Da không chỉ là bức tường bảo vệ, nó còn là phương tiện giúp chúng ta tương tác với thế giới bên ngoài, làm mát và giữ ấm cho cơ thể.

Da – cơ quan lớn nhất trên cơ thể – chiếm đến 16% khối lượng của bạn. Da cấu tạo gồm ba lớp: lớp biểu bì, lớp hạ bì, và lớp dưới da. Khi được trải phẳng, da sẽ có diện tích gần 1,7 m2. Ngoài nhiệm vụ bao bọc các bộ phận bên trong, da cũng đóng nhiều vai trò khác trong cuộc sống.

Cấu tạo của da. Ảnh: Wikimedia.
Cấu tạo của da. Ảnh: Wikimedia.

Nói về những vai trò cơ bản, trước hết, da là nền tảng của hệ bì – hệ thống bao gồm da cùng các phần phụ như tóc, móng, các tuyến chuyên biệt và dây thần kinh. Da có độ dày dao động từ 0,5 mm ở vùng da mỏng nhất đến 4 mm ở vùng da dày nhất. Cơ quan này hiện ba chức năng chính: bảo vệ, điều hòa nhiệt độ và cảm nhận thế giới bên ngoài.

Mỗi ngày, bề mặt rộng lớn của da phải tiếp nhận hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cảm nhận xúc giác, chủ yếu dựa vào các thành phần da nhạy cảm với áp lực được gọi là tế bào Merkel. Chỉ riêng các đầu ngón tay đã có đến 750 tế bào Merkel trên 1cm2 cùng với hơn 2.500 thụ quan giúp tiếp nhận kích thích của môi trường.

Làn da cũng là lớp bảo vệ chính đầu tiên của cơ thể. Nếu không có da, cơ thể chúng ta chỉ là một đống mô và chất lỏng nhầy nhụa, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố bên ngoài. Da không chỉ bảo vệ hiệu quả phần còn lại của cơ thể mà còn giúp hấp thu áp lực và những cú va chạm nhờ collagen đàn hồi, thành phần chính của lớp hạ bì.

Lớp biểu bì chủ yếu gồm các tế bào sừng (tế bào keratin). Chúng được thay thế hoàn toàn theo chu kỳ 4 tuần. Tế bào mới hình thành ở đáy lớp biểu bì sẽ đẩy các tế bào già hơn lên trên. Trong quá trình các tế bào dịch chuyển lên trên, chúng sẽ được phủ một lớp protein cứng gọi là keratin. Khi đến bề mặt da, các tế bào này tạo nên một lớp chống nước ngăn vi sinh vật bên ngoài xâm nhập.

Bất kỳ vi sinh vật gây hại nào vượt qua lớp biểu bì sẽ gặp phải các tế bào Langerhans. Nhóm tế bào phòng vệ này phát hiện các yếu tố xâm nhập, đồng thời thông báo sự xuất hiện của chúng với tế bào miễn dịch T lân cận để kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Một yếu tố quan trọng hỗ trợ cơ chế miễn dịch của da là hàng nghìn loài vi sinh vật sống trên bề mặt da. Các vi sinh vật này bao gồm cả vi khuẩn và nấm sinh trưởng trong bã nhờn – một chất dầu được tiết ra trên bề mặt da thông qua các tuyến nhờn nằm bên trong lớp hạ bì. Vi sinh vật trên da duy trì hệ miễn dịch liên tục ở trạng thái bảo vệ, bảo đảm hệ miễn dịch sẵn sàng phản ứng khi cơ thể gặp nguy hiểm.

Ngoài vai trò bảo vệ, da còn là một cơ quan cảm giác giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Các dây thần kinh xác định nhiệt độ trên da là nóng hay lạnh và gửi thông tin này đến não bộ. Từ đó, não sẽ điều khiển mạch máu dưới da giãn ra nếu cơ thể quá nóng, giúp tỏa nhiệt từ máu qua da, hoặc co lại để giữ nhiệt nếu thân nhiệt thấp. Bất kỳ thời điểm nào cũng có khoảng 25% lượng máu trong cơ thể đi qua lớp hạ bì khiến quá trình điều hòa thân nhiệt diễn ra rất hiệu quả.

Khi trời nóng, tuyến mồ hôi sẽ tiết mồ hôi qua các ống dẫn lên bề mặt da. Quá trình này giúp làm mát cơ thể.

Lông cũng có thể được kích thích để giữ hoặc giải phóng nhiệt. Trung bình một người có 5 triệu nang lông trải khắp cơ thể, trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân. Trong số đó, khoảng 90.000 đến 150.000 nang lông nằm trên đỉnh đầu, giúp bảo vệ vùng da khá lớn trên đầu tránh khỏi tác động của ánh nắng Mặt Trời. Khi trời lạnh, những cơ nhỏ li ti gọi là cơ dựng lông sẽ làm lông chúng ta dựng đứng lên. Hiện tượng này được gọi là "nổi da gà", và nó giúp mở rộng khoảng không khí giữ nhiệt xung quanh da, khiến cơ thể ấm hơn.