Vài thế kỷ trước, nhiều người theo đạo Cơ Đốc và các tôn giáo khác có một niềm tin mạnh mẽ cho rằng, Quỷ dữ có thể trao cho một số người nào đó – được biết đến là phù thủy – sức mạnh để làm hại người khác và đổi lấy lòng trung thành của họ.
Một “cơn sốt phù thủy” đã xuất hiện trên khắp châu Âu từ những năm 1300 đến cuối những năm 1600. Hàng chục nghìn người bị hành hình, chủ yếu là phụ nữ, bởi vì người ta cáo buộc họ là phù thủy. Mặc dù các phiên tòa xét xử tại Salem được tiến hành khi cơn sốt phù thủy tại châu Âu đang có chiều hướng giảm xuống, nhưng hoàn cảnh của địa phương đã khiến chúng tiếp tục diễn ra.
Năm 1689, hai nhà lãnh đạo Anh là William và Mary phát động một cuộc chiến tranh với Pháp tại khu thuộc địa ở Mỹ. Cuộc chiến đã tàn phá nhiều vùng ngoại ô của New York, Nova Scotia và Quebec, đẩy những người tị nạn vào Quận Essex, đặc biệt là ngôi làng Salem ở khu thuộc địa Vịnh Massachusetts. Những người tị nạn chuyển đến tạo ra sự thiếu hụt nguồn tài nguyên của Salem. Điều này làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh đang tồn tại giữa các gia đình giàu có ở Salem và các gia đình phụ thuộc vào canh tác nông nghiệp. Người dân sống trong làng Salem theo Thanh giáo tin rằng, những xáo trộn và mâu thuẫn trong xã hội tăng lên là do Quỷ dữ gây ra.
Những phiên tòa xét xử phù thủy
Mọi chuyện bắt đầu xảy ra vào tháng 1/1692, khi con gái của mục sư Reverend Parris tên là Elizabeth (9 tuổi) và cháu gái Abigail Williams (11 tuổi) bắt đầu lên cơn động kinh và mắc nhiều căn bệnh khó hiểu. Chúng la hét, ném đồ vật, nói những âm thanh kỳ lạ. Một bác sĩ địa phương kết luận rằng, hai đứa trẻ bị nguyền rủa bởi phép thuật hắc ám nào đó. Ann Putnam – bé gái 11 tuổi khác – cũng gặp phải hiện tượng tương tự. Vào ngày 29/2/1962, do chịu áp lực từ các thẩm phán Jonathan Corwin và John Hathorne, các bé gái đã đổ lỗi cho ba người phụ nữ khiến chúng mắc bệnh, đó là Tituba (một nô lệ), Sarah Good (một kẻ ăn xin vô gia cư) và Sarah Osborne (một người phụ nữ nghèo khổ).
Bức tranh minh họa phiên tòa xét xử phù thủy tại Salem. Ảnh: Wikimedia
Sau khi bị các quan tòa thẩm vấn trong vài ngày, Osborne và Good được tuyên bố vô tội. Nhưng Tituba thừa nhận: “Quỷ dữ đến gặp tôi và mời tôi phục vụ cho hắn”. Tituba cho biết mình đã ký vào quyển sổ của Quỷ và một số phù thủy khác đang tìm cách tiêu diệt người theo Thanh giáo tại Salem. Cả ba phụ nữ cuối cùng đều bị đưa vào tù.
Sự kiện này châm ngòi cho một loạt những lời cáo buộc phù thủy khác vài tháng sau đó. Trong đó nổi bật nhất là cáo buộc chống lại Martha Corey, một thành viên trung thành của giáo hội tại Salem. Điều này khiến người dân càng lo lắng hơn, bởi vì Corey là phủ thủy thì bất kỳ ai cũng có thể. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi Thomas Danforth, phó thống đốc bang Massachusetts, và trợ lý của ông đến tham dự các phiên tòa ở Salem vào tháng 4/1692. Hàng chục người tại Salem và các làng khác được đưa đến thẩm vấn.
Ngày 27/5/1692, thống đốc William Phippsquyết định thành lập một tòa án lớn hơn để xét xử phù thủy tại các quận Suffolk, Essex và Middlesex. Trường hợp đầu tiên được mang đến thẩm vấn là Bridget Bishop, một phụ nữ lớn tuổi có thói quen nói xấu người khác và hay lang chạ. Khi được hỏi có mối liên hệ nào với phù thủy không, Bishop trả lời: “Tôi vô tội như một đứa trẻ chưa ra đời”. Lời biện hộ này không có sức thuyết phục, do đó Bishop bị kết tội và trở thành người đầu tiên bị treo cổ vào ngày 10/6/1692 trên Ngọn đồi Treo cổ (Gallows Hill).
Năm ngày sau đó, mục sư Cotton Mather viết một lá thư khẩn cầu quan tòa không chấp nhận những bằng chứng mơ hồ, chẳng hạn như lời khai của nhân chứng khẳng định họ đã mơ hoặc nhìn thấy những người bị cáo buộc là phù thủy giống những linh hồn hoặc bóng ma. Tòa án đã phớt lờ yêu cầu này. Kết quả là năm người tiếp tục bị kết án và treo cổ trong tháng 7, năm người khác vào tháng 8 và tám người vào tháng 9 năm 1692.
Thống đốc Phipps cuối cùng đã chấp nhận lời cầu xin của Mather, phóng thích cho nhiều người, đồng thời giải thể tòa án xét xử phù thủy vào ngày 29/10/1692. Tuy nhiên, đã có tổng cộng 19 người bị treo cổ tại đồi Gallows Hill, nhiều người chết trong tù và gần 200 người bị cáo buộc là phù thủy.
Giải oan cho các nạn nhân
Sau các phiên tòa xét xử và hành quyết phù thủy, nhiều người liên quan như thẩm phán Samuel Sewall đã công khai thú nhận sự sai sót và lỗi lẫm. Năm 1711, bang Massachusetts thông qua một dự luật khôi phục lại thanh danh cho những người bị tố cáo là phù thủy, đồng thời bồi thường tiền cho người thừa kế của họ.
Trong thế kỷ 20, các nghệ sĩ và nhà khoa học tiếp tục bị thu hút bởi những phiên tòa xét xử phù thủy Salem. Nhà viết kịch Arthur Miller làm sống lại câu chuyện xảy ra tại Salem với vở kịch The Crucible năm 1953.
Nhà tâm lý học Linnda Caporael cho rằng, hành vi bất thường của những người được cho là nạn nhân của phép thuật phù thủy tại Salem có thể do nấm cựa gà phát triển trên lúa mạch đen, lúa mì và các loại ngũ cốc khác gây ra. Khi họ ăn phải loại nấm này, chất độc gây co thắt cơ, nôn mửa và ảo giác. Nấm cựa gà phát triển mạnh trong khí hậu ấm áp và ẩm ướt của Salem vào những tháng mùa xuân và mùa hè. Kết quả nghiên cứu của Caporael được công bố trên tạp chí Science năm 1976.
Hiện nay, Bảo tàng Phù thủy Salem và Bảo tàng Peabody Essex tại Salem vẫn còn lưu giữ các tài liệu xét xử phù thủy năm 1692. Đây cũng là những địa điểm được ghé thăm nhiều nhất trong khu vực.