hay đi du lịch miền biển miền núi đều sành điệu. Tôi nhớ mấy tấm bích chương quảng cáo dán ở vách tường bên hông tòa nhà đầu đường Nguyễn Huệ và bến Bạch Ðằng vẽ hình chiếc La Dalat trong khung cảnh miền quê mùa xuân Quý Sửu năm 1973. Bây giờ tôi bắt gặp lại hình ảnh này trên trang mạng lòng vẫn còn thấy mới như ngày nào khi chương trình quảng cáo rầm rộ trên đài phát thanh với lời xướng ngôn viên trầm ấm: “La Dalat cày sâu cuốc bẫm để phục vụ quý vị”.

Vấn đề quảng cáo rầm rộ hồi đầu xuân năm 1973 và việc chú Ba Tam mua xe La Dalat được giảm giá tại công ty nói lên phần nào việc sản xuất loại xe theo phương châm “Facile À Fabriquer, Facile À Financer” (Dễ sản xuất, Dễ trả tiền) của công ty gặp vấn đề rắc rối về tiêu thụ chứ không như từ khi khởi đầu quá trình sản xuất, Citroën đã chủ quan về chuyện giá thành rẻ thu hút người tiêu thụ ham thích chiếc xe thực dụng và dễ sửa chữa này. Thật ra năm 1973 Sài Gòn Xe hơi Công ty không còn cho xuất xưởng các loại xe La Dalat như báo chí ca tụng. Xe hơi nội địa La Dalat được sản xuất mỗi năm một ngàn chiếc cho đến thời điểm năm 1975 thì chấm dứt thời hoàng kim, lúc ấy miền Nam đã sản xuất ra chiếc xe hơi nội địa hóa đến 40% (tính ra có đến 5,000 chiếc).

.

Theo tư liệu và bản báo cáo thống kê sản xuất của Công ty Citroën tại Pháp về việc chế tạo dòng xe mới cho Việt Nam, thì La Dalat nguyên thủy do hai người Pháp tên là Letoquin và Lechanteur – chủ nhân của Công ty xe hơi và gắn máy ở Bờ biển Ngà, trực thuộc công ty mẹ Citroën – mang chiếc xe hơi hai sức ngựa (2CV) Baby Brousse về Sài Gòn cải tiến bộ khung một chút cho phù hợp thời tiết bản địa. Bản vẽ được phác thảo và Sài Gòn Xe hơi Công ty chịu trách nhiệm sản xuất một số phụ tùng tại chỗ để nội địa hóa mang tên La Dalat. Nói chung, dòng xe Citroën 2CV được sản xuất ở nhiều nước trên thế giới như Hy Lạp, Iran, Indonesia, Chile, Việt Nam… mỗi quốc gia có tên xe khác nhau nhưng đều dựa vào mẫu Baby Brousse sản xuất tại thành phố Abidjan Bờ biển Ngà. Thống kê sản xuất cho thấy năm 1970 ở Việt Nam xuất xưởng 30 chiếc giới thiệu ra thị trường, năm 71 sản xuất 2,385 chiếc nhưng qua năm 1972 chỉ còn 450 chiếc và ngưng sản xuất vào năm 1973. Tổng cộng La Dalat mà công ty mẹ gọi đúng tên là Citroën Dalat sản xuất được 2,895 chiếc, không có con số bán ra và số tồn kho.

Chú Ba Tam nghĩ rằng, thoạt đầu dân chúng ưa chuộng vì giá rẻ, mẫu mã bề ngoài trông bắt mắt nhưng nội thất không có gì đặc biệt, đơn điệu nên sức thu hút giảm dần. Trong thời điểm này, xe Nhật, Mỹ và châu Âu nhập cảng vào Sài Gòn nhiều mẫu đẹp, hấp dẫn hơn. Người có đủ tiền mua xe mới (La Dalat giá 650,000 ngàn trong khi Mazda, Toyota giá chừng 1.1 – 1.3 triệu) nhưng vẫn thích đi mua xe cũ qua sử dụng được năm bảy năm, giá còn phân nửa bằng với mua mới chiếc La Dalat. Hơn nữa, đầu năm 1970 cho đến năm 1975 là thời kỳ đồng bạc VNCH mất giá kinh khủng (1USD = 275 năm 70; = 550 năm 72; = 750 năm 75). Trong khi thời điểm năm 72 giá vàng là 49USD/ounce tức 61USD/lượng tương đương 33,550 đồng VN. Ðồng tiền mất giá, nhu cầu mua xe cần cân nhắc, ngoại trừ những người có nhiều tiền và muốn chơi trội mua xe hơi lý le. Dân thương buôn làm ăn lớn nhỏ, công chức làm ra tiền đều tích lũy vàng hoặc quy đổi đô la chợ đen cất giữ. Còn một điều tác động không thể thiếu đã làm giảm sức mua xe hơi, các dòng xe gắn máy Nhật và Vespa của Ý sản xuất tại Pháp du nhập vào Sài Gòn rất nhiều, thuận tiện di chuyển và có chỗ đậu xe.

