Halloween được cho là bắt nguồn từ lễ hội thu hoạch “samhain” của người Celtic, đánh dấu sự khởi đầu của một nửa năm đen tối, bởi niềm tin phổ biến về sự chồng lặp giữa cõi chết với thế giới của người đang sống – thời điểm rất dễ bắt gặp ma.
Năm 601 SCN, nhằm thực hiện kế hoạch Kitô hóa vùng đất Bắc Âu, Giáo hoàng Gregory I đã ra chỉ thị cho những nhà truyền giáo không được tìm cách xóa bỏ các lễ hội truyền thống của dân ngoại đạo, mà thay vào đó hãy cố gắng dẫn dắt họ tin theo Đức Chúa. Qua thời gian, lễ “samhain” dần trở thành All Souls’ Day (ngày của các linh hồn) và All Saint’ Day (Lễ Chư thánh) khi nghi thức hiệp thông với người chết được xem là phù hợp về mặt tôn giáo.
Ngoài ra, All Saint’ Day còn được gọi là All Hallows’s Day (ngày của tất cả sự tôn kính), và đêm trước đó cũng trở thành All Hallow’s Evening (đêm của tất cả sự tôn kính hay Đêm vọng Lễ Chư thánh) – viết tắt thành “Hallowe’en”. Như vậy, các tín ngưỡng ngoại giáo xoay quanh linh hồn người chết không những đã tiếp tục được duy trì, mà còn sớm trở thành một phần của nhiều nghi thức trong nhà thờ. Ngay đến Giáo hoàng Gregory cũng từng đề nghị với con chiên, rằng nếu trông thấy ma thì hãy nói lời cầu nguyện cho người đã mất. Theo quan điểm này, người chết có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ người sống để đi hết hành trình đến với Thiên Đàng.
Tạo hình ma quỷ trong lễ Halloween. Ảnh: Werner Reischel / Flickr
Trong thời Trung Cổ, niềm tin vào sự mắc kẹt của các linh hồn trong luyện ngục đã khuyến khích cho việc gia tăng của việc thực hành nghi thức xưng tội – để tìm kiếm hình phạt giảm nhẹ về mặt tinh thần cho các tội lỗi, trở thành một một hoạt động sinh lợi cho nhà thờ. Nhưng cũng chính điều này đã góp phần làm phát sinh phong trào cải cách (Reformation), dẫn tới sự phân chia của cộng đồng Kitô hữu (Christianity) thành Tin Lành (Protestantism) và Công giáo La Mã (Catholicism) – do nhà thần học Martin Luther (Đức) khởi xướng.
Thực vậy, nội dung “95 luận đề” của Luther được ghim tại Thánh đường All Saints Church (Nhà thờ Chư thánh) ở Wittenburg vào ngày 31/10/1517, chủ yếu là để chống lại hoạt động rao bán nghi thức xá tội. Hệ quả là, các nước theo Tin Lành thường đánh đồng các hồn ma với sự “mê tín dị đoan” của người Công giáo.
Sau này, trước sự tiếp diễn của những tranh cãi về sự tồn tại của ma quỷ, nhiều người có xu hướng tìm đến với các công cụ khoa học nhằm giải quyết một số vấn đề. Thế kỷ 19 cũng nổi lên một trào lưu mới gọi là thuyết thông linh (spiritualism) với các tín đồ tin rằng hoàn toàn có thể trò chuyện với linh hồn của người đã chết – một ý tưởng nhanh chóng bao trùm trong xã hội cùng sự phổ biến của một số kỹ thuật như gọi hồn (seances), cầu cơ (ouija), chụp ảnh linh hồn (spirit photography) và nhiều thứ khác tương tự.
Sang đến thế kỷ 20, nhất là sau Thế chiến I, mặc dù dần trở nên mờ nhạt và không còn nhiều giá trị quan trọng về mặt văn hóa, nhưng một số phương pháp tiếp cận của thuyết thông linh vẫn còn tiếp tục được sử dụng cho đến tận hôm nay bởi các chuyên gia bắt ma (ghost hunter) – những người hay tìm cách chứng minh sự tồn tại của ma quỷ bằng những kỹ thuật mà họ cho đó là khoa học.
Ma nhảy múa trong lễ hội Halloween. Ảnh: Chris Jepsen / Flickr
Không chỉ Thiên chúa giáo mới tin vào những điều này, mà hầu hết (dù không phải tất cả) các xã hội đều có những quan niệm nhất định về “hồn ma”. Như tại Đài Loan, có đến 90% số người được hỏi cho biết là họ đã từng nhìn thấy ma. Cùng với nhiều nền văn hóa Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam, người Đài Loan cũng có truyền thống tưởng niệm “Tháng cô hồn” xoay quanh một ngày “Lễ Vu lan” chính – dịp mà người ta tin rằng, các linh hồn sẽ tự do đi lang thang trong thế giới của người sống.
Những lễ hội và tín ngưỡng này thường được cho là gắn liền với một câu chuyện trong kinh Urabon Sutra (Vu lan bồn) của Phật giáo, kể rằng Đức Phật đã dẫn lối cho một thầy tu trẻ (Mục Kiều Liên) tìm cách cứu lấy linh hồn người mẹ khỏi sự đau khổ của kiếp quỷ đói khát.
Cũng giống quan niệm của nhiều nước láng giềng, người Đài Loan thường phân loại những hồn ma là “thân thiện” hay “không thân thiện”. Ma “thân thiện” chính là những bậc tổ tiên hoặc thân nhân đã mất – thường được chào đón để trở về nhà trong tháng lễ cô hồn. Trong khi hồn ma “không thân thiện” thường được dùng để ám chỉ những linh hồn “giận dữ” hoặc “đói khát”, tìm cách trở về để ám người sống.
Tok Thompson – một nhà nghiên cứu và thuyết giảng lâu năm về chủ đề ma quỷ – cho rằng, sự trở lại nhân gian của các linh hồn thường là vì những lý do hoặc mục đích nào đó, chẳng hạn do một vụ án mạng chưa được phá; hay liên quan đến sự thiếu vắng nghi thức tang lễ phù hợp; cũng có thể nạn nhân vì bị cưỡng ép mà phải tự tử; hoặc giả tìm cách trở về để giúp ngăn ngừa những bi kịch hay thảm họa đạo đức.
Xét theo khía cạnh này, người ta tin rằng các hồn ma thường đi tìm kiếm công lý ở bên ngoài những ngôi mộ, bằng cách nhắn gửi lời thỉnh cầu đến người khác, thậm chí cho cả cộng đồng. Như tại Hoa Kỳ, đã từng có nhiều báo cáo về các trường hợp nhìn thấy ma – linh hồn của những nô lệ Da Đen và thổ dân Da Đỏ bản địa bị giết hại dã man trong quá khứ. Hay một nhà nghiên cứu tâm linh khác là Elizabeth Tucker cũng từng đưa ra những phân tích chi tiết về các vụ nhìn thấy ma trong khuôn viên của nhiều trường đại học, lật lại mặt tối trong quá khứ của những nơi này.
Như vậy, việc bắt gặp ma cũng có thể được xem như một lời cảnh tỉnh về những mặt trái trong cuộc sống, nhắc nhở người còn sống đừng đi trệch khỏi luân thường đạo lý, và rằng sự sa ngã đạo đức sẽ gây ra những gánh nặng tinh thần rất khó chữa lành. Mặc dù vậy, điều này không hẳn là không ẩn chứa hy vọng, khi niềm tin vào một cuộc sống sau khi chết dường như cũng đem đến cơ hội để hiệp thông với người đã khuất, và qua đó tìm cách để cứu rỗi – tức chuộc lỗi với quá khứ.
Vì thế, nhân dịp Halloween, bên cạnh những tiếng thét và màn trình diễn kinh dị, có thể chúng ta cũng muốn dành ra một vài phút để tri ân các linh hồn, cho những điều mà họ đã dạy chúng ta để hướng tới một đời sống tốt đẹp hơn.