.

Tới đây, chúng ta đã giải mã phần nào về chiếc La Dalat một thời từng được người dân ca tụng lại “chết yểu” một cách đáng thương không phải vì biến động chính trị năm 1975 mà do kinh tế thời cuộc trước đó. Còn thắc mắc của tôi về chuyện tại sao lại không đặt tên sản phẩm xe hơi “Made in Vietnam” là Saigon mà lại dùng tên Ðà Lạt? Liệu có phải đó là tên thành phố Ðà Lạt hay chỉ là chữ Dalat trùng hợp ngẫu nhiên. Câu hỏi này theo chú Ba Tam nói ở trên, là tên Ðà Lạt viết theo tiếng ngoại quốc. Không thấy tài liệu nào giải thích. Ngay cả phòng triển lãm xe hơi tại vương quốc Bỉ, lưu giữ chiếc xe La Dalat đời 71 cũng dùng tên chính thức Citroën Dalat.

Dẫu sao thì La Dalat đã để lại dấu ấn cho niềm tự hào lần đầu tiên người Việt Sài Gòn chế tạo được 40% phụ tùng, góp phần làm nên tên tuổi dòng xe hơi “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. Với số lượng gần 2,900 chiếc La Dalat góp một phần nhỏ trong nền giao thông miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào. Theo thống kê của ngành giao thông VNCH đến năm 1974 có tổng cộng 258,514 xe lưu thông trong đó có 35,384 xe vận tải lớn, 64,229 xe hơi châu Âu, Mỹ, Nhật, phần còn lại là xe taxi hiệu Citroën, Renault, Peugeot và xe jeep, xe vận tải nhà binh trong thời Mỹ mang vào miền Nam với mục đích quân sự.

.

Chỉ riêng con số xe hơi lưu thông trên 35 tỉnh và Ðô thành Sài Gòn cho thấy người có xe hơi riêng thật ít ỏi so với quãng thời gian hơn 70 năm (tính đến thời điểm 1975) kể từ khi người ta ghi nhận năm 1907 chỉ có 2 chiếc xe hơi nhập vào Việt Nam, một của người Pháp, và chiếc thứ hai thuộc về Thầy Năm Tú (Pierre Tú) chủ gánh cải lương Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Sang đến thập niên 20 Sài Gòn có chừng 100 chiếc (tính riêng xe hơi) của các quan chức sắc tai to mặt lớn hoặc điền chủ hay người làm ăn giàu có. Xe hơi nói chung bao gồm xe đò xe tải đã xuất hiện khá nhiều (theo thống kê của Tạp chí Nature, năm 1926 Nam kỳ có 5,678 ô tô các loại, Trung kỳ có 966 xe, Bắc kỳ có 2,866 xe).

Dân giàu Sài Gòn bắt đầu chuộng xe hơi, nhiều hãng, garage, đại lý phụ tùng xe hơi buôn bán mở ra khá nhiều trên đường Trần Hưng Ðạo, Gia Long, Lê Thánh Tôn, Tôn Thất Ðạm ngay từ đầu thập niên 30. Xe hơi các loại của châu Âu (nhiều nhất là Pháp) được ưa chuộng. Nhưng sang đến thập niên 60, người ta lại thích các loại xe Mỹ nhập vào. Các dòng xe hơi Mỹ như Austin, Ford, Lincoln, Cadillac, Dodge… máy mạnh chạy khỏe lấn ép dòng xe Nhật Toyota, Mazda, Nissan… lúc đó không phải là xe tốt bền như bây giờ nhờ phát triển cải tiến kỹ thuật từ thập niên 70.

Tác giả: Trang Nguyên

TheoSaigonxua.orgvà Fanpage